Hủy án vụ tranh chấp mỏ đá hoa Lục Yên

Hủy án vụ tranh chấp mỏ đá hoa Lục Yên

(ĐTCK) Ngày 14/10 vừa qua, TAND TP. Hà Nội đã mở lại phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ kiện tranh chấp hợp đồng hợp tác sản xuất - kinh doanh tại mỏ đá hoa trắng Khau Tu Ka - Lục Yên (Yên Bái).

Trước đó, ngày 11/9, TAND TP. Hà Nội đã đưa vụ án ra xét xử, nhưng sau phiên tòa bị hoãn do một bên đương sự vắng mặt khi Hội đồng xét xử (HĐXX) quay trở lại với phần xét hỏi.

Được biết, thỏa thuận hợp tác sản xuất - kinh doanh tại mỏ đá hoa nêu trên được tiến hành từ năm 2004 giữa CTCP Tập đoàn Thái Dương và hai cá nhân là ông Phạm Quốc Quảng và bà Lương Tuyết Hạnh. Theo đó, ông Quảng, bà Hạnh mỗi người đóng góp 30% trong số 9 tỷ đồng vốn cần huy động, phần còn lại CTCP Tập đoàn Thái Dương góp. Đến năm 2007, hai bên văn bản hóa thỏa thuận qua việc ký hợp đồng hợp tác sản xuất - kinh doanh với nội dung cơ bản như đã nêu.

Quá trình đầu tư kéo dài 9 năm, ông Quảng đã góp tổng cộng 880 triệu đồng, bà Hạnh góp 890 triệu đồng. Theo đơn khởi kiện của Công ty Thái Dương thì công ty này đã đầu tư gần 40 tỷ đồng trên tổng giá trị dự án 170 tỷ đồng.

Sau này, giữa hai bên phát sinh mâu thuẫn, phía ông Quảng, bà Hạnh đề nghị thành lập chi nhánh tại Yên Bái và yêu cầu có 30% cổ phần tại chi nhánh để thực hiện công việc đã thỏa thuận; yêu cầu lập tài khoản riêng để theo dõi chi tiêu các khoản tiền đã góp. Tuy nhiên, Công ty Thái Dương không đồng ý vì cho rằng, việc này trái quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư. Số tiền góp vốn của ông Quảng, bà Hạnh không được các cổ đông nhất trí cho hạch toán vào dự án mỏ đá Khau Tu Ka, do đó, Công ty Thái Dương không có nghĩa vụ giải trình các khoản tiền mà Công ty đã chi tiêu không có sự thống nhất của ông Quảng, bà Hạnh.

Ban đầu, nguyên đơn của vụ án là CTCP Tập đoàn Thái Dương. Tuy nhiên, khi mở phiên tòa xét xử sơ thẩm, nguyên đơn đã có đơn xin hoãn phiên tòa. Xét thấy, nguyên đơn nhiều lần không hợp tác (không nhận tống đạt, tòa án phải niêm yết, phải hoãn tòa nhiều lần) trong quá trình giải quyết vụ án và tiếp tục vắng mặt khi mở phiên tòa, nên tòa cấp sơ thẩm đã đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Vì bị đơn có đơn phản tố nên tòa cấp sơ thẩm đã chuyển tư cách tham gia tố tụng của bị đơn thành nguyên đơn và xét xử đối với yêu cầu phản tố.

Sau phiên tòa sơ thẩm, CTCP Tập đoàn Thái dương kháng cáo, đồng thời Viện kiểm sát cũng ban hành kháng nghị. Kháng nghị của Viện kiểm sát cho rằng, Tòa cấp sơ thẩm có nhiều thiếu sót nghiêm trọng về tố tụng nên đề nghị Tòa phúc thẩm xét xử theo hướng hủy án sơ thẩm, giao hồ sơ cho cấp sơ thẩm xét xử lại.

Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội tiếp tục giữ quan điểm cho rằng, phiên tòa cấp sơ thẩm có nhiều thiếu sót. Cụ thể, tòa cấp sơ thẩm đã vi phạm quy định về tố tụng dân sự, áp dụng những điều luật không phù hợp, thiếu cơ sở; tòa sơ thẩm đã không áp dụng Luật Đầu tư khi giải quyết vụ án, nên đã đưa ra những phán quyết không thể thi hành trên thực tế.

Cho rằng nếu ngừng hợp tác và chỉ nhận được khoản tiền đã góp với lãi suất là quá thiệt thòi khi dự án đã đi vào hoạt động, đang khai thác, thu được lợi nhuận; ông Quảng, bà Hạnh đều khẳng định muốn tiếp tục thực hiện hợp đồng hợp tác cùng khai thác mỏ đá hoa và có năng lực tiếp tục góp vốn vào dự án theo tỷ lệ thỏa thuận ban đầu. Đồng thời, đề nghị Tòa phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Phía Công ty Thái Dương cho rằng, việc Tòa án đình chỉ giải quyết yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là xâm phạm nghiêm trọng quyền lợi của nguyên đơn, tòa cấp sơ thẩm thay đổi địa vị tố tụng và đình chỉ xét xử đối với yêu cầu của nguyên đơn khởi kiện là trái pháp luật. Theo luật sư bảo vệ quyền và lợi ích cho nguyên đơn, ông Quảng, bà Hạnh đã vi phạm nghiêm trọng Hợp đồng hợp tác sản xuất - kinh doanh giữa hai bên, góp vốn nhỏ giọt, yêu cầu của bên ông Quảng và bà Hạnh là không có trong hợp đồng. Hai bên không có tiếng nói chung, mọi mâu thuẫn không được giải quyết trên cơ sở thiện chí.

Sau phiên tòa ngày 11/9, Tòa cấp phúc thẩm nghị án kéo dài. Đến ngày 15/9, HĐXX quay lại phần xét hỏi, nhưng tại buổi tuyên án, ông Quảng, bà Hạnh vắng mặt nên không thể xét hỏi, do đó, HĐXX đã hoãn phiên tòa.

Ngày 15/10, phiên tòa phúc thẩm đã được mở lại với phần xét hỏi nhằm làm rõ thêm vì sao yêu cầu thành lập chi nhánh tại Yên Bái không thể thực hiện được. Đại diện ông Quảng, bà Hạnh trình bày, theo công văn trả lời của cơ quan đăng ký kinh doanh, nguyên nhân không thành lập được là vì tại Yên Bái, Công ty Thái Dương đã có chi nhánh với phạm vi hoạt động liên quan đến khai thác khoáng sản nhưng không có hoạt động gì, vì vậy cơ quan này đề nghị doanh nghiệp cân nhắc việc thành lập chi nhánh. Phía Công ty Thái Dương cho rằng, không thành lập được chi nhánh vì trái Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp.

Sau khi xem xét toàn diện những chứng cứ, tài liệu, lời khai đã được thẩm tra tại phiên tòa, HĐXX quyết định hủy án sơ thẩm, giao cấp sơ thẩm giải quyết lại. Đồng thời yêu cầu khi giải quyết lại, cấp sơ thẩm phải xem xét kỹ những yêu cầu khởi kiện, yêu cầu chấm dứt hợp đồng cũng như hủy hợp đồng do vô hiệu.

Tin bài liên quan