Cụ thể, NHNN Chi nhánh TP.HCM cho hay, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước tính đến cuối tháng 9/2021 đạt 3,045 triệu tỷ đồng, tăng 1,19% so với cuối quý II/2021 và tăng 4,71% so với cuối năm trước.
Trong đó, vốn huy động bằng VND ước đạt 1,687 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 88,2% và tăng 5,68% so với cuối năm trước.
Vốn huy động bằng ngoại tệ ước đạt 358.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 11,8% và giảm 2,02% so với cuối năm 2020.
Đánh giá về tình hình huy động vốn trong quý III/2021, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM cho hay, do tác động của đại dịch Covid-19, vốn huy động của các ngân hàng tăng chậm trong quý III/2021.
Cụ thể, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến cuối tháng 7/2021 tăng 0,66% so tháng 6; tháng 8 chỉ tăng 0,42% so với tháng tháng 7 và tháng 9/2021 ước đạt 3,045 triệu tỷ đồng, tăng 1,19% so với cuối quý II/2021 và tăng 4,71% so với cuối năm trước.
Trong đó, tiền gửi tiết kiệm của khách hàng dân cư chiếm 36,8%, chỉ tăng 0,5% so với cuối năm trước; tiền gửi thanh toán của tổ chức kinh tế và cá nhân chiếm 54,2%, tăng 5,7% so với cuối năm; phát hành giấy tờ có giá chiếm tỷ trọng 9%, tăng đến 17,85% so với cuối năm trước.
Còn về tăng trưởng tín dụng, 9 tháng đầu năm 2021, dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố tăng 6,41% so với cuối năm trước. Nhưng nếu tính riêng quý III/2021 tín dụng trên địa bàn thành phố chỉ tăng 0,76% so với quý II/2021.
Nguyên nhân do kinh tế-xã hội trên địa bàn nói chung và ngành ngân hàng chịu tác động của dịch trong bối cảnh TP.HCM duy trì giãn cách xã hội trong thời gian dài.
Tuy nhiên, tín dụng trung, dài hạn vẫn chiếm tỷ trọng cao hơn trong tổng dư nợ tín dụng. Trong kỳ báo cáo quý III/2021, tín dụng trung, dài hạn của các ngân hàng trên địa bàn chiếm khoảng 54% trong tổng dư nợ. Còn tín dụng ngắn hạn chỉ chiếm khoảng 45% tổng dư nợ trên địa bàn.
Dư nợ tín dụng cho vay ngắn hạn bằng VND đối với 5 nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên (đến cuối tháng 8/2021) đạt 187.057 tỷ đồng, với 34.326 khách hàng vay vốn.
Trong đó, cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt 32.514 tỷ đồng; cho vay xuất khẩu đạt 9.029 tỷ đồng; cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 141.600 tỷ đồng; cho vay công nghiệp hỗ trợ đạt 3.462 tỷ đồng; cho vay doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 452 tỷ đồng.
Riêng dư nợ tái cơ cấu, giảm lãi vay (theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN, Thông tư 03/2021/TT-NHNN và Thông tư 14/2021/TT-NHNN cho khách hàng bị ảnh hưởng dịch) của các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM đến cuối tháng 8/2021 đạt trên 1,616 triệu tỷ đồng.
Trong đó, hiện tại có 406.410 khách hàng còn dư nợ với số tiền 479.195 tỷ đồng. Cụ thể, cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 151.336 khách hàng, với dư nợ hiện tại 127.973 tỷ đồng; miễn giảm lãi cho 62.014 khách hàng với dư nợ hiện tại 7.251 tỷ đồng; cho vay mới 193.060 khách hàng, với dư nợ đạt 334.971 tỷ đồng.