Huy động vốn trong xu hướng giảm mùa dịch

Huy động vốn trong xu hướng giảm mùa dịch

(ĐTCK) Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm Covid-19, nhiều ngân hàng cho biết không chỉ cho vay, hoạt động huy động vốn cũng giảm.

Ông Phan Ðức Tú, Chủ tịch HÐQT BIDV cho biết, huy động vốn và dư nợ cho vay của Ngân hàng đến hết tháng 2/2020 lần lượt giảm 1,6% và 2% do tác động “kép” của tính thời vụ và tình hình dịch bệnh.

Nếu đến cuối tháng 3 dịch Covid-19 còn diễn biến khó lường, BIDV sẽ cân nhắc tới việc điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận năm nay.

Sở dĩ huy động vốn của ngân hàng trong chiều hướng giảm do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các nhà băng khó cho vay khi cầu tín dụng giảm. Vì thế, lãi suất huy động vốn cũng giảm theo do không còn áp lực cạnh tranh khi thanh khoản dồi dào.

Tính đến thời điểm hiện tại, Techcombank là ngân hàng đã thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất ở tất cả kỳ hạn gửi từ 0,05-0,1 điểm phần trăm (bao gồm cả gửi tiết kiệm online) so với đầu tháng 2/2020.

Biểu lãi suất mới nhất vào đầu tháng 3/2020 của Techcombank cho thấy, lãi suất tiền gửi tại quầy các kỳ hạn từ 1-36 tháng dao động từ 4,3-6,7%/năm với khách hàng dưới 50 tuổi và từ 4,7-7,1%/năm với khách hàng từ 50 tuổi trở lên.

Ðối với khách hàng ưu tiên, lãi suất ưu đãi tăng thêm khoảng 0,3 điểm phần trăm ở phần lớn các kỳ hạn gửi.

Mức lãi suất cao nhất là 7,2%/năm áp dụng tại kỳ hạn 18 tháng, số tiền gửi từ 3 tỷ đồng trở lên áp dụng đối với khách hàng ưu tiên trên 50 tuổi, giảm 0,1 điểm phần trăm so với tháng trước.

VPBank áp dụng mức lãi suất mới từ ngày 3/3 giảm thêm từ 0,05 0,15%/năm ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.

Theo đó, lãi suất kỳ hạn 12 tháng hiện giảm về 6,9-7,1%/năm khi gửi tại quầy và 7-7,1% khi gửi online.

ABBank công bố, từ ngày 6/3, cá nhân gửi tiền dưới 1 tỷ đồng, kỳ hạn 18-36 tháng, lãi suất sẽ giảm từ 7,9%/năm xuống 7,7% một năm.

So với đầu tháng 2/2020, lãi suất tiết kiệm cao nhất tại các ngân hàng đã giảm thêm 0,05 điểm phần trăm trong tháng 3.

Trong tháng 2, SCB niêm yết lãi suất huy động cao nhất ở mức 8,55%/năm tại kỳ hạn 13-18 tháng. Nhiều ngân hàng khác cũng đưa ra mức lãi huy động cao như Eximbank, NCB (8,4%/năm), ABBank (8,3%/năm); VietBank, Kienlongbank, Sacombank, OCB (8%/năm)...

Ðối với lãi suất huy động ngắn hạn kỳ hạn dưới 6 tháng được niêm yết phổ biến ở mức 5%/năm - bằng trần lãi suất ngắn hạn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

NCB đưa ra lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng cao nhất ở mức 7,6%/năm, tiếp đó là BAC A BANK (7,55%/năm); Vietbank (7,5%/năm).

Tại các ngân hàng có vốn nhà nước, lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng ở mức 5,3%/năm.

Thông tin mới nhất từ NHNN cho biết, trong tuần cuối tháng 2, mặt bằng lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 0,2-0,8%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và dưới 1 tháng; từ 4,3-5%/năm đối với kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,3-7%/năm đối với kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng và từ 6,6-7,5%/năm đối với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Về lãi suất cho vay, hiện mặt bằng cho vay VND phổ biến ở mức 6- 9%/năm đối với kỳ hạn ngắn; 9-11%/năm đối với kỳ hạn trung và dài. Ðây là mức lãi suất đã được duy trì từ cuối năm ngoái.

Việc ngân hàng giảm lãi suất cho vay là để đồng hành cùng doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Thêm vào đó, động thái cắt giảm mạnh lãi suất USD của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được cho là sẽ tác động tích cực lên lãi suất tiền đồng.

Chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh cho rằng, xu hướng giảm lãi suất sẽ còn duy trì trong thời gian tới bởi còn nhiều ngành, lĩnh vực bị đình trệ do dịch Covid-19.

“Nếu có chỉ đạo từ NHNN về việc hỗ trợ lãi suất cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch, có thể lãi suất sẽ giảm sâu hơn, còn hiện tại dao động quanh mức giảm 1-2%/năm”, ông Minh nói.

Phó thống đốc Ðào Minh Tú cho biết, NHNN đang nghiên cứu và sẽ sớm đưa ra quyết định về lãi suất điều hành trong thời gian tới, mức giảm lãi suất sẽ tương đối tích cực.

Theo ông Tú, giảm lãi suất điều hành là một trong những giải pháp giúp các tổ chức tín dụng tăng thanh khoản, từ đó có thêm dư địa hỗ trợ các doanh nghiệp.

Tính đến 4/3, dư nợ toàn nền kinh tế chỉ tăng 0,1%, thấp hơn mức tăng 0,85% của cùng kỳ năm 2019. Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, dư nợ của các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh là 926.000 tỷ đồng, chiếm 11% tổng dư nợ. 

Số liệu từ NHNN - Chi nhánh TPHCM cho thấy, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Thành phố đến cuối tháng 2/2020 đạt 2.553.000 tỷ đồng, tăng 0,23% so cuối năm 2019, trong khi cùng kỳ năm trước tăng trưởng 1%; tổng dư nợ tín dụng đạt 2.314.500 tỷ đồng, tăng 0,8% so cuối năm 2019. 

Tin bài liên quan