Theo Thông tư 09/2010/TT-BTC, định kỳ 6 tháng, kể từ ngày kết thúc đợt chào bán, công ty đại chúng phải báo cáo UBCK, Sở GDCK (trường hợp là tổ chức niêm yết, đăng ký giao dịch) và công bố thông tin trên các ấn phẩm, trang thông tin điện tử của DN về tiến độ sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán. Nhưng đến thời điểm này, rất ít DN thực hiện việc công bố tiến độ sử dụng vốn huy động qua TTCK.
Huy động vốn để trả nợ
Thông tư 09/2010/TT-BTC được ban hành ngày 15/1/2010 và có hiệu lực vào ngày 1/3/2010. Tính đến thời điểm này, đã có một số DN thực hiện công bố tiến độ sử dụng vốn.
Thực hiện Nghị quyết ĐHCĐ bất thường lần 1 năm 2009 số 724/2009/NQ-ĐHCĐ ngày 30/9/2009 về việc phát hành cổ phiếu để tạm ứng cổ tức năm 2009, phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu, CBCNV nhằm bổ sung nguồn vốn còn thiếu để đầu tư Nhà máy Xi măng Nam Sơn, CTCP Xi măng Sài Sơn (SCJ) đã phát hành 4,998 triệu cổ phiếu ra công chúng.
Theo báo cáo tiến độ sử dụng vốn công bố ngày 11/8/2010 của DN này, số tiền huy động được (81,437 tỷ đồng) đã được sử dụng vào việc thanh toán khối lượng cho các nhà thầu Nhà máy Xi măng Nam Sơn. Ngoài ra, DN này trả tiền vay Ngân hàng VIB Hà Đông hơn 11,73 tỷ đồng. Số tiền còn lại trên 24,915 tỷ đồng sẽ được tiếp tục sử dụng trong năm 2010 để thanh toán cho các nhà thầu theo tiến độ hoàn thành của công trình.
Khi thực hiện phát hành hơn 19,8 triệu cổ phiếu, CTCP Vận tải Xăng dầu VITACO (VTO) nêu rõ mục đích là bổ sung nguồn vốn lưu động của Công ty, tái cấu trúc nguồn vốn nhằm nâng cao năng lực sản xuất - kinh doanh, giảm chi phí tài chính. Trên thực tế, DN này đã sử dụng 75,3 tỷ đồng từ nguồn vốn huy động được trả nợ cho Ngân hàng TMCP Xăng dầu, trả tiền vay của CTCP Bảo hiểm Petrolimex 20 tỷ đồng. VTO cũng trả cho Ngân hàng Ngoại thương 38,2 tỷ đồng thanh toán trước hạn khoản vay dài hạn mua tàu.
Trong Nghị quyết ĐHCĐ số 02/2009/NQ-ĐHCĐ của CTCP Truyền thông số 1 (ONE), DN đã nêu mục đích sử dụng vốn từ việc phát hành trên 925.000 cổ phiếu là bổ sung vốn huy động cho hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, theo báo cáo sử dụng vốn huy động công bố ngày 9/8/2010, ONE đã dùng 2 tỷ đồng để trả nợ nước ngoài, nộp thuế VAT 4,019 tỷ đồng, thanh toán tiền đặt cọc hàng cho nhà cung cấp trong nước 1 tỷ đồng, trả nợ vay tại Ngân hàng Techcombank trên 2,231 tỷ đồng.
Qua báo cáo sử dụng vốn của các DN, điều dễ nhận thấy là khi đưa ra lấy ý kiến cổ đông, DN thường dùng cụm từ chung chung là "nâng cao năng lực tài chính của công ty, tái cơ cấu nguồn vốn". Nhưng đó có thể chỉ là những mỹ từ để che lấp việc DN dùng nguồn tiền huy động được để trả nợ ngân hàng, nộp thuế, nộp tiền bảo hiểm xã hội... Đây là những vấn đề tồn đọng của thời gian trước và các DN phải huy động vốn để trả nợ. Câu hỏi đặt ra là, nếu mục đích huy động vốn được nêu ra một cách cụ thể, chi tiết như thực tế nhu cầu vốn của DN thì liệu NĐT có thông qua hay không?
Hiện không có quy định nào bắt buộc các DN không được dùng nguồn vốn huy động được để trả nợ. Tuy nhiên, NĐT sẽ khắt khe hơn khi biểu quyết cho phép DN sử dụng tiền từ phát hành cổ phiếu để trả nợ, xử lý những vấn đề tài chính còn tồn đọng.
Quy định chưa rõ ràng
Nhiều DN có quy mô phát hành thêm lớn lên đến vài chục triệu cổ phiếu, nhưng vẫn chưa thực hiện báo cáo tiến độ sử dụng vốn. Điều này cho thấy tính tuân thủ pháp luật thấp, nhưng mặt khác cũng cho thấy việc chậm công bố báo cáo tiến độ sử dụng vốn có liên quan đến việc sử dụng không đúng mục đích nguồn vốn huy động được. Một số NĐT cho rằng, cũng như những DN xin gia hạn nộp báo cáo tài chính, việc không công bố hoặc chậm công bố báo cáo tiến độ sử dụng vốn cho thấy các DN có những "vấn đề" riêng.
Tuy nhiên, trao đổi với ĐTCK, tổng giám đốc một DN đã thực hiện phát hành từ tháng 1/2010 cho biết, Thông tư 09/2010/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ tháng 3/2010, nên chỉ những đợt phát hành sau mốc thời gian này mới phải tuân thủ quy định về việc báo cáo tiến độ sử dụng vốn. Thông tư 09 quy định việc công bố thông tin sử dụng vốn không rõ ràng, kéo theo những cách hiểu và cách thực hiện khác nhau. Vẫn theo vị tổng giám đốc này, "khi hàng trăm DN công bố tiến độ sử dụng vốn, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) sẽ xử lý các thông tin này như thế nào. Nếu chỉ yêu cầu các DN công bố và "xếp xó" thì cũng không có nhiều ý nghĩa".