Vấn đề chênh lệch lãi suất lại được xới lên tại tọa đàm đánh giá chính sách tiền tệ sáng 30/10

Vấn đề chênh lệch lãi suất lại được xới lên tại tọa đàm đánh giá chính sách tiền tệ sáng 30/10

Huy động 7%, cho vay 13%/năm, ngân hàng "kiếm" đủ?

Báo cáo quý III/2013 của các ngân hàng cho thấy, số lãi nhiều ngân hàng vẫn duy trì là vài nghìn tỷ đồng. Mặc dù chỉ trích "ngân hàng ăn trên lưng DN" đã không còn, nhưng những nghi ngờ không phải không có cơ sở.

Có một thực tế rằng, để khẳng định năng lực kinh doanh của mình, vào những thời điểm thuận lợi, nhiều ngân hàng hay có kiểu công bố thông tin: "6 tháng lãi 3.000 tỷ đồng", hay "9 tháng lãi 4.600 tỷ đồng"...

Đơn vị nghìn tỷ là số rất lớn, và tất nhiên sẽ tạo ấn tượng mạnh với người đọc. Thế nhưng, trong một số trường hợp như doanh nghiệp kêu lãi suất vay cao, đóng một loạt phí khi giao dịch... thì con số này có tác dụng ở chiều 180 độ. Không chỉ doanh nghiệp kêu mà giới am hiểu thị trường cũng "kêu".

Tại buổi tọa đàm khoa học “Đánh giá  2 năm thực hiện chính sách tiền tệ 2011 - 2013: những kết quả và thách thức” vừa diễn ra, các chuyên gia kinh tế nhận định, ngân hàng đang hưởng chênh lệch lãi suất “khủng”, lên tới 5-6%/năm. Trong khi đó, phía ngân hàng ra sức phủ nhận thông tin này.

Điểm khởi đầu của ý kiến qua lại chính là từ nhận định của ông Nguyễn Xuân Thành, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright khi cho biết chênh lệch lãi suất huy động và cho vay đang có chiều hướng tăng lên.

 

“Số liệu điều tra của chúng tôi cho thấy, lãi suất cho vay phổ biến vẫn là 12-13%/năm. Thậm chí, theo khảo sát của ANZ, 25% dư nợ tín dụng vẫn có lãi suất trên 13%/năm”, ông Thành nói.

 

Với mức lãi suất trên, nếu so sánh với biểu lãi suất huy động hiện nay của các ngân hàng chỉ 6-7%/năm, ông Thành cho rằng, chênh lệch lãi suất huy động – cho vay của các ngân hàng lên tới 6%.

 

“Nhẹ nhàng” hơn, song TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh doanh cũng khẳng định, kết quả khảo sát 8 ngân hàng thương mại lớn cho thấy mức chênh lệch lãi suất bình quân ghi nhận được là 4,3% - 4,5%. Đặc biệt, tại một số ngân hàng, mức chênh lệch này lên tới 5%/năm.

 

Nhận định của hai vị chuyên gia trên gặp sự phản ứng khá mạnh mẽ từ phía các ngân hàng thương mại. Các ngân hàng cho rằng, nếu cộng trừ đơn thuần lãi suất cho vay và lãi suất huy động mà kết luận ngân hàng ăn chênh lệch lãi khủng là không đúng.

 

Bà Nguyễn Thị An Bình, Phó tổng giám đốc ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho cho hay: “Chênh lệch 5-6% là chưa tính chi phí hoạt động, chi phí xử lý nợ xấu của ngân hàng. Với nợ xấu 3-6% như hiện nay, các ngân hàng phải bỏ ra chi phí rất lớn để xử lý nợ xấu. Với MB , chênh lệch lãi suất của chúng tôi chỉ 2-3%. Thời hoàng kim nhất, chênh lệch lãi suất cũng chỉ 3,5-4%, không có chuyện chênh lệch lãi suất lên tới 5-6% trong tình hình hiện nay”.

 

Cũng bức xúc với kết luận ngân hàng ăn chênh lệch lãi suất khủng, ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Eximbank ngay lập tức rút điện thoại gọi cho một số ngân hàng và khẳng định, chênh lệch lãi suất hiện nay chỉ khoảng 2,8%/năm, chưa trừ các chi phí hành chính, chi phí quản lý…

 

“Nếu trừ đi các chi phí, chênh lệch lãi suất chỉ khoảng 1,3% - 1,8%/năm, thậm chí chỉ còn 1,1%/năm. Thực tế lợi nhuận các ngân hàng đang rất thấp, dù nhân sự cũng đã cắt giảm rất nhiều, có nơi giảm từ 1 - 2 nghìn nhân viên chỉ riêng một ngân hàng”, ông Phước tính toán.

 

Dù vậy, lãnh đạo một ngân hàng TMCP khẳng định, trên thực tế, với một số sản phẩm cho vay tiêu dùng, chênh lệch lãi suất hiện đang lên tới 6-7% và đây là điều bình thường.

 

“Rủi ro cao thì lãi suất cao. Với các ngân hàng tập trung cho vay tiêu dùng, cho vay cá nhân, họ sẽ có mức chênh lệch lãi suất cao, song đổi lại rủi ro cũng rất lớn. Đây cũng chính là mầm mống rủi ro của các ngân hàng này trong tương lai”, vị lãnh đạo này nói.

>> Khó kiếm tiền từ chênh lệch lãi suất

>> Năm 2012, ngân hàng chỉ lãi chênh lệch lãi suất 20.000 tỷ đồng