Hy vọng nào cho các "cổ phiếu rác"?

Hy vọng nào cho các "cổ phiếu rác"?

(ĐTCK) Hàng loạt cổ phiếu trên sàn niêm yết như PPI, KSK, ACM, NHP, CTA, DPS, HKB, SPI, LCM, KSH… có giá rơi dưới 1.000 đồng/cổ phiếu, đó là chưa kể có khoảng 40 mã trên sàn UPCoM cũng "chết" thanh khoản tại mức giá này.

Lên sàn, doanh nghiệp nào cũng kỳ vọng được quảng bá thương hiệu, mở rộng kết nối, gọi được vốn mới để phát triển và phát triển bền vững. Tuy nhiên, thực tế khắc nghiệt hơn những gì kỳ vọng khi có không ít doanh nghiệp, sau nhiều năm lên sàn, kinh doanh ngày càng yếu kém, thua lỗ kéo dài, giá cổ phiếu suy giảm đến mức bị coi như "hàng rác" trên sàn.

Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển dự án hạ tầng Thái Bình Dương (mã PPI) có thị giá còn 600 đồng/cổ phiếu. Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 của PPI mới đây đã phải triệu tập thứ 3 mới tổ chức được, nhưng cũng chỉ có 24 cổ đông, đại diện cho 7,04 triệu cổ phần, chiếm 14,59% cổ phần có quyền biểu quyết tham dự.

Trong khi đó, PPI có ông Phạm Đức Tấn, Chủ tịch HĐQT nắm 5,3% vốn, con gái ông nắm hơn 1,2% vốn. Ngoài ra, CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức (TDH) sở hữu 4,97% vốn và cá nhân ông Nguyễn Vũ Bảo Hoàng, Tổng giám đốc TDH sở hữu 0,134%, tham gia vào thành viên HĐQT PPI…

Vài năm trước đây, một nhà đầu tư mua 1 triệu cổ phần PPI với giá 5.000 đồng/cổ phần vì kỳ vọng tài sản bất động sản của Công ty lớn hơn giá trị thị trường, chưa kể giá trị của PPI sẽ tăng lên nếu Công ty đòi nợ đối tác sẽ thành công.

Tuy nhiên, nhà đầu tư này đã sớm phải bán cổ phần PPI bởi thực tế hoạt động kinh doanh ngày càng suy yếu, Chủ tịch HĐQT PPI đã quá lớn tuổi, trực tiếp điều hành các công việc và không có tầng lớp điều hành kế cận. Theo tài liệu của PPI thì Chủ tịch HĐQT là kỹ sư xây dựng, sinh năm 1945.

Với mức giá 600 đồng/cổ phần hiện nay, hơn 2.200 cổ đông đại diện cho 71,26% vốn cổ phần biểu quyết, là những người không đến dự Đại hội đồng cổ đông thương niên của PPI vừa qua, coi như đã mất hết giá trị khoản đầu tư vào doanh nghiệp này, nhất là khi PPI đứng trước thềm bị hủy niêm yết.

Cũng thiết lập biểu đồ giảm dần đều qua các năm, cổ phiếu CLG của CTCP Đầu tư và Phát triển nhà đất Cotec có thị giá chỉ còn 2.000 đồng/cổ phiếu. Người lãnh đạo cao nhất ở CLG nhiều năm qua là ông Đào Đức Nghĩa, Chủ tịch HĐQT, đã từ nhiệm một năm trước và trao vị trí này cho ông Nguyễn Thế Thanh.

Ông Nghĩa nắm quyền chi phối CLG thông qua CTCP Kỹ thuật xây dựng và vật liệu xây dựng (Cotec), sở hữu 54,79% vốn CLG. Tuy không thua lỗ như PPI, nhưng CLG có khoản lợi nhuận không đáng kể hàng năm.

Hàng loạt cổ phiếu trên sàn niêm yết như KSK, ACM, NHP, CTA, DPS, HKB, SPI, LCM, KSH… có giá rơi dưới 1.000 đồng/cổ phiếu, đó là chưa kể có khoảng 40 mã trên sàn UPCoM cũng "chết" thanh khoản tại mức giá này.

Nhiều nhà đầu tư gọi vui các mã yếu là "hàng rác", dù thực thể doanh nghiệp vẫn tồn tại, nhưng sức sống quá yếu, gây khó khăn cho nhiều chủ thể, trong đó có các nhà đầu tư trót mua và sở hữu loại hàng hóa này.

Nhiều doanh nghiệp có cổ phiếu đuối sức dần có chung thực trạng: dù đã lên sàn, nhưng vẫn áp dụng cơ chế điều hành vẫn mang nặng hình thức công ty gia đình hay tư nhân như CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG), hay Công ty cổ phần Tập đoàn Sao Mai…

Những nhà đầu tư có kinh nghiệm thương trường cho rằng, điều duy nhất có thể trông chờ ở các thực thể doanh nghiệp yếu là đội ngũ lãnh đạo. Nếu lãnh đạo doanh nghiệp có những nhân tố mới với cơ chế quản lý thoát ra khỏi hình thức gia đình thì còn hy vọng, nhưng nếu không có sự đổi mới về con người và cách quản trị thì rất khó để chờ đợi tương lai tươi sáng hơn cho các mã yếu.

Tin bài liên quan