Hụt hơi lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp điều chỉnh mục tiêu

Hụt hơi lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp điều chỉnh mục tiêu

(ĐTCK) Sau ba phần tư chặng đường, khả năng doanh nghiệp có về đích chỉ tiêu kinh doanh năm hay không đã khá rõ ràng. Nhiều doanh nghiệp đi lùi về lợi nhuận đã phải điều chỉnh giảm mục tiêu.

Khối chứng khoán: Không chỉ có Everest?

Với khối công ty chứng khoán, ngay từ quý II đã có dự báo về khả năng khó hoàn thành kế hoạch kinh doanh đề ra.

Bởi đa phần các công ty đều xây dựng kế hoạch kinh doanh năm nay dựa trên giả định giá trị giao dịch bình quân toàn thị trường từ 6.000 tỷ đồng/phiên trở lên, trong khi thực tế trong nửa đầu năm nay chỉ ở mức 4.000 - 4.500 tỷ đồng/phiên.

Bên cạnh đó, việc bỏ quy định về mức sàn phí giao dịch 0,15% (trên giá trị giao dịch) kéo theo nhiều công ty mạnh về vốn, đặc biệt công ty chứng khoán có vốn ngoại hoặc có ngân hàng hỗ trợ, để cạnh tranh đều đưa ra các chương trình miễn phí giao dịch trong khoảng thời gian dài.

Điều này khiến cuộc cạnh tranh về thị phần môi giới khốc liệt hơn, hệ quả tất yếu là các công ty chứng khoán nhóm dưới bị ảnh hưởng nặng nề.

Alpha là công ty chứng khoán đầu tiên báo lỗ trong 9 tháng, với số lỗ 2,88 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2018 lỗ 0,6 tỷ đồng).

Doanh thu 9 tháng của Công ty chỉ đạt 2,6 tỷ đồng; trong đó, doanh thu hoạt động môi giới giảm mạnh 58%, chỉ còn 1,66 tỷ đồng. Doanh thu các mảng khác cũng giảm mạnh, nhưng con số tuyệt đối không đáng kể.

Tại Chứng khoán Everest, dù doanh thu 9 tháng tăng trưởng nhẹ 3,3%, đạt 140,3 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm khoảng 59%, đạt gần 21 tỷ đồng. Với kết quả này, Công ty mới hoàn thành khoảng 35% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Tính riêng quý III, Công ty đạt 57,4 tỷ đồng doanh thu, tăng 15% so với cùng kỳ 2018; lợi nhuận sau thuế đạt 14,4 tỷ đồng, giảm đến 34,5% so với cùng kỳ. Sự đi xuống về hiệu quả kinh doanh của Công ty không chỉ xuất phát từ sự sụt giảm của thanh khoản thị trường, mà còn vì chi phí hoạt động của hai chi nhánh mới và chi phí nguồn vốn tăng cao. 

Chưa công bố kết quả kinh doanh quý III, nhưng với việc chỉ hoàn thành 28% kế hoạch lợi nhuận năm sau hai quý, Hội đồng quản trị Công ty đã có Nghị quyết về việc xin điều chỉnh giảm kế hoạch kinh doanh năm 2019.

Cụ thể, mục tiêu lãi trước thuế và sau thuế lần lượt là 150 tỷ đồng và 120 tỷ đồng, giảm 45% so với con số trước điều chỉnh.

Từ nay đến cuối tháng 10, khi các công ty lần lượt công bố báo cáo tài chính quý III, dự báo trong khối công ty chứng khoán sẽ còn nhiều công ty hé lộ kết quả kinh doanh kém tích cực. Khả năng điều chỉnh kế hoạch kinh doanh có thể còn diễn ra, không chỉ ở công ty chứng khoán quy mô nhỏ.

Khối bất động sản, “gọi tên” FDC

Trong lĩnh vực bất động sản, nếu nhìn con số kế hoạch của các doanh nghiệp trong ngành đưa ra hồi đầu năm, kết quả kinh doanh vẫn đảm bảo ổn định và tăng trưởng so với năm trước nhờ chuyển nhượng dự án, hoặc các dự án đến giai đoạn hoàn thành bàn giao.

Tuy nhiên, việc nhiều dự án tại TP.HCM bị rà soát lại về tính pháp lý khiến kế hoạch triển khai dự án mới bị dừng lại sẽ là vấn đề đáng ngại với nhiều chủ đầu tư, nếu không tìm ra hướng đi mới.

Hiện tại, mới chỉ có một trường hợp là CTCP Ngoại thương và phát triển đầu tư TP.HCM (FDC) ra Nghị quyết Hội đồng quản trị về việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2019, với chỉ tiêu doanh thu hợp nhất từ 966 tỷ đồng về 349 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế từ 377 tỷ đồng về 69 tỷ đồng; tương ứng giảm 64% và 81,6%.

Theo đó, cổ tức dự kiến 50% ban đầu cũng được điều chỉnh về phương án không chia cổ tức năm 2019.

