Hủy cổ phiếu quỹ, tăng niềm tin cho nhà đầu tư

Hủy cổ phiếu quỹ, tăng niềm tin cho nhà đầu tư

(ĐTCK) Mua cổ phiếu quỹ là động thái khá phổ biến của các doanh nghiệp niêm yết, nhưng lần đầu tiên, thị trường chứng khoán trong nước ghi nhận trường hợp CTCP Phát triển đô thị Từ Liêm (NTL) công bố huỷ cổ phiếu quỹ.

Thị trường chứng khoán điều chỉnh mạnh trong giai đoạn vừa qua đã “kích hoạt” hoạt động mua cổ phiếu quỹ của nhiều doanh nghiệp.

Theo số liệu của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), trong khoảng thời gian từ tháng 2 tới tháng 3/2020, các doanh nghiệp đăng ký mua cổ phiếu quỹ và lên kế hoạch mua cổ phiếu quỹ lên tới 4.000 tỷ đồng - một dòng tiền kỷ lục được doanh nghiệp tung ra để bình ổn giá chứng khoán, chủ yếu sẽ thực hiện giải ngân trong tháng 4.

Xem xét lịch sử giao dịch cổ phiếu quỹ của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam, có thể thấy, hoạt động mua bán cổ phiếu quỹ diễn ra khá thường xuyên, nhưng chủ yếu thực hiện mua khi cổ phiếu giảm giá và lại bán ra sau khi cổ phiếu bật tăng.

Hủy cổ phiếu quỹ, tăng niềm tin cho nhà đầu tư  ảnh 1

Việc mua vào cổ phiếu quỹ có thể hỗ trợ tâm lý cho nhà đầu tư, giảm số lượng cổ phiếu lưu hành và tăng lợi ích cho cổ đông doanh nghiệp (do cổ phiếu quỹ không được tính EPS, không được nhận cổ tức, nên quyền lợi tập trung vào các cổ phiếu phổ thông).

Tuy nhiên, khi doanh nghiệp bán ra cổ phiếu quỹ sẽ tạo áp lực ngược lại cho thị giá cổ phiếu sau này.

Nhìn ra các thị trường chứng khoán phát triển, khi thực hiện mua cổ phiếu quỹ nhằm bình ổn giá chứng khoán, đa phần các doanh nghiệp sẽ thực hiện huỷ vĩnh viễn số cổ phiếu này. Họ thực hiện mua cổ phiếu quỹ để tăng giá trị cho cổ đông, thay vì chi trả cổ tức.

Bởi việc trả cổ tức tiền mặt thường xuyên sẽ tạo thói quen cho cổ đông, nếu một năm doanh nghiệp không chia tạo cho nhà đầu tư sự thất vọng và phản ứng tiêu cực lên giá cổ phiếu.

Vì vậy, các doanh nghiệp ở quốc gia phát triển ưa thích việc mua cổ phiếu quỹ và huỷ để tránh áp lực sau này, nếu có nhu cầu huy động vốn họ có thể phát hành sau.

Ðiều này vừa có lợi cho nhà đầu tư thực sự, vừa giúp nhà đầu tư tránh được áp lực cổ phiếu bị pha loãng sau này.

Trở lại với câu chuyện huỷ cổ phiếu quỹ của NTL, trong tài liệu Ðại hội đồng cổ đông năm 2020, doanh nghiệp này trình cổ đông phương án huỷ 2.610.050 cổ phiếu quỹ hiện hữu với giá mua là 139,6 tỷ đồng.

Sau khi huỷ cổ phiếu quỹ, vốn điều lệ của NTL sẽ giảm từ 636 tỷ đồng về 609,9 tỷ đồng.

NTL được biết đến là công ty kinh doanh bất động sản chủ yếu thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và đất nền cho nhà đầu tư.

Năm 2019, hiệu quả kinh doanh của Công ty khởi sắc hơn giai đoạn trước khi hàng loạt dự án được bàn giao, ghi nhận doanh thu và dòng tiền.

Cụ thể, doanh thu ghi nhận 835,1 tỷ đồng, lợi nhuận 233,8 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 16,94% và 131,11% so với năm 2018.

Bên cạnh đó, dòng tiền hoạt động kinh doanh dương tới 173 tỷ đồng (năm 2018 chỉ dương 2,6 tỷ đồng) giúp tình hình tài chính cải thiện đáng kể.

Với hiệu quả kinh doanh tích cực, NTL lên kế hoạch phân phối lợi nhuận 2019 với tỷ lệ 25% vốn điều lệ bằng tiền mặt và đã tạm ứng cho cổ đông tỷ lệ 15%.

Năm 2020, Công ty cũng lên kế hoạch trả cổ tức tương tự 2019. Bên cạnh đó, tài liệu Ðại hội cổ đông cũng cho biết, năm 2020, doanh nghiệp dự kiến đạt doanh thu 1.050 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 450 tỷ đồng, lần lượt tăng 25,7% và 51,3% so với mức thực hiện năm 2019.

Mặc dù tình hình bán hàng của NTL được dự báo có nhiều thách thức trong năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng Công ty vẫn đang có dòng tiền khá tốt.

Tính tới 31/12/2019, NTL có 173,1 tỷ đồng tiền, tương đương tiền và tiền gửi kỳ hạn dài, chiếm 10,7% tổng tài sản.

Với gần 91 triệu cổ phiếu đang lưu hành, NTL không chịu áp lực quá lớn để đảm bảo mức cổ tức theo kế hoạch.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán vẫn chịu tác động mạnh từ tâm lý hoài nghi, nếu có thêm những doanh nghiệp có dòng tiền mạnh thực hiện mua vào cổ phiếu và tiến hành hủy cổ phiếu quỹ như NTL, niềm tin của nhà đầu tư chắc chắn sẽ được củng cố.

Tin bài liên quan