Khái niệm về đầu tư dài hạn đã khác
Khoảng năm 2008 - 2011, mốt đầu tư dài hạn nổi lên khá mạnh mẽ trên TTCK. DN mong ngóng tìm nhà đầu tư chiến lược, còn các tổ chức đầu tư cũng háo hức trở thành cổ đông chiến luợc của DN, sẵn sàng cử người ngồi HĐQT DN để cùng DN bàn tính câu chuyện kinh doanh.
Thời kỳ đó, một nhân sự trong công ty quản lý quỹ lớn có thể ngồi HĐQT của 5 - 7 DN là bình thường. Ngoài lương được nhận từ công ty, còn có thù lao HĐQT và có cả những lợi ích/quyền lực khác khi nhân sự nắm thông tin sâu về hoạt động DN với tư cách là người Hội đồng.
Tuy nhiên, hiện nay, hình thức đầu tư song hành cùng DN như vậy đã mai một đi nhiều. Một phần vì quy định ràng buộc nghĩa vụ công bố thông tin của thành viên HĐQT, cổ đông lớn khi giao dịch, một phần vì hiệu quả thực của việc góp sức quản trị, điều hành công ty của những nhân tố mới, nắm 5%, 10%, thậm chí 30% tại DN không nhiều.
Nhiều mối “lương duyên“ không hạnh phúc giữa cổ đông chiến lược với DN đã xảy ra thời gian qua (Bibica, Hạ Long Canfooco, Sacombank...) khiến nhà đầu tư chiến lược mệt mỏi. Quan niệm về đầu tư dài hạn, vì thế cũng đã thay đổi về chất: dòng vốn lớn hoặc là đổ vào các thương vụ M&A, mua bán lớn để thâu tóm quyền sở hữu, quyền điều hành DN; hoặc là chọn đầu tư gián tiếp qua TTCK, ưu tiên các tài sản lỏng để dễ chuyển đổi.
Thăm dò của ĐTCK tại các công ty quản lý quỹ đang hiện diện tại Việt Nam cho thấy, chỉ rất ít công ty có phương thức đầu tư theo con đường riêng, nên tập trung vào một số DN cụ thể, đầu tư chiều sâu và tham gia HĐQT để cải tổ hiệu quả DN.
Chẳng hạn, Mekong Capital chọn hướng đi riêng với định hướng đầu tư vào các DN tư nhân, còn SSIAM chọn đầu tư theo chiến lược chung của công ty mẹ, nên chuyên sâu vào nhiều DN, như Bibica, Giống cây trồng Trung ương, PAN... Nhiều công ty quản lý quỹ khác như Dragon Capital, MB Capital, VCBF, Eastpring Investments... thiên về đầu tư trên TTCK, không tham gia sâu vào hoạt động quản trị, điều hành DN.
Vốn lớn chảy vào DN theo con đường M&A
Báo cáo hoạt động M&A 2013-2014 cho biết, giai đoạn này không có nhiều thương vụ lớn nổi bật, nhưng xu hướng dòng vốn lớn rót vào DN theo hình thức thâu tóm, sở hữu lớn là nét mới nổi lên của giai đoạn này.
Sau khi rót 159 triệu USD vào tháng 4/2011, đến tháng 1/2013, tập đoàn KKR tiếp tục rót 200 triệu USD cho Masan Consumer và nắm 2 ghế trong thành viên HĐQT. Đây là khoản đầu tư từ một công ty tư nhân nước ngoài lớn nhất từ trước đến nay mà một DN Việt Nam nhận được.
Nhờ tiền giải ngân của KKR, Masan Consumer thời gian qua thực hiện hàng loạt thương vụ M&A bành trướng trong ngành giải khát và thực phẩm như mua 53,2% cổ phần của VinaCafe Biên Hòa (VCF) và 40% cổ phần của Proconco (cám con cò), 63,5% cổ phần của nước khoáng Vĩnh Hảo.
Thương vụ công ty gạch Thái Lan SCG mua lại 85% cổ phần của Prime Group với giá 7,2 tỷ baht, tương đương 4.900 tỷ đồng, cuối cùng đã hoàn tất vào tháng 4/2013. Từ đây, SCG trở thành tập đoàn sản xuất gạch men lớn nhất thế giới hiện nay, và Việt Nam trở thành quốc gia thứ hai cung ứng gạch men lớn nhất cho SCG do chiếm đến 33% trong tổng công suất sản xuất 225 triệu m2 gạch của tập đoàn này.
Một thương vụ khác được thống kê là Warburg Pincus thông qua công ty con là Warburg Pincus Consortium hứa đầu tư để mua lại 20% cổ phần tại Vincom Retail tương đương 200 triệu USD. Theo Vingroup, Warburg Pincus còn cam kết sẽ đầu tư 25 triệu USD khi Vingroup niêm yết trên thị trường chứng khoán nước ngoài. Đồng thời thoả thuận giữa hai bên cũng cho phép Warburg Pincus có quyền rót thêm 100 triệu USD vào công ty con của Vingroup để phát triển hệ thống trung tâm thương mại Vincom Retail tại Việt Nam…
Các chuyên gia thuộc Diễn đàn M&A dự báo, ngành ngân hàng, bất động sản, thực phẩm, dược phẩm sẽ chứng kiến các thương vụ lớn về M&A thời gian tới. Trong ngành ngân hàng, ngoài áp lực tái cấu trúc từ Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, việc cho phép nhà đầu tư nước ngoài tăng tỷ lệ sở hữu tại các ngân hàng, thậm chí có tiền lệ được sở hữu chi phối (như tại SCB) cho thấy sự thuận lợi về chính sách cho các ngân hàng đón vốn lớn từ hoạt động M&A.
Tuy nhiên, khi M&A ngày càng chiếm ưu thế là kênh thu hút các dòng vốn lớn đến và trung thành với DN, thì ý niệm đầu tư dài hạn trên TTCK cần được nhận diện một cách thực tế hơn. Trước đây, vốn dài hạn vào TTCK được hiểu là vào hỗ trợ DN cải tổ hoạt động, nâng cao hiệu quả, thì nay, vốn dài hạn vào TTCK được hiểu là vốn luân chuyển trên thị trường này, không rút ra thị trường khác.
Vốn ngoại trên TTCK Việt Nam, theo công bố mới đây của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, là 13 tỷ USD. Trên thị trường M&A, con số thống kê cho thấy, năm 2009, tổng giá trị thương vụ chỉ khoảng 1,1 tỷ USD thì năm 2012 đã lên tới 5,1 tỷ USD. Năm 2013, giá trị thương vụ M&A khoảng 4 tỷ USD, trong đó các thương vụ lớn đều có yếu tố ngoại. Thị trường M&A được đánh giá là có sức hấp dẫn lớn dần với dòng vốn ngoại, còn TTCK thì sao? Để dòng vốn lớn đến với với TTCK, đòi hỏi thị trường phải thanh khoản hơn, minh bạch hơn và có nhiều sự lựa chọn hàng hóa hấp dẫn hơn.