Bản án sơ thẩm thể hiện, năm 2016, ông Kian Danny - Giám đốc Công ty Impulse (có trụ sở ở Mỹ) ký hợp đồng mua lô quần áo với Công ty TNHH J&D Vinako (trụ sở ở Tây Ninh) trị giá 33.620 USD (hơn 700 triệu đồng). Việc thỏa thuận mua bán và thanh toán thông qua người môi giới là ông Jeong Hun Nam.
Ngày 27/7/2016, ông Kian Danny nhận được email thông báo về đề nghị thanh toán tiền vào tài khoản của Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Morning Star do Nguyễn Thị Nở làm Giám đốc (mở tại Ngân hàng Viet Capital Bank).
Đến ngày 1/8/2016, Công ty Impulse đã chuyển khoản số tiền trên và thông báo cho đối tác. Lúc này, ông Nam nói không nhận được tiền và không có việc đề nghị Công ty Impulse chuyển vào tài khoản trên. Công ty Impulse lập tức báo cho ngân hàng để trả lại số tiền trên.
Ngân hàng Viet Caplital thông báo cho Nở biết về việc chuyển nhầm tiền nhưng Nở không đồng ý hoàn trả. Do đó, ông Kian Danny ủy quyền cho luật sư để tố giác hành vi của Nguyễn Thị Nở.
Quá trình điều tra còn thể hiện, Nở cũng chiếm giữ số tiền hơn 5 tỷ đồng của đối tác ngoại. Theo đó, vào năm 2015, Công ty Heng Pich Chhay sử dụng email để ký hợp đồng với Công ty TNHH Việt Hóa Nông (trụ sở ở TP.HCM) mua 594 tấn phân bón các loại, trị giá 228.030 USD (hơn 5 tỷ đồng).
Công ty Heng Pich Chhay cũng nhận được một email đề nghị thanh toán tiền hợp đồng trên vào tài khoản của Công ty TNHH TMSX Lucky Star do Nở làm Giám đốc. Do tin tưởng email của Công ty Việt Hóa Nông nên ngày 20/10/2015, Công ty Heng Pich Chhay đã chuyển khoản số tiền trên vào tài khoản chỉ định.
Ngay sau khi chuyển tiền, doanh nghiệp mới tá hỏa vì đối tác không nhận được tiền, không yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản của bên thứ ba. Công ty cử đại diện đến gặp Nở đề nghị nhận lại tiền song Nở không đồng ý.
Quá trình điều tra, Nở khai nhận, bị cáo từng kết hôn với ông Okonkwu Ikenna Chistopher (quốc tịch Nigieria, hiện đang bỏ đi khỏi nơi cư trú). Ngày 25 và 26/7/2016, chồng bị cáo nói có khách hàng ở nước ngoài chuyển tiền mua hàng vào tài khoản của công ty.
Còn ông Jeoung Hun Nam khai nhận vào tháng 7/2016, tài khoản email của ông bị xâm nhập trái phép. Cơ quan điều tra xác định, những lần truy cập vào các địa chỉ email của ông Nam và Công ty Việt Hóa Nông thể hiện IP đăng nhập được thực hiện ở nước ngoài.
Năm 2018, TAND TP HCM từng trả hồ sơ để điều tra bổ sung số tiền Nở chiếm đoạt đã đi đâu để nhằm thu hồi tiền. Quá trình điều tra bổ sung, Nở khai nhận sử dụng 350 triệu đồng để trả tiền mua vải và các chi phí khác như điện, nước, nhân công, thuê kho. Còn hơn 5 tỷ đồng, Nở khai thanh toán cho một số đối tác để trả tiền mua vải…
Giữa năm 2019, tòa án sơ thẩm xử phạt Nở 4 năm tù về tội Chiếm giữ trái phép tài sản. Sau đó, bị cáo kháng cáo vì cho rằng chưa làm rõ ai là người có hành vi khiến cho các công ty chuyển nhầm tiền dẫn đến oan sai, bỏ lọt tội phạm.
Mặt khác, tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện Công ty Heng Pich Chhay cũng có đề nghị tương tự, cho rằng việc các cơ quan tố tụng truy tố xét xử bị cáo Nở là chưa làm rõ được bản chất của tội phạm, không đơn giản chỉ là chiếm giữ trái phép tài sản.
Cấp phúc thẩm quyết định hủy án sơ thẩm để điều tra, làm rõ đối tượng Okonkwu Ikenna Chistophercó liên quan đến tội phạm hay không, nhằm tránh bỏ lọt tội phạm. Đồng thời, làm rõ bị cáo Nở thành lập 2 công ty nhằm kinh doanh hay mục đích khác.