"Hụt hẫng" với chứng khoán năm 2023 dù kỳ vọng vẫn còn ở quý IV

"Hụt hẫng" với chứng khoán năm 2023 dù kỳ vọng vẫn còn ở quý IV

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường chứng khoán đang bước những bước cuối cùng của quãng đường năm 2023. TS. Hồ Sỹ Hoà, Giám đốc Nghiên cứu và Tư vấn đầu tư, CTCP Chứng khoán DNSE có những bình luận về thị trường năm 2023 và dự báo cho năm 2024. Bình Minh thực hiện.

Nhìn vào bức tranh tổng thể, theo ông, đâu là những nét chính của thị trường năm 2023?

Chúng ta đã chứng kiến giai đoạn thị trường tăng trưởng rất tích cực từ đầu năm 2023 đến đầu tháng 9. Đỉnh điểm, có thời điểm VN-Index hưng phấn tăng trưởng đến 23,7% so với đầu năm. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường chứng khoán trong giai đoạn này hưởng lợi từ chính sách tiền tệ nới lỏng của Ngân hàng Nhà nước, với 4 lần cắt giảm lãi suất nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, thị trường đã đảo chiều từ đầu tháng 9 đến nay, đánh mất hơn 200 điểm chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng. Mọi thành quả của giai đoạn trước đó gần như tiêu tan sau đợt sụt giảm này, do áp lực đến từ thị trường quốc tế.

Cụ thể, chỉ số DXY (đo lường sức mạnh đồng USD) tăng mạnh hơn 7,2% (từ giữa tháng 7 đến đầu tháng 10/2023), dẫn đến Ngân hàng Nhà nước phải rút một lượng lớn tiền về hệ thống thông qua kênh tín phiếu. Điều này đã ảnh hưởng mạnh đến tâm lý của nhà đầu tư dù các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế vẫn rất tích cực (tăng trưởng kinh tế quý III đạt 5,3%, thuộc top các quốc gia có tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới, số liệu vốn giải ngân và đăng ký FDI vẫn duy trì tích cực, lạm phát được kiểm soát trung bình 10 tháng dưới 4%, mặt bằng lãi suất thấp).

Hiện tại, chỉ số VN-Index gần như chỉ tăng nhẹ so với mốc đầu năm.

Năm 2023 mang đến thật nhiều cảm xúc "lên bổng, xuống trầm" với các nhà đầu tư. Ảnh: Shuttersstock.

Năm 2023 mang đến thật nhiều cảm xúc "lên bổng, xuống trầm" với các nhà đầu tư. Ảnh: Shuttersstock.

Nếu chọn một từ khóa cho thị trường chứng khoán trong năm 2023, tôi sẽ chọn từ “Hụt hẫng”.

Về diễn biến thị trường, ông ấn tượng nhất với điều gì?

Thị trường trải qua gần hết năm 2023 với rất nhiều điểm nhấn. Tháng 3, chúng ta chứng kiến lượng tài khoản chứng khoán vượt mốc 7 triệu tài khoản. Đến tháng 8, giao dịch trên thị trường diễn ra rất sôi động khi thanh khoản giao dịch trên HOSE lần đầu vượt mốc 20 nghìn tỷ sau hơn 1 năm, VN-Index tăng hơn 23%. Cũng trong tháng 8, đánh dấu một doanh nghiệp Việt Nam, Vinfast lần đầu tiên niêm yết trên thị trường chứng khoán quốc tế Nasdaq, vươn tầm ảnh hưởng lên phạm vi toàn cầu sau nhiều năm nỗ lực.

Nhưng điều tôi ấn tượng hơn cả đó chính là độ nhạy của thị trường với chính sách tiền tệ trong năm nay. Thị trường “hưng phấn” tăng mạnh sau động thái cắt giảm lãi suất liên tiếp của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, thị trường cũng phản ứng tiêu cực hơn khi có động thái hút tiền từ Ngân hàng Nhà nước để ổn định tỷ giá.

Giai đoạn hiện tại, sau khi Ngân hàng Nhà nước ngừng hút tiền, thanh khoản hệ thống ngân hàng đã ổn định trở lại, diễn biến thị trường chứng khoán tiếp tục có sự hồi phục tích cực.

Thị trường "hưng phấn" khi lãi suất giảm và phản ứng tiêu cực khi Ngân hàng Nhà nước hút tiền để ổn định tỷ giá. Ảnh: Shuttersstock.

Thị trường "hưng phấn" khi lãi suất giảm và phản ứng tiêu cực khi Ngân hàng Nhà nước hút tiền để ổn định tỷ giá. Ảnh: Shuttersstock.

Những nhóm ngành có tốc độ tăng giá tốt?

Nhìn lại gần một năm qua, tính đến đỉnh của thị trường chứng khoán trong tháng 9 với đà tăng của VN-Index hơn 23%, đây cũng là một khoản thời gian rực rỡ nhất của nhiều nhóm ngành, với mức tăng mạnh mẽ so với đầu năm đặc biệt như ngành chứng khoán (120%), xây dựng dân dụng (86%), thép (60%) và cảng biển (62%)…

Có hai nguyên nhân chính giúp nhiều nhóm ngành hồi phục tích cực trong gần một năm qua.

