Bước lùi chủ động
ALP niêm yết vào cuối năm 2007, theo lời ông Nguyễn Tuấn Hải, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty, là để đáp ứng mong muốn của các cổ đông, nhằm đưa cổ phiếu thanh khoản hơn. Đồng thời, ông cũng tính đến chuyện gọi vốn từ TTCK. Tuy nhiên, sự tuột dốc của thị trường ngay sau đó đã khiến kế hoạch phát hành cho cổ đông hiện hữu của ALP 2 lần bất thành trong suốt năm 2010. Từ quy mô vốn 600 tỷ đồng khi mới niêm yết, ALP đã tăng vốn lên 1.924 tỷ đồng bằng cách sáp nhập thêm các công ty con. Cuối năm 2010, ông Hải đã nghĩ đến chuyện rời sàn, năm 2012, doanh nghiệp ra quyết định chính thức và đến 2013, hiện thực hóa bằng Nghị quyết ĐHCĐ.
Tại sao ông Hải và ALP lại chấp nhận lùi như vậy? Trên sổ sách, ALP đã lỗ 2 năm liên tiếp vào 2012 và 2013, 9 tháng đầu năm nay tiếp tục lỗ và nhiều khả năng năm 2014 sẽ không thoát lỗ, nên khả năng bị hủy niêm yết bắt buộc (3 năm lỗ liên tiếp) khá rõ ràng. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp lỗ là do các chiến lược chủ động của Công ty, chứ không phải xuất phát từ năng lực, nội tại của doanh nghiệp.
Cụ thể, năm 2012, Công ty lỗ do “khẩu vị đầu tư” vào các công ty yếu kém trong quản lý điều hành, hoạt động sản xuất - kinh doanh, bị thua lỗ trong ngắn hạn. Do đó, BCTC hợp nhất năm 2012 của ALP ghi nhận lỗ từ các công ty con khi công ty mẹ nâng tỷ lệ sở hữu tại các công ty lỗ. Lý do hủy niêm yết, theo ALP, là trong ngắn hạn, số liệu BCTC hợp nhất của ALP sẽ luôn thua lỗ vì nguyên nhân nói trên, có thể tạo các thông tin sai lệch, ảnh hưởng không tốt đến uy tín của Công ty. Sau hủy niêm yết, ALP sẽ không còn phải chịu áp lực trước các mục tiêu và lợi ích ngắn hạn, mà tập trung vào các mục tiêu dài hạn, chủ động hơn trong việc tái cấu trúc.
Chia sẻ về mục đích của việc rời sàn, ông Hải nói rằng, ông hướng đến 3 mục tiêu: Thứ nhất, ông muốn Công ty trở lại thành công ty gia đình để sẵn sàng cho việc chuyển giao thế hệ lãnh đạo. Thứ hai, ở góc độ kinh doanh, rời sàn sẽ tạo điều kiện cho việc tái cấu trúc hệ thống của Công ty chuyên nghiệp, mạch lạc hơn. Sau khi ALP mua một loạt công ty, việc tái cấu trúc không thể ồn ào. Bên cạnh đó, ALP sẽ tiếp tục các hoạt động M&A nên càng không thể ồn ào. Nếu là doanh nghiệp niêm yết, Công ty không thể không công bố thông tin, nhất là với các thương vụ đầu tư lớn. Thứ ba, với hiện trạng doanh nghiệp như hiện nay, nếu nhà đầu tư nào không muốn gắn bó với doanh nghiệp, có thể bán lại cổ phiếu.
Phương án giải quyết quyền lợi cổ đông của ALP được đưa ra, đó là Công ty cam kết mua lại cổ phiếu quỹ, số lượng tối đa 5% tổng số cổ phần đang lưu hành, giá theo thị trường tại thời điểm giao dịch, không vượt quá mệnh giá 10.000 đồng/CP.
Để thực hiện được việc hủy niêm yết, ngoài ALP, ông Hải và người có liên quan đã mua lại cổ phần của các cổ đông không còn mặn mà với việc nắm giữ Công ty. Đến khi công bố chính thức ra thị trường, số cổ phần vị Chủ tịch và người có liên quan sở hữu tại ALP đã lên tới 98%.
Sẵn sàng cho vị thế mới
Tuy lỗ hợp nhất nhưng bản thân APL là doanh nghiệp có tiềm lực thực sự. Nhìn vào danh mục những doanh nghiệp ALP đã mua lại thời gian qua có thể thấy, những doanh nghiệp này có tài sản rất lớn, trong đó phần nhiều là đất đai ở các vị trí đắc địa. Hiện quỹ đất sau thu gom của ALP lên tới cả nghìn héc-ta tại các vị trí đẹp ở những thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. HCM. ALP mua được doanh nghiệp với giá rẻ, nhưng tiềm năng sinh lời trong tương lai lại rất lớn.
