Tiền gửi tiết kiệm doanh nghiệp liên tục giảm
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tổng tiền gửi của khách hàng tại hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) cuối tháng 2/2023 đạt gần 11.800.000 tỷ đồng, giảm hơn 23.800 tỷ đồng so với cuối năm 2022, tương đương giảm 0,2%. Nguyên nhân sụt giảm đến từ nhóm khách hàng là tổ chức kinh tế. Theo đó, tiền gửi của các doanh nghiệp tại hệ thống ngân hàng đã giảm tới hơn 338.000 tỷ đồng (-5,68%) trong 2 tháng đầu năm.
Thông thường, tiền gửi của các doanh nghiệp thường sụt giảm trong giai đoạn đầu năm do các doanh nghiệp rút tiền thanh toán lương, thưởng Tết cho người lao động. Nhưng 2 tháng đầu năm nay, tiền gửi của tổ chức kinh tế ghi nhận mức sụt giảm mạnh nhất trong 3 năm trở lại đây. Điều này phần nào phản ánh tình trạng khó khăn của các doanh nghiệp hiện nay. Không ít khách hàng đã phải hạn chế việc vay vốn thời điểm này do lãi suất lên cao, thay vào đó họ rút bớt tiền gửi để tài trợ cho hoạt động kinh doanh.
Thực tế, không phải từ đầu năm 2023, mà tốc độ tăng trưởng huy động tiền gửi từ các tổ chức kinh tế đã chậm lại kể từ đầu quý III/2022. Riêng trong tháng 7, tháng 8 năm ngoái, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đã sụt giảm hơn 171.000 tỷ đồng, trong khi tiền gửi của dân cư tăng hơn 17.000 tỷ đồng.
Kể từ khi lãi suất huy động bật tăng mạnh từ cuối năm 2022, tiền nhàn rỗi của người dân liên tục chảy mạnh vào hệ thống ngân hàng. Xu hướng này tiếp tục diễn ra trong những tháng đầu năm 2023, ghi nhận lượng tiền gửi của dân cư tăng thêm hơn 314.000 tỷ đồng (+5,36%) trong 2 tháng đầu năm, đánh dấu 15 tháng liên tiếp tăng trưởng dương.
Tuy nhiên, con số này không thể bù đắp cho sự sụt giảm của lượng tiền gửi từ các tổ chức kinh tế. Đến cuối tháng 2/2023, tiền gửi của nhóm khách hàng dân cư đã lên gần 6.180.000 tỷ đồng, chính thức vượt tiền gửi của các tổ chức kinh tế (5.610.000 tỷ đồng).
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN thông tin, đến ngày 27/4/2023, huy động vốn của các TCTD trên toàn quốc khá tốt (đạt 12.400.000 tỷ đồng, bằng 101% tín dụng), thanh khoản hệ thống dồi dào. Song, NHNN không cho biết tỷ lệ cụ thể tiền gửi của các doanh nghiệp và khách hàng.
Lãnh đạo một số ngân hàng cho biết, động lực tăng trưởng chính của huy động vốn trong năm 2022 và những tháng đầu năm nay chủ yếu đến từ mảng bán lẻ (khách hàng cá nhân). Chẳng hạn, với VPBank, tăng trưởng huy động vốn quý I/2023 từ mảng bán lẻ đạt 12%, giúp tổng tiền gửi khách hàng tại nhà băng này tăng 9%. Tại MB, trong 3 tháng đầu năm, tiền gửi của cá nhân tăng 10,6%, trong khi doanh nghiệp sụt giảm 8,4%...
TS. Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, tiền gửi doanh nghiệp vào ngân hàng giảm trong thời gian qua là dễ hiểu khi áp lực lãi vay tăng, room tín dụng hạn chế, nên doanh nghiệp buộc phải sử dụng nguồn vốn tự có, nhất là những tháng cuối năm khi nhu cầu chi trả lương, thưởng và thanh toán tăng cao. Đây cũng là một trong những lý do tiền gửi thanh toán, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) sụt giảm mạnh tại hầu hết các ngân hàng trong quý IV/2022 và quý I/2023. Tuy nhiên, một khi mặt bằng lãi suất điều chỉnh giảm, CASA sẽ có cơ hội hồi phục trở lại.
Sẽ giảm thêm lãi suất điều hành, hỗ trợ doanh nghiệp
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính nhìn nhận, 2 năm trước, do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, thu nhập của nhiều người dân bị ảnh hưởng. Mặt khác, lãi suất tiết kiệm trong 2 năm qua luôn được giữ ổn định ở mức thấp nhằm tạo điều kiện hỗ trợ giảm lãi suất cho vay. Đồng thời, trong giai đoạn này, chứng khoán, bất động sản tăng hút tiền nhàn rỗi, thậm chí nguồn tiết kiệm còn chuyển hướng sang 2 kênh đầu tư trên, nên đã tác động lên lượng tiền gửi của cá nhân.
