Nhóm Eurogroup gồm 19 bộ trưởng tài chính khu vực đồng euro đã kết luận cuộc họp tại Brussels vào thứ Hai và cho biết sẽ tiếp tục gặp nhau vào cuối tuần để bàn về cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu sẽ tổ chức cuộc họp khẩn cấp về vấn đề này trong ngày thứ Ba.
Chủ tịch Eurogroup, ông Jeroen Dijsselbloem cho biết, các đề xuất mới của Hy Lạp là một "bước đi đáng hoan nghênh", nhưng không đủ để củng cố một thỏa thuận ngay. Cuối tuần qua, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras cho thấy sự sẵn sàng có những nhượng bộ để mở nút thắt cho cuộc đàm phán, nhằm tìm kiếm được gói cứu trợ cần thiết để tránh vỡ nợ.
Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết trong một báo cáo của Reuters, không có cơ sở để các chủ nợ của Hy Lạp có thể đưa ra quyết định và rằng hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo khu vực đồng euro hôm thứ Hai là chỉ mang tính chất tư vấn.
Hy Lạp sẽ phải thanh toán cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khoản nợ 1,5 tỷ euro (1,7 tỷ USD) vào cuối tháng này. Nếu không đạt được thỏa thuận, nhiều suy đoán cho rằng, Athens sẽ cần phải áp đặt kiểm soát vốn để tránh một cuộc khủng hoảng ngân hàng khi người gửi tiền sẽ rút tiền ồ ạt.
Về thông tin kinh tế, theo dữ liệu vừa công bố, doanh số bán nhà hiện tại của Mỹ tăng 5,1% trong tháng 5, lên mức cao 5 năm rưỡi. Thứ Ba, thêm các dữ liệu quan trọng khác được công bố là hàng hóa lâu bền và doanh số bán nhà mới.
Với những thông tin tích cực trên, phố Wall đã đảo chiều tăng mạnh trở lại trong phiên đầu tuần, sau khi điều chỉnh phiên cuối tuần trước. Trong đó, Nasdaq đã phá vỡ mức điểm kỷ lục được thiết lập trong phiên thứ Năm tuần trước.
Kết thúc phiên 22/6, chỉ số Dow Jones tăng 103,83 điểm (+0,58%), lên 18.119,78 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 12,86 điểm (+0,61%), lên 2.122,85 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 36,97 điểm (+0,72%), lên 5.153,97 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Âu, những thông tin tích cực từ cuộc họp của Eurogroup khi các bộ trưởng tài chính khu vực đồng euro đánh giá cao bản dự thảo cải cách mới của Hy Lạp giúp chứng khoán khu vực này thăng hoa với việc chứng khoán Đức và Pháp tăng tới gần 4%.
Kết thúc phiên 22/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 115,22 điểm (+1,72%), lên 6.825,67 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 420,4 điểm (+3,81%), lên 11.460,50 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 183,24 điểm (+3,81%), lên 4.998,61 điểm.
Thông tin tích cực về cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp cũng giúp chứng khoán châu Á có phiên giao dịch khởi sắc đầu tuần. Trong đó, chứng khoán Nhật Bản lên mức cao nhất 2 tuần, trong khi chứng khoán Hồng Kông cũng có mức tăng 1,2%, nhưng các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Hồng Kông vẫn dè chừng với chứng khoán tại Trung Quốc đại lục khi thị trường này mở cửa giao dịch trở lại sau phiên nghỉ đầu tuần. Tuần trước là tuần đen tối của chứng khoán Trung Quốc khi chỉ số Shanghai Composite giảm 13,32%, trong đó phiên cuối tuần đã mất tới 6,42%. Nhiều nhà đầu tư lo ngại, bong bóng chứng khoán Trung Quốc bắt đầu xịt hơi.
Kết thúc phiên 22/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 253,95 điểm (+1,26%), lên 20.428,19 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 320,32 điểm (+1,20%), lên 27.080,85 điểm. Chứng khoán Trung Quốc nghỉ giao dịch.
Trong khi đó, thông tin tích cực về cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp khiến chỗ bấu víu hiếm hoi của vàng bị tuột mất và dĩ nhiên, kim loại quý này đã bị rơi mạnh trong phiên đầu tuần mới. Ngưỡng kháng cự tâm lý mạnh 1.200 USD/ounce đạt được trong tuần trước gần như chỉ là một sự may mắn.
Kết thúc phiên 22/6, giá vàng giao ngay giảm 14,4 USD (-1,2%), xuống 1.185,9 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 16,6 USD/ounce (-1,38%), xuống 1.183,7 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 giảm 15,7 USD/ounce (-1,31%), xuống 1.184,1 USD/ounce.
Giá dầu cũng có sự hồi phục trở lại trong phiên đầu tuần, nhưng mức tăng là quá khiêm tốn khi đồng USD tiếp tục tăng giá, cản trợ bước tiến của giá dầu.
Kết thúc phiên 22/6, giá dầu thô Mỹ tăng 0,07 USD/thùng (+0,12%), lên 59,68 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,32 USD (+0,51%), lên 63,34 USD/thùng.