Samsung hiện là nhà đầu tư Hàn Quốc lớn nhất và cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Ảnh: Đ.T
Hút tỷ phú
Theo kế hoạch, ngày mai (22/6), Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol sẽ bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài 3 ngày tới Việt Nam. Tháp tùng Tổng thống là đoàn 205 doanh nghiệp Hàn Quốc thuộc nhiều lĩnh vực như phân phối, tài chính, luật, y tế, công nghệ thông tin, các lĩnh vực dịch vụ. Đáng chú ý, cùng tham gia đoàn có chủ tịch của 5 tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc, gồm Samsung Electronics, SK, Hyundai Motor, LG và Lotte.
Chi tiết chuyến thăm chưa được tiết lộ, nhưng theo thông tin từ truyền thông Hàn Quốc, phái đoàn dự kiến ký một số biên bản ghi nhớ hợp tác, khi các nhà sản xuất hàng đầu Hàn Quốc đang tìm cách đảm bảo hợp tác chuỗi cung ứng và mở rộng xuất khẩu.
Còn theo nguồn tin của Báo Đầu tư, dự kiến ngày 24/6, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc sẽ được tổ chức, quy tụ đông đảo các doanh nghiệp hai nước tới tham dự. Các lãnh đạo cấp cao hai nước cũng sẽ có mặt tại sự kiện quan trọng này.
Chưa nói tới các cam kết đưa ra, chỉ riêng sự xuất hiện của đoàn doanh nghiệp hùng hậu, đặc biệt là các tỷ phú hàng đầu Hàn Quốc và thế giới đã mang tới những kỳ vọng mới về việc thúc đẩy hợp tác đầu tư Việt - Hàn.
Cả 5 tập đoàn lớn của Hàn Quốc đều đã đầu tư quy mô lớn vào Việt Nam và đang chuẩn bị các kế hoạch đầu tư mở rộng. Cuối năm ngoái, Chủ tịch Samsung Jay Y. Lee đã tới Việt Nam để tham dự sự kiện khánh thành Trung tâm R&D của Samsung tại Việt Nam. Theo kế hoạch, Samsung sẽ đầu tư thêm vào Việt Nam 3,3 tỷ USD, trong đó có 2 tỷ USD đã được đầu tư vào các dự án ở Thái Nguyên và TP.HCM. Dự kiến, cuối năm nay, Samsung sẽ đưa vào sản xuất đại trà các sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn ở Nhà máy Samsung Electro-Mechanics Việt Nam tại Thái Nguyên.
Cuối năm ngoái, Chủ tịch Tập đoàn LG tiết lộ, LG sẽ đầu tư thêm 5 tỷ USD vào Việt Nam trong thời gian tới. Trong khi đó, Tập đoàn Lotte đang trong giai đoạn hoàn thiện Lotte MALL Hà Nội và xây dựng Khu phức hợp thông minh - Lotte Eco Smart Thủ Thiêm.
Đầu tháng 9 năm ngoái, khi tới Việt Nam tham dự lễ động thổ dự án này, Chủ tịch Lotte Shin Dong-bin cho biết, Lotte Eco Smart Thủ Thiêm sẽ đánh dấu “điểm khởi đầu” cho các hoạt động mở rộng đầu tư sắp tới của Tập đoàn Lotte tại Việt Nam.
SK vẫn đang trong hành trình gia tăng sự hiện diện tại Việt Nam thông qua các khoản đầu tư quy mô lớn vào Masan, Vingroup… Còn Hyundai Motor vào cuối năm ngoái cũng đã vận hành Nhà máy Hyundai Thành Công số 2 ở Ninh Bình.
Khi các tỷ phú tìm đến, cơ hội là rộng mở cho Việt Nam.
Mở cửa đón “đại bàng”
Sự hấp dẫn cần phải dựa trên các khía cạnh khác, chứ không đơn thuần là mức tiền công thấp nữa. Điều đó đòi hỏi một chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài thông minh hơn.
- Chuyên gia Đại học RMIT
Cùng thời điểm truyền thông quốc tế đưa tin về phái đoàn kinh tế có quy mô lớn nhất kể từ khi chính quyền của Tổng thống Yoon Suk Yeol được thành lập tới Pháp và Việt Nam, thì thông tin về việc Tập đoàn Intel chi hàng chục tỷ USD để đầu tư vào các nhà máy sản xuất chip tại Ba Lan, Israel, Đức cũng tràn ngập trên mặt báo.
