Thời gian qua, có những ý kiến trái chiều về kiến nghị của VGTA với Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét tái huy động vàng trong dân, ông có nhận xét gì?
Sau khi VGTA có kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ và NHNN về việc xem xét tái huy động nguồn lực vàng trong dân trong điều kiện thị trường ổn định để khai thác một cách hiệu quả nguồn vốn này, tránh lãng phí, đã có nhiều ý kiến trái chiều. Trong đó, có ý kiến đồng tình, nhưng cũng có ý kiến không đồng tình và đưa ra phân tích, đánh giá, nhận xét rằng, việc huy động vàng không có tính khả thi và thực tế thị trường đã cho thấy những bất cập buộc Chính phủ, NHNN phải yêu cầu các ngân hàng thương mại dừng huy động vàng trong thời gian dài vừa qua. Theo tôi, các ý kiến này là cần thiết để Chính phủ và NHNN tham khảo trước khi đưa ra quyết định, có thể dựa trên cơ sở của thị trường cũng như các ý kiến từ người tiêu dùng.
Đối với VGTA, chúng tôi vẫn giữ quan điểm cần huy động nguồn, khai thác nguồn lực vàng trong dân để tránh lãng phí nguồn vốn này. Hay nói cách khác, chúng ta không nên để nguồn lực vốn lớn này nằm bất động trong dân, cần huy động được nguồn vàng trong dân để phục vụ phát triển nền kinh tế. Tất nhiên, cũng phải có giải pháp khả thi và sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả, tránh lặp lại tình trạng như trước đây khi các ngân hàng thương mại huy động vàng, sau đó cho vay lại hoặc chuyển đổi sang tiền đồng và khi vàng tăng giá mạnh, người dân có nhu cầu rút ra.
Mặt khác, việc VGTA đưa ra kiến nghị xem xét tái huy động vàng khi thị trường vàng đã ổn định, chứ không thể nói huy động vàng sẽ khiến cho tình trạng vàng hóa tăng lên như một số quan điểm đưa ra.
Ông Nguyễn Thành Long
Theo ông, nếu tái huy động vàng trong dân, giải pháp khả thi để thực hiện là gì?
Sau khi ổn định trạng thái vàng của các ngân hàng thương mại, chúng tôi đề nghị NHNN nghiên cứu thực hiện chủ trương tiếp tục huy động vàng trong dân, nhưng lần này không phải để các ngân hàng kinh doanh vàng, mà NHNN sẽ phát hành chứng chỉ vàng dài hạn để gom vàng về Ngân hàng Trung ương. Dĩ nhiên, sẽ phải xây dựng quy chế chặt chẽ về nghĩa vụ, quyền lợi của NHNN và ngân hàng thương mại. Số vàng huy động được sẽ dùng làm tài sản thế chấp tại các ngân hàng hoặc tổ chức tài chính nước ngoài để vay ngoại tệ với lãi suất thấp đem về phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội quốc gia.
Lợi ích rõ ràng của giải pháp này là sẽ huy động được một nguồn lực tài chính quan trọng trong dân, thay vì để bất động, trong khi người dân tiếp tục được sở hữu vàng, tạo tâm lý an tâm cho người dân và tránh được các phức tạp có thể phát sinh do huy động và kinh doanh vàng của các ngân hàng thương mại. Trong từng thời điểm phù hợp, NHNN có thể trực tiếp nhập khẩu vàng để bình ổn giá, đáp ứng các yêu cầu sử dụng và sau khi đã kiểm soát được các yếu tố nhạy cảm về ngoại hối thì nên cho phép kinh doanh vàng tài khoản thay cho thị trường vàng vật chất.
Nhưng nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại nếu tái huy động vàng trong dân sẽ làm gia tăng tình trạng vàng hóa, thưa ông?
Có nhiều người đưa ra quan điểm như: giá vàng thường xuyên biến động, trường hợp huy động vàng rồi bán đi để tạo vốn cho nền kinh tế, thời điểm trả lại vàng cho người dân mà giá tăng cao thì lấy vốn ở đâu để bù lỗ? Bên cạnh đó, chất lượng vàng cũng là một bài toán cần phải tính kỹ trong huy động vàng, ai sẽ là người kiểm soát chất lượng, kiểm định hàng hóa để người dân có thể yên tâm khi gửi vàng. Hay tái huy động vàng sẽ làm tăng tình trạng vàng hóa trong dân…
Chúng ta nên nghiên cứu, xem xét để đưa ra giải pháp khả thi cho việc tái huy động vàng, không vì những lo ngại trên mà bỏ cuộc. Về giải pháp đối với người dân, chúng tôi cho rằng, tiếp tục công nhận quyền sở hữu vàng hợp pháp và người dân tự do lựa chọn gửi vàng cho Nhà nước hoặc cất trữ. Song song đó là các biện pháp tuyên truyền, thuyết phục, tạo niềm tin vào các kênh đầu tư cất trữ tài sản khác.