Sau hủy niêm yết, ALP sẽ chuyển hướng phát triển, tập trung từ nhà đầu tư, đầu cơ mua đất đai giá rẻ thành nhà đầu tư phát triển các dự án bất động sản (xây và bán). Tiềm năng của những tài sản giá rẻ sẽ được hiện thực hóa bằng các dự án bất động sản hướng đến phân khúc khách hàng hạng trung, những người có nhu cầu sử dụng thực. Theo tính toán của ông Hải, từ năm 2016, ALP sẽ chuyển mạnh hoạt động sang lĩnh vực này.
Để có thể cạnh tranh được trên thị trường bất động sản ngày một khốc liệt, ALP có gì? Theo ông Hải, bên cạnh quỹ đất sạch quy mô lớn, ALP đã có nhiều kinh nghiệm trong việc phát triển các dự án bất động sản qua hàng chục năm làm nhà thầu chính cho các dự án tại Hà Nội. Quản lý chặt chẽ để sản phẩm có giá thành hợp lý không phải là bài toán quá khó đối với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, ALP hiện là nhà sản xuất nhiều sản phẩm như thang máy, thiết bị điện, sơn, thiết bị vệ sinh… Những sản phẩm này đều xoay quanh trục chính là bất động sản, phục vụ các công trình bất động sản. Khi ALP phát triển các dự án lớn, những doanh nghiệp trên đều bán được hàng, khả năng sinh lời sẽ có thêm điểm cộng.
Tại ĐHCĐ 2014, lãnh đạo Alphanam nói rằng, hy vọng Công ty sẽ ghi lợi nhuận dương từ năm 2015 và thu hồi hết các khoản lợi nhuận âm lũy kế vào khoảng từ 2016 - 2017. Như vậy, sau hủy niêm yết, ALP sẽ có lãi và có thể bắt đầu chia cổ tức trở lại cho cổ đông. Những nhà đầu tư tin tưởng vào doanh nghiệp, gắn bó dài hạn và đồng hành cùng doanh nghiệp, khi đó, có lẽ sẽ hưởng lợi.
Bản thân ông Hải cũng nói rằng, hủy niêm yết song ALP chưa nói lời chia tay. Đến một lúc nào đó, khi Công ty có lãi, có chiến lược mới, có thể ALP sẽ niêm yết trở lại. Khi ấy, Chủ tịch của Tập đoàn sẽ là ông Nguyễn Minh Nhật, con trai ông Hải. Sức trẻ của những người kế nhiệm được kỳ vọng sẽ đưa doanh nghiệp lên một tầm cao mới.
Trò chuyện với ông Nguyễn Tuấn Hải: Thuộc thế hệ doanh nhân vàng của Việt Nam, năng lực vẫn rất dồi dào, nhiều người băn khoăn, tại sao ông đi chậm lại và quyết định chuyển giao quyền lực sớm như vậy? Với tôi, thành công lớn nhất không phải là quy mô DN ngày càng lớn, mà là sự trưởng thành và giỏi giang của con cái. Hiện 2 con tôi đã học hành thành tài, đều đã tham gia điều hành công việc tại các DN trong Tập đoàn. Đặc biệt, cả hai đều chịu khó, đam mê với việc kinh doanh. Đây chính là nền tảng để tôi tin tưởng chuyển giao dần sự nghiệp. Tất nhiên, tôi sẽ không rút hoàn toàn khỏi việc điều hành, mà sẽ ở bên cạnh các con, đào tạo và chỉ bảo để chúng ngày một vững vàng. Vậy điều quan trọng nhất với ông bây giờ là gì? Truyền “lửa” cho các con tôi nói riêng và thế hệ trẻ nói chung, giúp họ có được tinh thần, ý chí quyết tâm như mình đã từng có. Tôi tin họ sẽ giữ gìn những gì đang có và phát huy tiếp những giá trị của thế hệ trước. Ông kỳ vọng về sự phát triển của Tập đoàn như thế nào sau khi chuyển giao cho các con? Trẻ bao giờ cũng năng động, táo bạo hơn. Thế hệ trẻ có lợi thế được học hành bài bản, trang bị các kiến thức mới, hiện đại, được làm việc trên nền tảng sẵn có, tuy nhiên lại chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa gặp rủi ro, chưa được thử thách. Bởi vậy, phải cho họ được trải nghiệm, đối mặt với những rủi ro, thách thức và đặt mình vào các tình huống khó khăn để họ biết cách vươn lên và vượt qua. Chắn chắn là khi các con tôi có đam mê, hoài bão, chịu khó trau dồi kiến thức, học hỏi kinh nghiệm thì khi gặp khó khăn, chúng sẽ vượt qua và làm tốt hơn thế hệ cha chú đi trước. |