Trong đó, riêng đầu tư tại Israel là 25 tỷ USD, tại Ba Lan là 4,6 tỷ USD. Còn tại Đức là một khoản đầu tư “khủng”, có thể lên tới 30 tỷ euro. Để thu hút được dự án khủng này, Chính phủ Đức còn đang đàm phán và sẵn sàng trợ cấp cho Intel gần 11 tỷ USD, tăng đáng kể so với ngân khoản hơn 7 tỷ USD được cam kết trước đó.
Điều đó có nghĩa, cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn…, ngày càng gay gắt. Intel sau khi đầu tư gần 1,5 tỷ USD vào Việt Nam cũng đang lên kế hoạch đầu tư tiếp một dự án quy mô lớn, có thể lên tới 2-3 tỷ USD. Khi đề xuất dự án này, Intel cũng đã từng đề nghị các khoản hỗ trợ bằng tài chính từ phía Chính phủ Việt Nam. Mọi chuyện chưa ngã ngũ, song các động thái đáng chú ý của Intel trên toàn cầu cho thấy, cuộc đua tranh để giành các khoản đầu tư tỷ USD của các tỷ phú toàn cầu ngày càng không đơn giản.
Chưa nói tới các thị trường toàn cầu, mà mọi sự so sánh đều có thể là khập khiễng, ngay cả trong khu vực, Việt Nam cũng đang phải cạnh tranh với Ấn Độ, Indonesia, Malaysia… Các quốc gia này cũng đang có nhiều chính sách hấp dẫn để thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là các tập đoàn đa quốc gia.
Ấn Độ là ví dụ điển hình. Ba năm trước, Ấn Độ đã thực thi chính sách hỗ trợ các nhà sản xuất điện tử quy mô lớn, thậm chí sẵn sàng hỗ trợ bằng tiền mặt cho mỗi sản phẩm điện thoại thông minh được sản xuất ra. Các khoản đầu tư lên tới 1.500 tỷ USD để phát triển hạ tầng cũng đã được công bố. Cùng với đó, là một quỹ đất sạch quy mô lớn được chuẩn bị sẵn.
Trong số các nhà đầu tư Hàn Quốc, Samsung cũng đã đầu tư lớn tại Ấn Độ. Con số được cho là có thể lên tới hàng chục tỷ USD.
Trong khi đó, Indonesia cũng đang nổi lên là điểm đến đầu tư hấp dẫn hàng đầu. Năm ngoái, quốc gia này đã thu hút được 45,6 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, cao nhất từ trước đến nay. Nhưng quý I năm nay, tình hình còn khả quan hơn, khi con số đạt được là 11,96 tỷ USD, tăng 43,3% so với quý trước đó.
Rõ ràng, không phải ngẫu nhiên mà cả Ấn Độ, Indonesia đạt được những thành tựu lớn như vậy trong thu hútc. Trong báo cáo công bố mới đây, ông Michael Kokalari, Kinh tế trưởng của VinaCapital cho rằng, Ấn Độ chưa phải là “mối đe dọa” đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, bởi các nhà đầu tư vào Ấn Độ chủ yếu là để sản xuất các sản phẩm dành cho người tiêu dùng tại thị trường nội địa và điều này rất khác so với mục đích đầu tư vào Việt Nam, là sản xuất để xuất khẩu.
Tương tự, đầu tư vào Indonesia hay Malaysia chủ yếu là trong các lĩnh vực khác với Việt Nam. Song rõ ràng, cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài đang vô cùng lớn, nhất là khi nhiều quốc gia sẵn sàng chi các khoản hỗ trợ tài chính quy mô lớn để đón được “đại bàng”.
Lâu nay, Việt Nam vẫn có lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài nhờ môi trường đầu tư thuận lợi, nhiều chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn và cả nhân công giá rẻ. Nhưng khi thuế tối thiểu toàn cầu được thực thi kể từ đầu năm 2024 ở một số quốc gia, thì Việt Nam có thể sẽ mất đi sức hấp dẫn về ưu đãi thuế. Điều này đã được khẳng định thông qua các cuộc thảo luận về thực thi thuế tối thiểu toàn cầu.
Trong khi đó, liên quan đến lao động giá rẻ, trong một hội thảo gần đây về vấn đề này, các chuyên gia của Đại học RMIT cho rằng, thu hút đầu tư nước ngoài đơn thuần thông qua lao động giá rẻ không phải là giải pháp cho dòng đầu tư chất lượng cao nữa.