Dự án Cần Giờ dù đã hoàn thiện về mặt pháp lý, có văn bản thống nhất cho phép FDC tiếp tục triển khai từ các sở ban ngành liên quan, đồng thời Sở Tài nguyên Môi trường đã có văn bản đề nghị Ủy ban Nhân dân (UBND) TP.HCM cho phép Công ty tiếp tục thực hiện.

Tuy nhiên, ngày 5/9/2019, UBND Thành phố vẫn đề nghị Sở Tài nguyên Môi trường rà soát lại.

Trong khi đó, căn cứ chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh hợp nhất và kế hoạch kinh doanh riêng của Công ty mẹ năm 2019 đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua, doanh thu dự kiến thu về từ việc tiêu thụ một phần sản phẩm bất động sản của dự án Cần Giờ là hơn 638 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế dự kiến là gần 451 tỷ đồng.

Do vướng mắc về pháp lý, chính quyền Thành phố chậm giải quyết thủ tục nên nhiều khả năng Công ty không thể triển khai dự án kịp tiến độ để ghi nhận doanh thu và lợi nhuận trong năm 2019. Việc chậm trễ này ảnh hưởng lớn đến khả năng thực hiện kế hoạch kinh doanh và kế hoạch phân phối lợi nhuận 2019 đã được thông qua.

Việc FDC điều chỉnh giảm mạnh kế hoạch kinh doanh chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến doanh thu, lợi nhuận của CTCP Phát triển nhà Thủ Đức (TDH). Bởi lẽ, FDC đang được hạch toán là công ty con của TDH. Tại thời điểm 30/6/2019, TDH đang sở hữu 43% vốn FDC.

… Và nhiều doanh nghiệp khác

Đầu tháng 10 vừa qua, CTCP Cơ khí và khoáng sản Hà Giang (HGM) cũng có tờ trình xin giảm kế hoạch kinh doanh. Cụ thể, luỹ kế 6 tháng đầu năm 2019, HGM đạt doanh thu 44 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 8 tỷ đồng, giảm tương ứng 23,4% và 59,4% so với cùng kỳ.

Nguyên nhân là giá bán sản phẩm sụt giảm mạnh và ảnh hưởng giá bán kim loại của thị trường thế giới; đồng thời, chi phí quản lý và các chi phí khác trong kỳ tăng nhẹ. So với kế hoạch đề ra, HGM mới hoàn thành được 35% kế hoạch doanh thu và 18% kế hoạch lợi nhuận trước thuế.

Theo đó, Hội đồng quản trị HGM xin ý kiến cổ đông về việc điều chỉnh giảm chỉ tiêu doanh thu từ 125 tỷ đồng xuống 89 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế (chưa tính đến trích lập dự phòng tài chính) giảm mạnh từ 45 tỷ đồng, còn 18 tỷ đồng, tương ứng giảm 60%.

Một số doanh nghiệp khác cũng chính thức điều chỉnh kế hoạch như Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VietnamAirlines) giảm chỉ tiêu doanh thu hợp nhất còn 104.593 tỷ đồng (tương ứng giảm 7.136 tỷ đồng so với kế hoạch ban đầu). Dù vậy, Vietnam Airlines giữ nguyên chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 2.680 tỷ đồng.

Tương tự, CTCP Traphaco điều chỉnh giảm 14,3% chỉ tiêu doanh thu hợp nhất so với ban đầu, từ 2.160 tỷ đồng xuống 1.850 tỷ đồng. Kế hoạch lợi nhuận sau thuế hợp nhất giảm 17%, từ 205 tỷ đồng xuống 170 tỷ đồng.

Mới đây, Hội đồng quản trị CTCP Pin Hà Nội điều chỉnh giảm 7% doanh thu so với kế hoạch ban đầu, về 350 tỷ đồng.

Trong ngành cao su, bức tranh kinh doanh diễn ra khá trái chiều. CTCP Cao su Thống Nhất ghi nhận doanh thu 9 tháng là 76 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế 38,5 tỷ đồng, tăng 51% và vượt 57% kế hoạch năm.

Trong quý IV, Công ty đặt mục tiêu thực hiện thêm 30 tỷ đồng doanh thu và 1,8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Trong khi đó, CTCP Đầu tư Cao su Đắk Lắk (DRI) vừa báo cáo doanh thu 9 tháng gần 358 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế gần 21 tỷ đồng, giảm 3% và 35% so với cùng kỳ năm trước.

Với kết quả này, DRI mới hoàn thành 61% kế hoạch doanh thu và 42% kế hoạch lợi nhuận đề ra cả năm. Nếu không có gì đột biến, khả năng năm nay DRI khó hoàn thành kế hoạch.

Thị trường đang chờ đợi thông tin kết quả kinh doanh quý III của khối công ty niêm yết. Với những tín hiệu ban đầu, có thể dự báo tới đây, sự phân hóa của các cổ phiếu trên thị trường sẽ còn diễn ra mạnh mẽ.

Tin bài liên quan