Năm nay được đánh giá là năm rất khó khăn cho TTCK do hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Năm nay được đánh giá là năm rất khó khăn cho TTCK do hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Huy động vốn: Thách thức trước thềm năm mới!

(ĐTCK) Đợt IPO "đại gia" Vietinbank thành công vào cuối tháng 12/2008 có thể là cái kết có hậu bất ngờ cho 1 năm "thất bát" của hoạt động huy động vốn qua TTCK. Nguồn vốn huy động qua cả 3 kênh: huy động vốn của DN, cổ phần hóa và phát hành trái phiếu đều giảm 75 - 80% so với năm 2007.

Một năm khó khăn

Theo thống kê của UBCK, từ đầu năm đến ngày 15/12/2008, Ban Quản lý phát hành, UBCK, đã xử lý và cấp phép 92 hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng với tổng vốn huy động theo giấy phép là 12.974 tỷ đồng; ngoài ra, còn có 22 trường hợp chào bán riêng lẻ (tính từ tháng 10/2008 đến nay). Tuy nhiên, đây chỉ là con số cấp phép chứ không phải con số thực hiện thành công, trên thực tế kể từ tháng 6/2008, khá nhiều DN xin hoãn, giãn phát hành. So với năm 2007, tổng lượng vốn huy động qua TTCK hơn 63.000 tỷ đồng, thì đây là sự sụt giảm khá mạnh.

Đó là huy động vốn của DN phát hành qua TTCK. Còn huy động vốn qua hình thức IPO thì sao? Ngoài việc IPO Sabeco, Habeco, Vietinbank được xem là thành công thì đa số đợt chào bán của các DN có quy mô nhỏ và ít tên tuổi hơn đã không bán hết số cổ phần chào bán. Số liệu thống kê từ Bộ Tài chính cho thấy, trong 11 tháng đầu năm 2008 mới chỉ cổ phần hoá được 73 DN. Theo kế hoạch, giai đoạn  2008 - 2010 sẽ thực hiện cổ phần hoá 948 DN, như vậy trong hai năm 2009 và 2010 phải cổ phần hoá hơn 800 DN. Liệu kế hoạch này có thực hiện được?

Về huy động vốn qua phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP), tính đến hết ngày 24/12/2008, Kho bạc Nhà nước đã huy động được trên 39.627 tỷ đồng, bằng 63,6% kế hoạch được giao. Trong năm 2008, đã có 70 thành viên thị trường tham gia vào thị trường đấu thầu TPCP, 40 thành viên bảo lãnh phát hành. Do những biến động về lãi suất cũng như sự sụt giảm nghiêm trọng của TTCK khiến việc huy động vốn qua kênh này không đạt kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, phải kể đến một số quy định về phát hành TPCP không còn phù hợp. Do quy định cứng về loại kỳ hạn TPCP tối thiểu là 5 năm, nên vẫn còn tình trạng có quá nhiều đợt phát hành riêng lẻ với các loại kỳ hạn, lãi suất, ngày đáo hạn khác nhau, đó đó trên thị trường có quá nhiều loại TPCP. Điều này gây khó khăn cho NĐT trong việc theo dõi, tính toán và quyết định đầu tư, làm giảm tính thanh khoản của trái phiếu, đồng thời chưa xây dựng được mức lãi suất chuẩn cho TPCP. Theo đánh giá của Kho bạc Nhà nước, lãi suất TPCP mặc dù đã dần bám sát thị trường và phản ánh tương đối phù hợp quan hệ cung - cầu vốn trên thị trường, nhưng do việc điều hành lãi suất trần, nên trong một số trường hợp còn mang tính chủ quan, chưa thực sự phù hợp với thông lệ quốc tế.

Triển vọng nào cho năm 2009?

Năm nay được đánh giá là năm rất khó khăn cho TTCK do hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu "ngấm" sâu vào Việt Nam. Do đó, việc huy động vốn trên TTCK cũng đầy thách thức, khó khăn. Tuy nhiên, cũng không phải là quá bi đát trong việc huy động nguồn lực cho DN hoạt động và nguồn vốn cho ngân sách, nếu có những cải cách trên TTCK. Chẳng hạn về phía DN, không ít ý kiến cho rằng, muốn huy động vốn qua việc phát hành trên TTCK, bên cạnh việc duy trì hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh, cần thay đổi cách quản trị, mà quan trọng nhất là minh bạch hóa hoạt động DN, công khai thông tin sử dụng vốn huy động từ việc phát hành cổ phiếu.

Đối với hoạt động cổ phần hoá, bên cạnh việc cung ứng các loại hàng hóa có chất lượng, quy mô lớn ra thị trường, để đảm bảo sự thành công cần thay đổi cách thức phát hành, theo phương thức bán thỏa thuận thay vì đấu giá.

Để đối phó với khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Chính phủ đã có nhóm giải pháp kích cầu cho năm 2009. Để có nguồn ngân sách đáp ứng mục tiêu trên, chắc chắn sẽ phải đẩy mạnh phát hành TPCP. Năm 2009, theo kế hoạch, huy động vốn TPCP sẽ là 110.000 tỷ đồng. Để hoàn thành được mục tiêu trên trong bối cảnh các ngân hàng "thừa tiền", thị trường cổ phiếu chưa thực sự hấp dẫn không phải là quá khó. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu phát hành TPCP, cần sớm lên kế hoạch cho việc phát hành theo từng kênh, khối lượng, kỳ hạn để các thành viên có căn cứ tính toán và lên phương án đầu tư. Cần duy trì đều đặn các đợt bảo lãnh, đấu thầu TPCP, công bố công khai kế hoạch phát hành hàng năm, hàng quý, hàng tháng cụ thể cho từng loại kỳ hạn, khối lượng trái phiếu dự kiến huy động.

Về dài hạn, để tăng tính hấp dẫn của thị trường trái phiếu, cần tăng cường phát hành trái phiếu theo lô lớn và thực hiện tái cơ cấu các loại trái phiếu đã phát hành để tạo thuận lợi cho giao dịch trên thị trường thứ cấp và tăng tính thanh khoản cho trái phiếu. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc phát hành trái phiếu DN để huy động vốn thay cho việc vay vốn từ ngân hàng, nhằm đáp ứng kịp thời nguồn vốn cho đầu tư phát triển của DN và giảm thiểu rủi ro cho các hoạt động tín dụng của ngân hàng...