Trong khi đó, với doanh nghiệp, do không thể mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời điểm dịch bệnh nên gửi vốn vào ngân hàng hưởng lãi. Tuy nhiên, kể từ quý IV/2022 đến nay, khi mặt bằng lãi suất tăng cao, các kênh đầu tư khác bị ảnh hưởng thì nguồn tiền nhàn rỗi trong dân đã trở lại với hệ thống ngân hàng. Trong khi mặt bằng lãi suất tăng cao tạo áp lực lớn lên lãi vay, nên doanh nghiệp buộc dùng nguồn tiền tự có.
Dù mặt bằng lãi suất huy động giảm trở lại từ đầu năm 2023 đến nay (lãi suất huy động niêm yết tại các ngân hàng đã giảm khoảng 0,5 - 2%/năm ở tất cả kỳ hạn so với đầu năm) song lãi vay giảm chậm, khiến doanh nghiệp chưa dám sử dụng vốn vay. Vì thế, NHNN cho biết, trong thời gian tới, cơ quan này sẽ tiếp tục cân nhắc giảm tiếp lãi suất điều hành.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc NHNN, trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất USD chậm lại, thanh khoản cải thiện, NHNN sẽ cân nhắc, đánh giá các điều kiện, nếu được sẽ giảm lãi suất điều hành. NHNN đã chỉ đạo các TCTD đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân, tiết kiệm chi phí để giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới.
Các chuyên gia tài chính dự báo NHNN sẽ cắt giảm lãi suất điều hành thêm 0,5%/năm, đưa lãi suất điều hành về quanh mức 5%/năm vào cuối năm nay, tiến tới giảm về mức 4%/năm vào năm 2025. Cụ thể, trong Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô gần đây về Việt Nam, Standard Chartered dự báo, NHNN sẽ giảm lãi suất tái cấp vốn thêm 50 điểm cơ bản xuống 5%/năm vào cuối quý II/2023, sau đó lãi suất sẽ duy trì cho đến cuối năm 2025.
NHNN cho biết sẽ tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp chính sách hỗ trợ các ngân hàng giảm lãi suất, mặt khác điều hành để tạo thanh khoản ổn định, hỗ trợ các TCTD cung ứng vốn cho nền kinh tế với lãi suất cho vay hợp lý, tạo thuận lợi cho quá trình phục hồi nền kinh tế. Trên cơ sở đó, mặt bằng lãi suất huy động được dự báo sẽ tiếp tục giảm thêm.
Lãnh đạo NHNN khẳng định sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, hợp lý và bảo đảm được mục tiêu chính là kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị VND; bảo đảm sự hài hòa giữa tỷ giá và lãi suất. Trong điều hành lãi suất, tới đây, NHNN sẽ chỉ đạo, định hướng, vận động các ngân hàng thương mại tiếp tục cắt giảm chi phí để giảm lãi suất, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp và người dân vay vốn.
Nếu tình hình kinh tế của Mỹ, của thế giới xấu đi thì khả năng họ bắt đầu đảo chiều lãi suất và đó là tín hiệu tích cực đối với kinh tế Việt Nam.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nhận định, mặt bằng lãi suất đang giảm nhưng còn cao. Theo ông Lực, hiện là thời điểm thích hợp để NHNN tiếp tục giảm lãi suất, nới lỏng chính sách tiền tệ hỗ trợ cho tăng trưởng. Tuy nhiên, trạng thái tiền rẻ ngập tràn sẽ không còn, bởi bức tranh kinh tế toàn cầu đã thay đổi sau giai đoạn chống Covid-19.
Dự báo về xu hướng lãi suất, ông Lực cho rằng, từ giờ đến cuối năm, Fed sẽ không tăng lãi suất sau 10 lần tăng lãi suất nhanh lên mức kỷ lục kể từ năm 2007.
“Nếu tình hình kinh tế của Mỹ, của thế giới xấu đi thì khả năng họ bắt đầu đảo chiều lãi suất và đó là tín hiệu tích cực đối với kinh tế Việt Nam”, ông Lực nhận định.
Theo chuyên gia, tuy mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm đang trong xu hướng giảm dần nhưng trong bối cảnh các kênh đầu tư khác (chứng khoán, bất động sản...) chưa hồi phục, nhiều người vẫn chọn gửi tiết kiệm để hưởng lãi suất.