Tích hợp mục tiêu phát triển bền vững vào chiến lược của ngành
Bộ Y tế vừa công bố định hướng cụ thể triển khai các mục tiêu phát triển bền vững về y tế trong những năm tới.
Theo đó, việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững sẽ gắn với Kế hoạch số 139/KH-BYT ngày 1/3/2016 về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2016 - 2020.
“Mục tiêu chung là giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh, dịch bệnh, góp phần nâng cao tuổi thọ cũng như các chỉ số sức khỏe cơ bản của người dân; nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế, tạo nền tảng vững chắc để phát triển hệ thống y tế công bằng, hiệu quả, chất lượng và bền vững, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trong điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết.
Theo đó, ngành y tế đề ra các mục tiêu cụ thể là thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, bảo đảm mọi người dân được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản có chất lượng; không để dịch bệnh lớn xảy ra; từng bước kiểm soát các yếu tố có hại đến sức khỏe liên quan đến môi trường, an toàn thực phẩm, lối sống và hành vi của người dân.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả của mạng lưới cung ứng dịch vụ y tế; bảo đảm sự phối hợp, kết nối và lồng ghép giữa các tuyến; giảm tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên; hiện đại hóa và phát triển y học cổ truyển, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại.
Ngành cũng đặt mục tiêu duy trì mức sinh hợp lý; khống chế tốc độ tăng nhanh tỷ số giới tính khi sinh; giảm dị tật và bệnh bẩm sinh, góp phần nâng cao chất lượng dân số; tăng khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng…
Việc phân bổ, sử dụng nguồn nhân lực y tế giữa các vùng, các tuyến, giữa đào tạo và sử dụng nhân lực được bảo đảm cân đối.
Phát triển cơ sở hạ tầng y tế; phát triển y tế ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa và hỗ trợ người nghèo, các đối tượng chính sách trong khám chữa bệnh.
Bảo đảm cung ứng đủ thuốc, vắc xin, sinh phẩm y tế, máu, chế phẩm máu và thiết bị y tế có chất lượng với giá cả hợp lý; quản lý, sử dụng thuốc và trang thiết bị, an toàn và hiệu quả; nâng cao năng lực quản lý và năng lực thực hiện chính sách y tế, đẩy mạnh cải cách hành chính để đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển của ngành trong giai đoạn mới.
Tăng cường xã hội hóa đầu tư
Theo chương trình đổi mới chính sách y tế, ngành sẽ tập trung vào các chính sách quan trọng như: phát triển y tế cơ sở; phát triển công nghệ thông tin; phát triển hạ tầng và trang thiết bị y tế; cung ứng thuốc và vắc xin; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, công nghệ y tế.
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong những năm qua, ngành y tế nước ta vẫn đang đối mặt với một số thách thức trong thực hiện mục tiêu tăng cường tỷ lệ bao phủ y tế toàn dân thông qua việc tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu và khả năng cung ứng dịch vụ chăm sóc y tế.
“Ngành y tế nhận thức rõ sức mạnh của quan hệ đối tác công - tư để đạt mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân vào năm 2030 thông qua việc tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu. Hiện chúng tôi đang phát triển mô hình y học gia đình, phòng khám đa khoa và khuyến khích mô hình hợp tác công - tư tại các bệnh viện và y tế cơ sở”, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ xem xét thủ tục phê duyệt một số dự án hợp tác công - tư về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng y tế và mua sắm trang thiết bị y tế.
Dự thảo Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư được đưa ra xin ý kiến đại biểu Quốc hội trong kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 14 đang diễn ra, dự kiến sẽ được thông qua vào kỳ họp thứ 9 (giữa năm 2020) kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý thông thoáng để thu hút dòng vốn tư nhân vào nhiều lĩnh vực, trong đó có y tế, góp phần thúc đẩy ngành y tế phát triển bền vững.