Như Đầu tư Chứng khoán đã đưa tin, phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án lao động về việc "Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động" giữa ông Nguyễn Trung Trí (nguyên đơn) và Prudential Việt Nam (bị đơn) bị hoãn hôm 6/8 do Thẩm phán bị ốm.
Ngày 20/8/2019, Tòa án nhân dân thành phố Cà Mau chính thức mở phiên tòa xét xử vụ án trên.
Tại tòa, người đại diện ủy quyền cho Prudential Việt Nam thừa nhận Công ty có ban hành hai quyết định chấm dứt lao động đối với ông Trí và không nhận xét gì về giá trị pháp lý của hai quyết định này.
Cả 2 quyết định này đều được ban hành ngày 03/5/2018, cùng số 270499/2018GXN/Pru, với cùng nội dung chấm dứt hợp đồng lao động đối ông Trí từ ngày 05/05/2018. Trong đó, một quyết định do bà Trần Lê Quế An, Giám đốc cao cấp phụ trách lương, thưởng, phúc lợi, tiền lương và phát triển ký; một bản do bà Bùi Thị Thanh Thúy, Phó tổng giám đốc nhân sự Prudential ký.
Tuy nhiên, Luật sư Bùi Quốc Tuấn – Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh- người đại diện pháp lý cho nguyên đơn cho biết, việc 2 quyết định chấm dứt hợp đồng nghỉ việc cùng số, cùng ngày, mà không căn cứ bất kỳ sự ủy quyền nào của Tổng giám đốc là trái pháp luật.
Cũng theo ông Tuấn, quyết định được ban hành ngày 03/5/2018 trong khi biên bản thỏa thuận nghỉ việc lại có sau ngày ra quyết định (ngày 04/5/2018).
Bên cạnh đó, trong biên bản thỏa thuận có nêu nguyên đơn sẽ được nghỉ việc ngày 7/6/2018, tuy nhiên Prudential Việt Nam lại thanh toán sổ bảo hiểm xã hội cho ông Trí chỉ đến hết cuối tháng 4/2018. Ngoài ra, thỏa thuận còn bất hợp lý khi cho rằng ông Trí không có quyền khởi kiện, khiếu nại, tố cáo…, là tước đi quyền của người lao động.
Về việc đại diện ủy quyền của bị đơn cho rằng, quyết định chấm dứt hợp đồng lao động là phù hợp dựa trên căn cứ kết quả thi kiểm tra mà ông Trí trong tương lai sẽ không thỏa mãn nhu cầu của Công ty, luật sư Tuấn cũng đã phản bác lập luận này.
Theo ông Tuấn, điều này trái với quy định tại Điều 38 Bộ Luật lao động năm 2012, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
Kết thúc phiên xét xử, Tòa án đã chấp nhận gần như toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Trí.
Theo đó, huỷ 2 Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động kể trên, đồng thời nhận ông Trí vào làm việc lại và khôi phục lại quyền lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp hơn 16 tháng mà Công ty đã cho ông nghỉ việc, trừ phần liên quan đến bảo hiểm xã hội và Pru share plus (Chia do tham gia cổ tức). Như vậy, sau khi trừ số tiền 364 triệu đã chuyển cho ông Trí, Prudential Việt Nam còn phải trả cho ông Trí số tiền trên 566 triệu đồng.
Theo nguồn tin riêng của phóng viên, Prudential sẽ tiếp tục kháng cáo.
Đầu tư chứng khoán sẽ tiếp tục cập nhật khi có diễn biến mới
Trong đơn khởi kiện, ông Trí yêu cầu Prudential chi trả tổng cộng số tiền 986.164.700 đồng. Trong đó, bao gồm 3 khoản chi tiết như sau: Khoản 1: Thiệt hại vật chất: (Tạm tính) + Lương từ tháng 5/2018 – cho đến ngày khởi kiện 08/2019 là: 16 tháng x 28.892.500 đồng = 462.280.000 đồng + Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm Y tế, bảo hiểm thất nghiệp của 16 tháng tổng: 21,5 % x 462.280.000 đồng = 99.390.200 đồng (Công ty phải đóng lại cho ông Trí trong suốt quá trình bị mất việc). + Lương tháng 13 của năm 2018: 28.892.500 đồng + Tiền thưởng kinh doanh 2018 (25%/ thu nhập năm) : 86.677.000 đồng Khoản 2: Thiệt hại danh dự cá nhân: 10 tháng lương x 28.892.500 đồng = 288.925.000 đồng Khoản 3: Chia do tham gia cổ tức (Pru share plus) : 20.000.000 đồng. |