Hút vốn ngoại, thận trọng hơn bởi những cuộc chia ly

Hút vốn ngoại, thận trọng hơn bởi những cuộc chia ly

(ĐTCK) Sau một số cuộc “chia tay” thời gian qua, các ngân hàng càng thận trọng hơn trong việc tìm đối tác ngoại.

Kế hoạch tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài của nhiều nhà băng được lên từ vài năm qua, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành, do không dễ dàng tìm được sự phù hợp về định hướng chiến lược, tầm nhìn của cả hai bên.

Chẳng hạn, với trường hợp của DongA Bank, sau khi hợp tác bất thành với Citibank trước thời kỳ khủng hoảng kinh tế xảy ra vào năm 2008, đến nay nhà băng này vẫn chưa thực hiện việc bán cổ phần cho cổ đông nước ngoài.

Lãnh đạo DongA Bank cho biết, Ngân hàng sẽ chủ động tìm kiếm đối tác phù hợp, nhưng không vội vã. Sự phù hợp về định hướng chiến lược, tầm nhìn giữa các bên hợp tác là điều kiện tiên quyết mà Ngân hàng sẽ cân đo một cách kỹ lưỡng.

“Chúng tôi tìm kiếm những cơ hội để lớn nhanh hơn. Tuy nhiên, nếu không tìm thấy đối tác phù hợp, Ngân hàng vẫn phát triển tốt với kế hoạch của riêng mình”, lãnh đạo DongA Bank nói và cho hay, hiện đã có một số đối tác ngân hàng trong và ngoài nước quan tâm đến việc hợp tác chiến lược với DongA Bank để cùng nhau phát triển. DongABank đang cân nhắc về khả năng tận dụng thời cơ này để phát triển hơn nữa nội lực của Ngân hàng theo định hướng đã đề ra. Hiện DongA Bank đã chọn được nhà tư vấn đối tác chiến lược nước ngoài. Còn đối tác chiến lược nhắm đến DongA Bank chính là mảng khách hàng cá nhân.

Ông Võ Tấn Hoàng Văn, quyền Tổng giám đốc SCB chia sẻ, quan điểm của SCB là phải đảm bảo được quyền lợi của các cổ đông hiện hữu khi gọi vốn từ đối tác chiến lược nước ngoài. Công sức của các cổ đông SCB bỏ ra không ít trong quá trình tái cơ cấu Ngân hàng 2 năm qua. Do đó, nếu bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài trong giai đoạn hiện nay với giá thấp sẽ gây thiệt kép cho các cổ đông hiện hữu.

“SCB sẽ mở cửa trong việc gọi vốn từ đối tác chiến lược nước ngoài, nhưng trước hết là tiến hành hợp tác chiến lược, sau đó đến một giai đoạn bình ổn thì mới tính đến việc bán cổ phần, để tránh tình trạng hợp rồi tan”, ông Văn nói.

Hút vốn ngoại, thận trọng hơn bởi những cuộc chia ly ảnh 1

HDBank đang trong giai đoạn đàm phán bán cổ phần với các đối tác đến từ Nhật Bản, châu Âu và Mỹ

Tuy nhiên, ông Văn cho rằng, việc hợp tan của cổ đông ngoại với một số ngân hàng trong nước sau một thời gian hợp tác là chuyện bình thường. Bởi nếu một lúc nào đó, giữa hai bên không còn tìm được tiếng nói chung thì không lý do gì phải cố níu kéo, mà cần sớm giải quyết, chứ kéo dài chưa hẳn đã mang lại kết quả tốt.

Cũng theo ông Văn, trong năm 2014, SCB tiếp tục lên kế hoạch tăng thêm vốn điều lệ, dự kiến tăng thêm 2.000 - 3.000 tỷ đồng so với hiện nay (12.300 tỷ đồng). Do đó, kế hoạch gọi thêm vốn từ cổ đông chiến lược nước ngoài sẽ được xây dựng sớm, nhất là khi tỷ lệ nợ xấu của SCB đã được kéo xuống dưới mức an toàn 3%, sau khi Ngân hàng bán 5.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC trong 2 tháng vừa qua. Tăng vốn sẽ giúp SCB nâng cao năng lực tài chính và có thể đẩy mạnh được quá trình tái cơ cấu.

Đối với Sacombank, kế hoạch bán 20% cổ phần cho đối tác ngoại đã lên từ 2 năm trước, nhưng đến nay chưa hoàn tất, vì chưa tìm được đối tác phù hợp. Sacombank cho biết, Ngân hàng đang trong quá trình đàm phán và dự kiến sẽ bán cổ phần vào đầu năm 2014.

Tại HDBank, kế hoạch bán cổ phần cho cổ đông chiến lược nước ngoài đã được Ngân hàng xây dựng từ trước khi mua lại DaiA Bank và Công ty tài chính SGVF. Đến nay, việc sáp nhập DaiA Bank và SGVF vào HDBank đã hoàn tất sau gần 2 năm thực hiện. Thế nhưng, việc bán cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài của HDBank vẫn chưa kết thúc.

Bà Lê Thị Băng Tâm, Chủ tịch HĐQT HDBank cho biết, Ngân hàng đã lên kế hoạch gọi vốn từ cổ đông nước ngoài từ lâu. Chủ trương này đã được HĐQT trình xin ý kiến cổ đông tại 2 kỳ ĐHCĐ thường niên trong 2 năm qua. Tuy nhiên, đến giai đoạn này, HDBank vẫn trong giai đoạn đàm phán với các đối tác đến từ Nhật Bản, châu Âu và Mỹ. Trong số đó, HĐQT HDBank đánh giá cao các đối tác đến từ Nhật Bản. Với tỷ lệ cổ phần tối đa mà một ngân hàng thương mại trong nước được phép bán cho nhà đầu tư nước ngoài 30% hiện nay, HDBank kỳ vọng sẽ tìm được đối tác chiến lược phù hợp.

Các nhà băng cho rằng, trước khi quyết định “hôn nhân”, phải tìm hiểu kỹ đối tác để tránh tình trạng đỗ vỡ. “Sở dĩ tôi dùng từ hôn nhân hay lương duyên để ví von với các cuộc hợp tác là để lột tả một cách cụ thể hơn nội tại của một cuộc hợp tác. Khi vợ và chồng đều tranh nhau đưa ra quyết định thì chắc chắn sẽ xảy ra sự bất đồng và khó có thể đem lại thành công”, tổng giám đốc một ngân hàng nói.                    

>> Ngân hàng yếu, không phải “miếng bánh ngon”

>> CEO VPBank nói gì về việc OCBC rút vốn?  

>> Cổ đông chiến lược OCBC chia tay VPBank

>> Ngân hàng “kết” đối tác Nhật