Thứ nhất, đà sụt giảm trong 2022 quá mạnh khiến nhiều nhóm ngành “rơi” định giá về mức rất thấp trước khi hồi phục. Thời điểm đầu năm 2023, nhiều nhóm ngành có mức P/E về dưới 10 lần.

Thứ hai, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của các nhóm ngành đang có sự cải thiện dần trong các quý gần đây. Nếu như trong quý I, lợi nhuận toàn thị trường giảm gần 20% thì trong quý II và quý II, mức suy giảm lợi nhuận đã thu hẹp chỉ còn 14% và 6% so với cùng kỳ.

Trong số này, tôi ấn tượng nhất với diễn biến của nhóm chứng khoán với mức tăng lên đến hơn 80 - 120%. Đây là nhóm cổ phiếu nhạy với thị trường nhất và cũng thể hiện cho kỳ vọng của nhà đầu vào triển vọng tương lai của thị trường chứng khoán.

Mặc dù trong ngắn hạn đây là nhóm cổ phiếu dễ bị “tổn thương” khi thị trường có chuyển biến xấu, nhưng với bối cảnh vĩ mô được dự báo tích cực trong năm 2024, chúng ta kỳ vọng sẽ còn nhiều dư địa cho sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung, cũng như nhóm ngành này nói riêng.

Từ tháng 9/2023 đến nay, thị trường đảo chiều và đã "mất" hơn 200 điểm. Ảnh: Shuttersstock.

Từ tháng 9/2023 đến nay, thị trường đảo chiều và đã "mất" hơn 200 điểm. Ảnh: Shuttersstock.

Ngược lại, nhóm nào có mức độ giảm sâu nhất?

Trong một diễn biến tích cực chung của toàn thị trường so với thời điểm đầu năm, có rất ít nhóm ngành ghi nhận mức sụt giảm. Trong số một vài cái tên hiếm hoi thì nhóm hàng tiêu dùng là nhóm giảm mạnh nhất với mức giảm khoảng 11%. Diễn biến kém tích cực của nhóm này chủ yếu đến từ hai cổ phiếu là MSN (-33,9%) và VNM (-6,1%).

Mặc dù là hai ông lớn trong ngành, song cả MSN và VNM cũng không thoát khỏi ảnh hưởng từ sự yếu đi của tiêu dùng trong nước.

Ông dự báo gì về tương lai của thị trường?

Giai đoạn cuối 2023 sẽ ghi nhận sự phục hồi kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trên sàn. Trong quý III, lợi nhuận toàn thị trường giảm chỉ còn gần 6% so với mức giảm hai con số của những quý trước đó. Do vậy trong quý IV, chúng tôi kỳ vọng sẽ chứng kiến quý kinh doanh đầu tiên trở lại mức tăng trưởng dương sau 4 quý tăng trưởng âm liên tiếp.

Sự hồi phục của kết quả kinh doanh cho thấy thị trường đang đi khá sát với diễn biến nền kinh tế, khi tốc độ tăng trưởng GDP cải thiện qua từng quý. Tuy bức tranh kinh tế 2024 có nhiều điểm tích cực, song cũng có rủi ro tiềm ẩn.

Trước hết, áp lực từ thị trường quốc tế được dự báo sẽ tốt dần lên. Cụ thể, tăng trưởng GDP của Mỹ trong quý III ghi nhận mức tăng lên tới 4,9% so với quý trước - đây là quý có tốc độ tăng nhanh nhất kể từ tháng 12/2021 nhờ lực cầu tiêu dùng tích cực, các hoạt động sản xuất có dấu hiệu phục hồi.

Ngoài ra, theo dự báo của nhiều định chế tài chính, lãi suất điều hành của Fed có thể được cắt giảm bắt đầu từ giữa năm sau, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như hỗ trợ mạnh mẽ cho thị trường tài chính.

Đối với kinh tế vĩ mô trong nước, Chính phủ vẫn duy trì mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức cao 6 - 6,5%. Biến số lạm phát có lẽ sẽ tạo ra nhiều áp lực trong năm 2024 khi kế hoạch tăng giá nhiều mặt hàng do Nhà nước quản lý như giá y tế, giá điện, tiền lương dự kiến sẽ được thực hiện trong năm tới.

Tuy nhiên, với công cụ điều hành lạm phát mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước, chúng tôi vẫn kỳ vọng lạm phát sẽ được kiểm soát trong mục tiêu của Chính phủ 4 - 4,5%. Do vậy, về cơ bản kinh tế vĩ mô 2024 có nhiều điểm sáng tích cực, được kỳ vọng sẽ hỗ trợ và là bệ đỡ cho thị trường chứng khoán trong năm 2024.

Tuy nhiên, chúng ta cần phải quan sát thêm nhiều rủi ro trên thị trường quốc tế có thể ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp lên thị trường chứng khoán ví dụ như rủi ro địa chính trị gia tăng, dẫn đến giá nguyên vật liệu tăng mạnh… ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư, cũng như sự đảo chiều về chính sách tiền tệ.

Tin bài liên quan