Liệu có thể dừng cổ phần hóa một doanh nghiệp, chẳng hạn VFS hay không, thưa ông?
Việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam sẽ được quyết định bởi chủ sở hữu là Nhà nước. Một số nghệ sĩ lên tiếng đề nghị dừng cổ phần hóa có thể xuất phát từ quan điểm, lý do riêng của họ. Hoặc họ có thể bị ảnh hưởng về mặt quyền lợi khi cổ phần hóa, bởi đi đôi với cổ phần hóa là tái cơ cấu nhân sự.
Nhưng như đã đề cập ở trên, việc cổ phần hóa hãng phim hay không là thuộc về chủ sở hữu - trường hợp này là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Cổ phần hóa, bản chất là việc chuyển nhượng phần vốn góp của Nhà nước cho các nhà đầu tư khác theo quy trình nhất định. Với một số giao dịch thì sau khi thực hiện không thể hủy bỏ, nhưng có giao dịch vẫn có thể hủy bỏ được. Giao dịch chuyển nhượng phần vốn góp vẫn có thể hủy bỏ, nhưng kèm với việc hủy bỏ là các trách nhiệm, nghĩa vụ. Hậu quả của việc hủy bỏ giao dịch (bao gồm cả việc bồi thường thiệt hại) tùy thuộc vào quá trình cổ phần hóa đang ở giai đoạn nào.
Luật sư Nguyễn Vĩnh Ban
Vậy quá trình cổ phần hóa có những giai đoạn chính nào, thưa ông?
Theo quy định của Nghị định số 59/2011/NĐ-CP, quá trình cổ phần hóa gồm 3 bước.
Bước 1 là xây dựng phương án cổ phần hóa, với các công việc: thành lập Ban Chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp và tổ giúp việc; chuẩn bị các hồ sơ, tài liệu; tổ chức kiểm kê, xử lý những vấn đề về tài chính và tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp; quyết định và công bố giá trị doanh nghiệp; hoàn tất phương án cổ phần hóa trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó có các nội dung chính như: giải quyết vấn đề nhân sự, biên chế, xác định vốn điều lệ, cơ cấu vốn điều lệ doanh nghiệp (tỷ lệ vốn do Nhà nước nắm giữ, tỷ lệ bán cho người lao động, tỷ lệ bán đấu giá công khai cho nhà đầu tư, tỷ lệ bán cho nhà đầu tư chiến lược…).
Bước 2 là tổ chức thực hiện phương án cổ phần hóa đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Bước 3 là hoàn tất việc chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần.
Với quá trình cổ phần hóa như vậy, việc dừng cổ phần hóa ở mỗi giai đoạn sẽ có hệ quả như thế nào? Khi nào Nhà nước có thể phải bồi thường nếu dừng cổ phần hóa?
Đối với việc cổ phần hóa thì tùy thuộc vào việc bị dừng ở giai đoạn nào, có gây ra thiệt hại hay không, mà trách nhiệm sẽ khác nhau.
Chẳng hạn, mọi giai đoạn trước khi tiến hành bán cổ phần cho nhà đầu tư thì chủ sở hữu đều có thể dừng bất kỳ lúc nào, mà không có gây thiệt hại cho bên thứ ba (nhà đầu tư). Nếu có thì chỉ có công ty chịu thiệt vì đã phải bỏ chi phí thực hiện cổ phần hóa. Tuy nhiên, khi nhà đầu tư đã tiến hành đặt cọc tiền mua cổ phần thì sẽ khác. Chiếu theo quy định về giao dịch dân sự, khi một bên hủy bỏ giao dịch hoặc không thực hiện tiếp giao dịch mua bán cổ phần đó, bên bỏ đó sẽ bị phạt tiền cọc, trừ khi các bên có thỏa thuận khác.
Đối với trường hợp của Hãng phim truyện Việt Nam, đến nay đã hết hạn nộp tiền đối với các nhà đầu tư trúng đấu giá. Giả sử vì lý do nào đó, kết quả chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) bị hủy bỏ, thì quyền lợi của các nhà đầu tư sẽ ra sao?
Sau khi đấu giá, có kết quả, nếu nhà đầu tư trúng đấu giá đã nộp tiền thì giao dịch xem như đã hoàn thành. Nếu đợt IPO bị hủy bỏ thì nhà đầu tư có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Tuy nhiên, việc chứng minh thiệt hại là một thách thức. Nhà đầu tư có thể lập luận rằng, bởi vì tôi bỏ tiền vào đây, nhưng nay giao dịch bị hủy, khiến tôi bị mất cơ hội đầu tư khác. Nhưng nhìn chung, việc chứng minh là tương đối khó khăn.
Trên thực tế, cổ phần hóa là chủ trương lớn và sẽ không dễ gì hủy bỏ việc cổ phần hóa một doanh nghiệp, bởi nó sẽ để lại nhiều hệ lụy.