HVS cho rằng, nguyên nhân cơ bản khiến giá cổ phiếu PVD lao dốc trong thời gian qua là giá dầu sụt giảm, khiến nhiều NĐT lo ngại doanh thu của PVD giảm mạnh do giá cho thuê giàn khoan sẽ giảm. Tuy nhiên, có lẽ cổ phiếu PVD sẽ không rớt xuống mức giá thấp như hiện nay nếu như không bị ảnh hưởng bởi động thái bán ra của NĐT nước ngoài, đặc biệt là Quỹ PYN của Phần Lan. Nhưng khối ngoại bán ra cổ phiếu PVD chủ yếu là nhằm hiện thực hóa lợi nhuận vì họ đã mua vào với giá rất thấp trong năm 2013.
HVS cho biết, năm 2009, khi giá dầu rớt từ 140 USD/thùng xuống xấp xỉ 40 USD/thùng thì doanh thu của PVD vẫn tăng trưởng, còn lợi nhuận chỉ giảm khoảng 10%. Trong năm 2009, giá thuê dàn khoan trung bình giảm 15%, trong khi giá dầu giảm 71%. HVS cho rằng, PVD là nhà cung cấp giàn khoan và kỹ thuật khoan hàng đầu Việt Nam với 50% thị phần, hoạt động hiệu quả, ngành nghề còn nhiều triển vọng trong ít nhất 50 năm tới, mua cổ phiếu PVD và giữ trong vòng 6 - 12 tháng có thể đạt tỷ suất sinh lời 35%/năm.