Hy vọng được thắp lại cho giới đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall đóng cửa ở mức cao kỷ lục trong phiên ngày thứ Sáu (12/2) khi giới đầu tư đặt cược vào những biện pháp hỗ trợ thêm từ chính phủ Mỹ để thúc đẩy kinh tế phục hồi.
Hy vọng được thắp lại cho giới đầu tư

Cuối tuần, tâm lý thọ trường được thúc đẩy bởi kỳ vọng về một gói kích thích tài chính lớn khác từ chính phủ Mỹ. Nhiều tín hiệu cho thấy, chính quyền Washington có vẻ sẽ thông qua một đợt chi viện trợ khác có quy mô gần bằng gói viện trợ 1.900 tỷ USD của Tổng thống Joe Biden.

Ủy ban tài chính và thuế vụ thuộc Hạ viện hôm thứ Năm đã phê duyệt một nửa kế hoạch cứu trợ của ông Biden, chuyển khoản thanh toán 1.400 USD cho hàng triệu người Mỹ cùng loạt các chính sách khác bị các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa phản đối.

Trước đó một ngày, Ủy ban giáo dục và lao động cũng đã phê duyệt một ưu tiên hàng đầu khác của đảng Dân chủ - tăng lương tối thiểu từ 7,25 USD/giờ lên 15 USD/giờ trong vòng 5 năm tới.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cũng kêu gọi hỗ trợ tài chính hơn nữa từ chính phủ trong một cuộc họp trực tuyến với các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương các nước thuộc nhóm G7.

Bên cạnh đó, khi quá trình triển khai tiêm chủng vắc-xin Covid-19 đang được đẩy nhanh tiến độ.

Mỹ đang trên đà vượt qua mục tiêu 100 triệu liều vắc-xin trong 100 ngày đầu tiên ông Biden tại nhiệm, với hơn 26 triệu mũi tiêm được cung cấp trong ba tuần qua.

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), khoảng 34,7 triệu trong số 331 triệu người Mỹ đã được tiêm chủng vắc-xin. Trong tuần vừa qua qua, trung bình 1,62 triệu liều vắc-xin được sử dụng mỗi ngày.

Hôm thứ Năm, nhà lãnh đạo Mỹ cho biết nước này sẽ có đủ vắc-xin Covid-19 vào cuối mùa hè để tiêm chủng cho 300 triệu người dân.

Đồng thời các doanh nghiệp trên Phố Wall có mùa báo cáo kết quả kinh doanh đầy ấn tượng. Mặc dù định giá thị trường chứng khoán đang ở mức đỉnh trong lịch sử, nhưng các doanh nghiệp vốn hóa lớn của Mỹ cũng đạt được sự phục hồi mạnh mẽ về lợi nhuận, có nghĩa là thị trường không quá “bong bóng”.

Thị trường Mỹ sẽ đóng cửa vào thứ Hai nhân Ngày Tổng thống.

Kết thúc phiên 12/2, chỉ số Dow Jones tăng 27,70 điểm (+0,09%), lên 31.458,40 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 18,45 điểm (+0,47%), lên 3.934,83 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 69,60 điểm (+0,50%), lên 14.095,47 điểm.

Trong tuần, Dow Jones tăng 1%, S&P 500 tăng 1,23%, Nasdaq Composite tăng 1,73%.

Chứng khoán Châu Âu đảo chiều tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, kết thúc tuần thứ 3 liên tiếp ghi nhận tăng trưởng. Tâm lý trên thị trường được thúc đẩy bởi kỳ vọng gói kích thích tại chính khổng lồ tại Mỹ sẽ sớm đưa nền kinh tế lớn nhất thế giới phục hồi mạnh mẽ.

Kết thúc phiên 12/2, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 61,07 điểm (+0,94%), lên 6.589,79 điểm. Chỉ số DAX tại tăng 9,89 điểm (+0,06%), lên 14.049,89 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 38,85 điểm (+0,60%), lên 5.703,67 điểm.

Tính chung cả tuần, chỉ số FTSE 100 tăng 1,55%, chỉ số DAX giảm 0,05% và CAC40 tăng 4,28%.

Chứng khoán châu Á bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Giá vàng thế giới phiên ngày thứ Sáu giảm nhẹ sau phiên bán tháo mạnh trước đó. Tuy nhiên, lợi suất trái phiếu và đồng USD mạnh hơn, cùng sự chú ý đang bị hút về các đông tiền điện tử vẫn đang đè nặng lên vàng.

Kết thúc phiên 12/2, giá vàng giao ngay giảm 0,40 USD (-0,02%), xuống 1.824,30 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 3 giảm 3,60 USD (-0,20%), xuống 1.822,00 USD/ounce.

Trong tuần, giá vàng giao ngay tăng 0,50%, giá vàng tương lai giao tháng 3 tăng 0,56%.

Trong khảo sát về giá vàng tuần này của Kitco với 14 chuyên gia trên phố Wall, có 10 người dự báo vàng sẽ tăng giá, 2 người cho rằng giá vàng giảm và như vậy có 2 dự báo giá vàng sẽ đi ngang.

Đối với khảo sát trực tuyến với 1.257 người tham gia, 51% tin rằng giá vàng sẽ tăng, 28% cho rằng giá vàng giảm và 21% có quan điểm giá vàng sẽ ít thay đổi.

Giá dầu đảo chiều tăng trở lại trong phiên vừa cuối tuần qua. Mặc dù vẫn kỳ vọng các biện pháp kích thích kinh tế của Mỹ giữa bối cảnh nguồn cung thắt chặt bởi các nước sản xuất dầu lớn cắt giảm sản lượng, song xu hướng tăng không bền vững do vẫn còn lo ngại nhu cầu yếu trong thời gian tới.

Tuần trước, OPEC dự báo nhu cầu dầu mỏ sẽ hồi phục chậm hơn dự kiến và IEA cho biết nguồn cung vẫn vượt xa nhu cầu. Tại Trung Quốc, số người đi lại trước Tết Nguyên đán năm nay giảm 70% so với năm trước do những hạn chế chống Covid-19.

Kết thúc phiên 12/2, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,14 USD (+0,2%), lên 58,38 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,29 USD (+0,5%), lên 61,43 USD/thùng.

Trong tuần, dầu WTI tăng 2,7%, dầu Brent tăng 3,5%.

Tin bài liên quan