Thành tích 98 HCV, 85 HCB và 103 HCĐ của Đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 30 ở Philippines thật ý nghĩa, đặc biệt trong đó có 2 HCV của cả Đội tuyển Bóng đá U22 nam và nữ Việt Nam. Chiến thắng của hai đội bóng Việt Nam là chiến thắng của tinh thần Việt Nam, lòng quả cảm, có khát vọng và dám biến khát vọng thành quyết tâm chiến thắng. Nói như HLV Park Hang Seo: “Tinh thần Việt Nam là điều để U22 vượt qua tất cả và chiến thắng”.
Nhìn sang phương diện kinh tế, năm 2019, kinh tế Việt Nam cũng đạt được nhiều thành quả rất nổi bật. Tăng trưởng GDP đạt 7,02%, là năm thứ 2 liên tiếp đạt trên 7%, Việt Nam là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao hàng đầu khu vực và thế giới, điều này càng ý nghĩa trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm liên tục trong hơn 2 năm qua.
Cũng giống như đằng sau mỗi tấm huy chương thể thao luôn là những giọt mồ hôi khổ luyện, những chấn thương về thể chất và tinh thần, sự hy sinh… của các vận động viên; thì đằng sau tấm huy chương kinh tế cũng là những giọt mồ hôi, những lo toan, căng thẳng trên thương trường và cả những lo sợ bị hoạnh họe từ nhiều phía của cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân.
Những thành tựu mang tính tiên phong
Xâu chuỗi các thành tựu về kinh tế và giảm nghèo của Việt Nam trong hơn 3 thập niên Đổi mới, đặc biệt là trong những năm trở lại đây, chúng ta luôn nhận thấy sự hiện diện không thể thiếu những đóng góp mang tính tiên phong của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có khu vực kinh tế tư nhân.
Chúng ta tự hào vì có những lớp doanh nhân Việt Nam có những đóng góp quan trọng cho đất nước.
Cho đến nay, khu vực này đã đóng góp gần 50% GDP cả nước, sử dụng khoảng 85% lực lượng lao động, cung ứng gần một nửa tổng vốn đầu tư trong nền kinh tế, đóng góp trên 30% tổng thu ngân sách quốc gia, thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình công nghiệp hóa và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Nếu không nhờ những đóng góp này, kinh tế Việt Nam không thể giành được những thành quả đáng khích lệ như trong năm 2019. Nói khác đi, khu vực kinh tế tư nhân đang dần khẳng định mình là một động lực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, đúng như tinh thần của Nghị quyết 10-NQ/TW năm 2017 của Bộ Chính trị.
Có thể nói, khu vực kinh tế tư nhân đã phát triển mạnh mẽ trên nhiều phương diện; hiệu quả, sức cạnh tranh dần được nâng lên; hoạt động đa dạng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực và các vùng, miền; đã hình thành một số tập đoàn kinh tế có quy mô lớn và có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Nhiều doanh nghiệp của Việt Nam bắt đầu có tên và ngày càng giữ vị trí cao trên các bảng xếp hạng khu vực và thế giới, như (theo thứ tự ABC) Masan, Novaland, TH, Thaco, Vietjet, Viettel, Vinamilk, Vingroup…
Đồng thời, nhiều sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam đã có tên trên thị trường 190 quốc gia/vùng lãnh thổ. Đời sống vật chất và tinh thần của đại bộ phận người dân được nâng lên cũng chính nhờ sự phát triển năng động của khu vực kinh tế này.
Ngoài ra, kinh tế tư nhân cũng đã góp phần quan trọng trong việc định hình các chính sách phát triển đất nước trong thời kỳ mới, thúc đẩy các cải cách kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh và đổi mới cách thức quản lý kinh tế của Chính phủ. Rõ ràng, chính sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế tư nhân, cộng đồng doanh nghiệp đã tạo ra sự thúc ép, đồng thời cũng là động lực cho cải cách thể chế sâu rộng của Đảng và Chính phủ hiện nay.
Tuy nhiên, chúng ta cũng nhận thấy rằng, kinh tế tư nhân vẫn còn rất nhiều khó khăn trong cạnh tranh và phát triển. Đại bộ phận kinh tế tư nhân có quy mô nhỏ, chủ yếu vẫn là kinh tế hộ gia đình; tiềm lực tài chính yếu, trình độ công nghệ, sử dụng lao động và năng lực quản trị thấp so với chuẩn mực quốc tế, chất lượng sản phẩm chủ yếu là cấp thấp, sức cạnh tranh yếu; các tổ chức kinh tế hoạt động rời rạc, thiếu sự gắn kết với nhau và với các thành phần kinh tế khác; năng lực hội nhập kinh tế quốc tế còn hạn chế, khả năng tham gia các chuỗi giá trị sản xuất khu vực và toàn cầu còn thấp.
Năm 2019, có hơn 130.000 doanh nghiệp thành lập mới và gần 40.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, song cũng có gần 30.000 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh. Các doanh nghiệp được thành lập rồi giải thể vì không bắt nhịp được với xu hướng cạnh tranh, yêu cầu đổi mới và phát triển liên tục. Việc tiếp cận nguồn lực (đất đai, tài nguyên, nguồn vốn, các hỗ trợ của Chính phủ, thông tin) còn nhiều trở ngại; chi phí trung gian và không chính thức vẫn còn nhiều; môi trường kinh doanh, ươm mầm cho khởi nghiệp còn nhiều hạn chế.
