Đây là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy Hy Lạp đang lún sâu vào khủng hoảng và khả năng rút ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) rõ ràng hơn bao giờ hết.
Với việc đàm phán về gói cứu trợ đổ vỡ hôm thứ Sáu (26/6) và thứ Bảy (27/6), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định ngừng cung cấp các gói thanh khoản khẩn cấp (ELA) cho các ngân hàng Hy Lạp. Trước đó, ECB cung cấp các gói ELA với giới hạn 98 tỷ euro cho hệ thống ngân hàng của Hy Lạp nhằm trợ giúp cho sự hoạt động của các nhà băng.
Đây là lần đầu tiên trong năm, ECB từ chối lời đề nghị tiếp tục cung cấp ELA và đóng băng chương trình này đối với Hy Lạp.
Trong tuần trước, người dân Hy Lạp xếp hàng dài trước các ngân hàng, ATM để rút được nhiều tiền nhất có thể trong tài khoản của mình. 2 lãnh đạo của các ngân hàng Hy Lạp cho biết, hơn 7.000 cây ATM tại nước này đã hết sạch tiền mặt cho tới sáng thứ Bảy. Ứơc tính, người dân Hy Lạp đã rút ra khỏi hệ thống khoảng 1 tỷ euro (1,1 tỷ USD).
Trước tình trạng dòng tiền chảy mạnh ra khỏi ngân hàng do người dân và các công ty nhanh chóng muốn rút tiền, Hy Lạp đã trở thành quốc gia thứ hai trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro, sau Cộng hòa Síp năm 2013, tuyên bố các nhà băng sẽ đóng cửa và tiến hành biện pháp kiểm soát vốn. Cùng lúc này, các quan chức châu Âu đang thảo luận về việc có nên cách ly Hy Lạp ra khỏi hệ thống tiền tệ, nhằm giữ cho cuộc khủng hoảng này không lây lan.
Mở đầu phiên Á hôm nay, đồng euro lập tức giảm 1,5%, xuống còn 1 euro đổi 1,09996 USD lúc 2h15 sáng theo giờ Athens. Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras cho biết, hành động này đã được đề nghị bởi Ngân hàng trung ương trong cuộc gặp vào chiều Chủ nhật (28/6) của các quan chức tài chính cấp cao trong nước.
“Trong những ngày tới, điều mà chúng ta cần là kiên nhẫn và bình tĩnh. Tiền gửi của người dân Hy Lạp vẫn an toàn. Đối với việc trả lương và lương hưu, điều này cũng được đảm bảo”, ông Tsipras cho biết.
Biện pháp nhằm kiểm soát nghiêm ngặt các chuyển động của dòng vốn trên thị trường sẽ không áp dụng đối với các tài khoản của nhà băng nước nước ngoài. Điều này có nghĩa, người Hy Lạp với tài khoản ở nước ngoài và các du khách tới thăm Hy Lạp với tài khoản nước ngoài sẽ không bị ảnh hưởng.
Trong tuần trước, với những tín hiệu khả quan sau cuộc hội nghị khẩn cấp của nhà lãnh đạo các nước châu Âu, cổ phiếu Hy Lạp đã có một tuần tăng mạnh nhất kể từ năm 2008, với mức tăng lên tới 16%. Trái phiếu thời hạn 10 năm đóng cửa ngày thứ Sáu ở mức lợi suất 10,7%, giảm mạnh từ mức 13,4% trong tháng 4/2015.
Tuy nhiên, xu hướng lạ quan này đã ngay lập tức tan biến khi nửa đêm ngày thứ Sáu, Thủ tướng Tsipras gây bất ngờ lớn với các nước trong Eu bằng việc kêu gọi tổ chức trưng cầu dân ý ngày 5/7 tới. Mục đích của cuộc trưng cầu dân ý này là nhằm để người dân lên tiếng về việc liệu ông Tsipras có nên chấp thuận các yêu cầu của chủ nợ hay không.
Ngày mai, (30/6) sẽ là hạn chót để Hy Lạp trả 1,7 tỷ USD tiền nợ đến hạn cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).