Tóm lại, giải pháp cho vàng phải là giải pháp có tính thực tiễn thị trường, mục tiêu của quản lý ngoài việc kiểm soát phải đạt được yêu cầu khơi thông dòng chảy cung ứng vàng cho thị trường và bổ sung nguồn vàng có kiểm soát khi cần thiết. Không nên lo ngại tình trạng vàng hóa, mà phải “thâm nhập” thế giới của vàng, thừa nhận vàng như một phần thiết yếu của đời sống và tìm cách huy động vàng để phục vụ phát triển kinh tế.
Nói vậy, để tái huy động vàng thành công và sử dụng hiệu quả nguồn lực này từ trong dân thì tất cả đều phải do NHNN quản lý?
Thời gian qua, chúng ta đã thực hiện thành công chống vàng hóa và ổn định thị trường vàng dưới sự điều hành, kiểm soát của NHNN. Do đó, trách nhiệm huy động vàng từ người dân đặt lên vai NHNN là hợp lý, bởi NHNN là cơ quan quản lý thị trường vàng nên sẽ nghiên cứu, phân tích được lượng vàng trong dân nắm giữ là bao nhiêu, làm sao để huy động số vàng đó có lợi nhất, vì đất nước đang cần mọi nguồn lực để phát triển kinh tế.
Vì thế, việc xem xét tái huy động vàng trong dân không phải để các ngân hàng thương mại làm như trước, mà phải có sự nghiên cứu rõ ràng được kiểm soát kỹ của NHNN. Tất cả phải được tập trung vào NHNN và có sự giám sát, chứ không phải ai cũng có thể làm. Về ý tưởng thành lập Sàn giao dịch vàng quốc gia của một số ngân hàng thương mại, NHNN có thể xem xét kỹ lưỡng phương án này và giao cho một ngân hàng thương mại có vốn nhà nước lớn để thực hiện dưới sự kiểm soát của NHNN.
Các kiến nghị của VGTA lên NHNN đến nay đã nhận được phải hồi gì chưa, thưa ông?
Mặc dù chưa nhận được phải hồi sau các kiến nghị, nhưng việc Thủ tướng giao NHNN chủ trì nghiên cứu việc huy động vàng và tiền trong dân tại phiên họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm ngày 1/7 vừa qua đã cho thấy những tín hiệu khả thi.
Bên cạnh đó, tuy NHNN chưa có phải hồi về kiến nghị tái huy động vàng trong dân, nhưng với các kiến nghị khác của VGTA về việc tái cấp tín dụng hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh nữ trang được NHNN cho biết sẽ xem xét và có giải pháp tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp kinh doanh nữ trang vàng.
Cần làm rõ nhiều vấn đề trước khi tính huy động vàng từ dân
TS. Trần Du Lịch,Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia
Một vấn đề quan trọng khác cũng cần được làm rõ khi bàn đến việc huy động vàng trong dân, đó là huy động bằng hình thức nào, Nhà nước vay trực tiếp của người dân, hay gián tiếp thông qua doanh nghiệp (sau khi cho doanh nghiệp vay vàng để kinh doanh vàng)? Trên thực tế, nếu cho các doanh nghiệp vay vàng để kinh doanh thì hẳn sẽ dễ dàng, nhưng nếu cho doanh nghiệp vay theo quan hệ dân sự thì rất rủi ro. Nếu muốn vay trực tiếp từ người dân thì phải tùy thuộc vào ý kiến của họ, phải cho người dân thấy được đây là kênh đầu tư sinh lời tốt và an toàn thì họ sẽ cho vay (gửi vàng vào Ngân hàng Nhà nước).
Có nhiều phương thức để huy động vàng, chẳng hạn góp vốn bằng vàng hay cho vay… Tuy nhiên, trước khi xác định giải pháp huy động, cần thiết phải làm rõ những vấn đề trên.
Vàng chỉ nên giữ vai trò là tài sản
TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR)
Vàng chỉ nên giữ vai trò là tài sản. Nếu muốn người dân không giữ hoặc giảm việc giữ vàng, thì phải duy trì lãi suất tiền mặt cao, ổn định. Khi đó, người ta sẽ bán bớt vàng để lấy tiền mặt. Chỉ có một thứ gửi vào ngân hàng có lãi, đó chính là tiền của quốc gia đó, đồng thời cũng là phương pháp để tránh tình trạng “vàng hóa” hay đô-la hóa.