Từ góc độ các cơ quan quản lý nhà nước, thời gian qua, nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân, đội ngũ doanh nhân đã có những thay đổi quan trọng theo hướng tích cực hơn; hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách từng bước được hoàn thiện; quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh của người dân, quyền hoạt động kinh tế của tổ chức được thể chế hóa và được pháp luật bảo vệ; phương thức quản lý của Nhà nước đối với kinh tế tư nhân được đổi mới phù hợp hơn với cơ chế thị trường; cải cách hành chính được đẩy mạnh; môi trường đầu tư, kinh doanh từng bước được cải thiện theo hướng thông thoáng và thuận lợi hơn; quan điểm không hình sự hóa các quan hệ kinh tế làm yên lòng các nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, mặc dù đã được phát huy hơn trước, nhưng kinh tế tư nhân vẫn còn ít cơ hội tham gia trực tiếp việc hoạch định chính sách phát triển; tiếng nói của kinh tế tư nhân, cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn ít được lắng nghe ở nhiều cấp, nhiều ngành, từ Trung ương đến địa phương, hoặc có vẻ được nghe nhưng không làm gì, hoặc làm nhưng không làm đáng kể, không làm thực chất; hệ thống pháp luật, các cơ chế, chính sách khuyến khích kinh tế tư nhân, doanh nghiệp phát triển còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ; quan điểm mang tính thiên vị và tư duy thiên lệch đối với kinh tế tư nhân vẫn còn hiện hữu.
Ở nhiều nơi, các quy định của pháp luật về thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân theo tinh thần của Đảng và Chính phủ vẫn chưa được thực hiện nghiêm; quyền tự do kinh doanh và quyền tài sản vẫn bị xâm hại bởi sự yếu kém của các cơ quan quản lý nhà nước trong thực thi công vụ; trách nhiệm công vụ chưa được thể chế hóa rõ ràng, quyền tiếp cận các cơ hội kinh doanh, nguồn lực kinh tế chưa thực sự bình đẳng với các thành phần kinh tế khác. Thực trạng này đặt ra yêu cầu cần phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, từ thể chế, chính sách cho đến hành động đối với tất cả các cấp, các ngành, từ Trung ương đến địa phương, của cả hệ thống chính trị.
Nói đến kinh tế tư nhân, chúng ta không thể không nói đến các thuyền trưởng chèo lái là đội ngũ doanh nhân. Chúng ta rất vui mừng vì đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh, có khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng, không ngừng học hỏi để nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp; thực hiện trách nhiệm xã hội, thực hành đạo đức và văn hóa kinh doanh. Chúng ta cũng tự hào vì có những lớp doanh nhân Việt Nam có những đóng góp quan trọng cho đất nước.
Cũng như đừng chỉ nhìn vào mặt trước tấm HCV của vận động viên, xin đừng chỉ nhìn tấm áo vest hào nhoáng của doanh nhân, bởi phía sau đó là mồ hôi, nước mắt để giành tấm huy chương cho kinh tế Việt Nam. Với những nỗ lực và đóng góp lớn lao của mình, một tấm HCV dành cho đội ngũ doanh nhân Việt Nam thật là xứng đáng!
Khát vọng lớn đòi hỏi nỗ lực lớn
Mục tiêu Nghị quyết 10 đặt ra cho khu vực kinh tế tư nhân là nâng tỷ trọng đóng góp của khu vực này lên khoảng 50% GDP trong năm nay, đến năm 2025 khoảng 55% GDP và đến năm 2030 khoảng 60 - 65% GDP. Năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016-2025 tăng khoảng 4-5%, thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ, chất lượng nhân lực và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân so với nhóm dẫn đầu ASEAN-4; nhiều doanh nghiệp tư nhân tham gia mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Hướng đến mục tiêu lớn đó, một số chính sách mà Chính phủ cần ưu tiên chú trọng trong năm 2020 cũng như những năm tiếp theo là: (1) Tiếp tục nâng cấp môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi hơn, thông thoáng hơn cho sự nảy nở của kinh tế tư nhân; (2) Tiếp tục duy trì sự ổn định của kinh tế vĩ mô và minh bạch hóa chính sách; (3) Tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực và cơ hội tham gia hoạch định chính sách, định hình đường hướng phát triển của kinh tế tư nhân; (4) Thúc đẩy tinh thần đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp, lấy khoa học - công nghệ làm động lực cạnh tranh và phát triển bền vững.
Cùng với đó, (5) Chính quyền cần hỗ trợ nghiên cứu cơ bản và phổ biến/chia sẻ tri thức, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, đầu tư kết cấu hạ tầng, giảm chi phí giao dịch; (6) Khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động; (7) Hoàn thiện và bảo đảm thực thi minh bạch, hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; (8) Mở rộng khả năng tham gia thị trường và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng, không phân biệt đối xử.
Ngoài ra, (9) Tiếp tục khuyến khích và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và thúc đẩy chuyển đổi, phát triển đất nước, gây dựng lớp doanh nhân có nhận thức cao về pháp luật, có ý thức và trách nhiệm với xã hội, có năng lực và kỹ năng lãnh đạo, quản trị doanh nghiệp lớn, có tinh thần tự lực - tự cường - tự hào - tự tôn dân tộc; (10) Chính phủ cần tiếp tục đổi mới nhanh chóng cách thức quản trị nhà nước theo hướng hiệu lực, hiệu quả; xây dựng bộ máy tinh gọn, tinh nhuệ, đủ năng lực xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách và pháp luật của Nhà nước và Chính phủ.
Cuối cùng, để đưa đất nước đi lên, chúng ta cần có những lãnh đạo mẫn tiệp, hết lòng vì dân vì nước, có khả năng hiệu triệu lòng dân; chúng ta cũng cần những cán bộ công chức làm việc với tinh thần tận tụy, trách nhiệm, danh dự và lương tâm. Đây là bài học rút ra từ sau 30 năm Đổi mới, đặc biệt từ những thành tích kinh tế mà Việt Nam có được trong năm 2019 vừa qua.