Thanh toán và bán lẻ tiếp tục là lĩnh vực nhận được nhiều khoản đầu tư giá trị lớn
Thị trường Việt Nam duy trì sức hút, quỹ nội mạnh tay “xuống tiền”
Năm 2020 là một năm có nhiều thử thách, nhưng ẩn chứa nhiều cơ hội đối với đầu tư đổi mới sáng tạo, công nghệ toàn cầu và thị trường Việt Nam không phải ngoại lệ. Đây là nhận định được nêu trong Báo cáo Đổi mới sáng tạo và Đầu tư công nghệ Việt Nam 2020, do Quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures và Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp thực hiện và ra mắt hôm nay (31/5).
Thống kê cho thấy, năm 2020, tổng vốn đầu tư vào các start-up công nghệ Việt Nam đạt 451 triệu USD, giảm 48% so với năm 2019, chủ yếu do sự vắng bóng của các khoản đầu tư đáng kể đã được các công ty lớn khép lại trong năm trước. Tuy nhiên, số lượng các khoản đầu tư giảm không quá nhiều, ở mức 17%, trong đó ghi nhận 60 thương vụ vào nửa cuối năm - tương đương cùng kỳ năm trước. Sau giai đoạn sụt giảm mạnh vào quý I, hoạt động đầu tư mạo hiểm bắt đầu hồi phục từ quý II trở đi.
Thanh toán và bán lẻ tiếp tục là lĩnh vực nhận được nhiều nhất những khoản đầu tư giá trị lớn nhờ vai trò chủ chốt trong sự phát triển của nền kinh tế Internet. Một số ngành như HRTech (công nghệ nhân sự), PropTech (công nghệ bất động sản) tiếp tục thu hút vốn đầu tư, trong khi các ngành như EdTech (công nghệ giáo dục), MedTech (công nghệ y tế) và SaaS (phần mềm dạng dịch vụ) đang tăng dần lên do sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng và các doanh nghiệp trong thời Covid-19.
Do Ventures nhận định, trong bối cảnh khó khăn chung của các nền kinh tế toàn cầu bởi đại dịch, số lượng nhà đầu tư nước ngoài giảm nhẹ trong năm 2020, nhưng Việt Nam vẫn là điểm đến thu hút các nhà đầu tư. Hoạt động mạnh mẽ nhất đến từ các nhà đầu tư trong nước và các nhà đầu tư Hàn Quốc và Singapore, trong khi số lượng các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản giảm đáng kể.
Hơn một nửa trong tổng số lượng thương vụ đầu tư vào start-up công nghệ Việt Nam được thực hiện bởi các quỹ đầu tư nội địa. “Đây là chỉ dấu cho thấy vai trò quan trọng của các nhà đầu tư trong nước trong việc hỗ trợ start-up giai đoạn đầu tiếp tục tiến xa hơn trong giai đoạn nhiều thử thách như hiện nay”, Báo cáo Đổi mới sáng tạo và Đầu tư công nghệ Việt Nam 2020 nêu rõ.
Về phía các start-up, nhóm nghiên cứu nhận định, khủng hoảng luôn là chất xúc tác mạnh mẽ để các mô hình kinh doanh đột phá xuất hiện và các nhà sáng lập tại Việt Nam đã tận dụng mọi nguồn lực có thể để trụ vững và tiếp tục phát triển.
Cần môi trường pháp lý tốt hơn nữa cho đổi mới sáng tạo
Những năm gần đây, đổi mới sáng tạo được coi là yếu tố quan trọng trong việc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tháng 1/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030, với những mục tiêu rõ ràng nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng này. Đây là dấu mốc quan trọng trong nỗ lực của Chính phủ nhằm tạo ra môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài.
Với những nỗ lực từ phía Chính phủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số và tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, start-up Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để bứt phá khi hoạt động đầu tư dần phục hồi
Bà Lê Hoàng Uyên Vy, Giám đốc điều hành Do Ventures
Đặc biệt, Chính phủ đang có những bước đi quyết liệt trong phát triển nền kinh tế số khi bước đầu triển khai khung pháp lý thử nghiệm (sandbox) cho các ngành nghề mới như công nghệ, tài chính (fintech).
Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, các chính sách, thể chế cho đổi mới sáng tạo không chỉ liên quan đến khoa học công nghệ, mà liên quan đến cả các lĩnh vực của kinh tế vĩ mô và toàn bộ môi trường xã hội thúc đẩy cho đổi mới sáng tạo.
Mặc dù Báo cáo Đổi mới sáng tạo và Đầu tư công nghệ Việt Nam 2020 ghi nhận những nỗ lực từ Chính phủ Việt Nam nhằm kiến tạo một môi trường thuận lợi nhất, nơi các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và nhà đầu tư có thể hợp lực tạo nên những đóng góp đáng kể cho nền kinh tế, nhưng trao đổi tại một buổi làm việc gần đây giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC cho rằng, đổi mới sáng tạo đòi hỏi cơ chế mới vượt qua các quy định hiện nay, liên quan đến các cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp, hay thủ tục thành lập các quỹ mạo hiểm…
Theo ông Huy, các nghị định hiện nay mới chỉ giải quyết được một phần. Muốn có cơ chế ưu đãi riêng cho đổi mới sáng tạo, phải chăng cần xây dựng luật riêng cho đổi mới sáng tạo. “Với vai trò là cơ quan hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, NIC đang nghiên cứu và đề xuất xây dựng môi trường pháp lý cho đổi mới sáng tạo Việt Nam và các chương trình, chính sách đặc thù, cơ chế thử nghiệm hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo”, ông Huy cho hay.
Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, cần lưu ý rằng, việc xây dựng chính sách theo cách tiếp cận hệ thống đổi mới sáng tạo luôn nhấn mạnh đến việc đồng tiến hóa giữa các yếu tố cấu thành hệ thống đổi mới sáng tạo. Tức là, các chính sách cần phải có sự phối hợp uyển chuyển, không được cứng nhắc, nhằm tạo ra hiệu ứng cộng hưởng thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo thay vì triệt tiêu, cản trở lẫn nhau.