Trong bài "Hill State Villa 1 bị khách hàng khiếu kiện", ĐTCK có bài phản ánh chủ Dự án Hill State Villa 1 tại Hà Nội bị một nhóm khách hàng khiếu nại vì chậm tiến độ, chậm bàn giao nhà và bán nhà niêm yết theo giá USD với lãi suất phạt trả chậm “cắt cổ”. Sau nhiều lần hẹn gặp, cuối cùng ĐTCK cũng gặp được đại diện chủ dự án là Công ty TNHH Hyundai RNC Hà Tây. Thật bất ngờ, công ty này đã “tố” ngược trở lại khách hàng.
“Tố” lại
Ông Jin-Won Choi, Trưởng phòng Kế hoạch và Kỹ thuật Công ty TNHH Hyundai RNC Hà Tây cho rằng, việc có đơn khiếu nại chủ dự án chỉ do một số cá nhân không hài lòng về chủ dự án nên đã lôi kéo nhiều người và có những phát ngôn không đúng bản chất sự việc.
Theo ông Choi, trong hợp đồng ghi ngày 1/10/2011 là ngày tạm tính bàn giao nhà. Trong hợp đồng cũng ghi chủ dự án được quyền điều chỉnh thời gian bàn giao trước hoặc sau 60 ngày.
Tuy nhiên, trên thực tế, ngay cả khi chủ dự án được phép bàn giao nhà chậm 60 ngày thì chủ dự án vẫn bị chậm. Bởi lẽ, đến ngày 5/12, chủ dự án vẫn chưa hoàn thiện hầu hết hạng mục như trong phụ lục hợp đồng đã ký với khách hàng.
Cụ thể, trong phiếu ghi nhận ý kiến khách hàng ngày 5/12 của bà Nguyễn Thị Mai Hoa khi đến thăm căn biệt thự đã đủ điều kiện bàn giao của chủ dự án, có chữ ký của đại diện chủ đầu tư, xác nhận: “Mặt ngoài ngôi nhà chưa trát xong, chưa bả và chưa sơn xong… Tất cả các cửa sổ, cửa chính chưa sử dụng được và chưa có khóa, có chất thải ở trong nhà. Trong khi đó, nhà chưa có mốc ranh giới đất”…
Trả lời ĐTCK về phản ánh của khách hàng khi tiến độ dự án bị chậm, trong khi nếu khách hàng chấp nhận bàn giao nhà thì theo hợp đồng, họ sẽ không được quyền khiếu kiện, ông Choi đã đem cả uy tín của thương hiệu Hyundai ra để… thế chấp.
Giải thích về nội dung văn bản bàn giao nhà theo phản ánh có nhiều điều khoản bắt ép khách hàng, ông Choi cho rằng, các nội dung chỉ mang tính… tham khảo. Vì vậy, sau khi nhận nhà, chủ dự án vẫn sẽ bảo hành nhà cho khách hàng!
Cố tình lách luật?
Giải thích nguyên nhân bán nhà theo giá USD, ông Choi cũng có cách lý giải khá khôi hài. Theo ông Choi, thời điểm Hyundai RNC Hà Tây làm hợp đồng bán nhà với khách hàng là thời điểm trước năm 2011. Vào thời điểm đó, việc bán hàng niêm yết giá theo USD rất phổ biến nên Công ty không biết mình đã vi phạm pháp luật. Chỉ đến đầu năm 2011, thời điểm Ngân hàng Nhà nước ra nhiều quyết định chặt chẽ hạn chế bán hàng bằng ngoại tệ, thì Công ty mới biết bán nhà theo giá ngoại tệ là sai phạm. Đặc biệt, dù bán nhà theo giá USD thì ông Choi cho biết, Hyundai RNC Hà Tây cũng không bắt khách hàng nộp bằng tiền USD, mà thu bằng VND theo tỷ giá USD/VND!
Lý giải việc bị liên ngành Công an và Ngân hàng kiểm tra, xử phạt vì Công ty vi phạm Pháp lệnh Ngoại hối từ tháng 4/2011, với lệnh cấm doanh nghiệp tiếp tục bán nhà và thu tiền của khách hàng theo giá USD, thế nhưng phải đến tháng 10/2011, nghĩa là sau khi đã thu thêm một đợt thanh toán của khách hàng, Hyundai RNC Hà Tây mới sửa đổi hợp đồng mua bán và thay đổi phương thức thanh toán từ USD qua thanh toán bằng VND, ông Choi cho hay: Đợt thanh toán theo giá USD lần cuối, chủ dự án đã bị thiệt, vì khi đó giá USD so với VND đã giảm chứ không tăng, nên khách hàng thậm chí còn được lợi!
Theo Luật sư Bùi quang Hưng (Văn phòng Luật sư BQH và cộng sự) thì Pháp lệnh Ngoại hối của Chính phủ có từ năm 1988. Đến năm 2006, Nghị định số 160/2006/NĐ-CP với những quy định cụ thể tiếp tục khẳng định hạn chế việc niêm yết bán hàng bằng ngoại tệ. Trong khi đó, từ năm 2006 đến nay, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có thêm nhiều văn bản chặt chẽ về việc hạn chế niêm yết bán hàng bằng ngoại tệ nên Hyundai RNC Hà Tây không thể không biết.
Vì vậy, giải thích của chủ Dự án Hill State Villas 1 chỉ là cách giải thích vòng vo để chối bỏ trách nhiệm. Việc bán nhà theo giá USD của Hyundai RNC Hà Tây trên thực tế gây thiệt hại cho nhiều khách hàng, bởi Công ty đã thu về hàng tỷ đồng từ việc chênh lệch tỷ giá của khách hàng mua nhà tại dự án.