Cần thúc đẩy các doanh nghiệp nhà nước phải 
minh bạch thông tin như doanh nghiệp niêm yết

Cần thúc đẩy các doanh nghiệp nhà nước phải minh bạch thông tin như doanh nghiệp niêm yết

Hút cổ đông chiến lược: Thiếu giải pháp tạo minh bạch và niềm tin

(ĐTCK) Để thu hút nhà đầu tư chiến lược tham gia quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, Bộ Tài chính đã đề xuất giải pháp mới lên Chính phủ. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, giải pháp đó là cần, nhưng chưa đủ.

Cổ đông chiến lược gặp… khó

Trong số 508 doanh nghiệp được cổ phần hóa giai đoạn 2011 - 2015, chỉ bán được 8% cổ phần ra đại chúng, còn 92% cổ phần vẫn do Nhà nước nắm giữ, mặc dù trong số đó rất nhiều doanh nghiệp không nằm trong danh mục Nhà nước cần nắm giữ cổ phần.

Theo Bộ Tài chính, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng “ế ẩm” của nhiều đợt IPO là do nguồn cung cổ phiếu tăng cao, nhưng cơ chế hỗ trợ cho tăng sức cầu, trọng tâm là thu hút nhà đầu tư chiến lược tham gia IPO, bộc lộ không ít bất cập.

Ông Nguyễn Duy Long, Trưởng phòng Nghiệp vụ 1, Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, Tổ trưởng Tổ biên tập dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 59/2011/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần cho biết, nhà đầu tư chiến lược mua cổ phần tại doanh nghiệp cổ phần hóa có nghĩa vụ phải cung cấp các nguồn lực theo cam kết cho doanh nghiệp, nhưng không được bán cổ phiếu trong vòng 5 năm. Điều này dẫn tới quyền lợi của các nhà đầu tư chiến lược bị hạn chế so với nghĩa vụ phải thực hiện, nên doanh nghiệp khó thu hút nhà đầu tư chiến lược khi IPO.

Một bất cập khác là việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược có thể thực hiện thỏa thuận trước cuộc đấu giá công khai ra công chúng, với tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược do Ban chỉ đạo cổ phần hóa trình cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án cổ phần hóa phê duyệt, chưa đảm bảo tính công khai, minh bạch, dễ dẫn đến thất thoát vốn nhà nước.

Những bất cập trên chưa được tháo gỡ, nên tiến trình cổ phần hóa khó có thể đẩy nhanh và tỷ lệ cổ phần đưa ra chào bán trong các đợt IPO từ đầu năm 2017 đến nay tiếp tục rơi vào tình cảnh “ế ẩm”. Số liệu từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho thấy, trong 2 tháng đầu năm nay, có 5 doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa thực hiện IPO qua 2 Sở giao dịch chứng khoán và tỷ lệ cổ phần bán được chỉ đạt 40% (tương đương hơn 91 tỷ đồng).

Nguy cơ “ế” cổ phần trong các đợt IPO có thể sẽ còn tiếp diễn nếu thiếu đi các giải pháp mới. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp sẽ tiến hành cổ phần hóa theo Quyết định 58/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước và danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 - 2020. Trong 137 doanh nghiệp thuộc diện này có Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (dự kiến tháng 7/2017 sẽ IPO), Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam…

Giải pháp mới nhưng chưa đủ

“Để khắc phục bất cập nhà đầu tư chiến lược không được bán cổ phiếu trong vòng 5 năm sau IPO, tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 59/2011/NĐ-CP mà Bộ Tài chính đã trình Chính phủ xem xét ban hành có điều chỉnh quy định về bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược.

Theo đó, thời gian hạn chế chuyển nhượng cổ phần của nhà đầu tư chiến lược giảm xuống còn 3 năm để phù hợp với quy định tại Khoản 3 và Khoản 4, Điều 119, Luật Doanh nghiệp (xác định như cổ đông sáng lập - PV)”, ông Long nói.

Ngoài ra, để đảm bảo tính công khai, minh bạch, tránh thất thoát vốn nhà nước, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ điều chỉnh việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược thực hiện sau cuộc bán đấu giá công khai theo hướng bỏ hình thức bán thỏa thuận trước.

Theo ông Long, trong các bản dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 59/2011/NĐ-CP trước đó, cơ quan soạn thảo đề xuất quy định, nhà đầu tư chiến lược phải có cùng ngành hoạt động với ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp IPO, để hỗ trợ doanh nghiệp về công nghệ, thị trường, khách hàng... Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, quy định này sẽ làm giảm đáng kể cơ hội tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược của doanh nghiệp, nên cần điều chỉnh cho phù hợp.

Tiếp thu ý kiến này, tiêu chí nhà đầu tư chiến lược có cùng ngành nghề hoạt động của doanh nghiệp IPO đã không được đưa vào dự thảo Nghị định khi Bộ Tài chính trình Chính phủ. Thay vào đó là tiêu chuẩn nhà đầu tư chiến lược phải có kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh 2 năm gần nhất tính đến thời điểm đăng ký mua cổ phần phải có lãi và không có lỗ lũy kế...

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán về các giải pháp mới nêu trên, một số chuyên gia cho rằng, các giải pháp đó là cần, nhưng chưa đủ, bởi tình trạng kém minh bạch thông tin của doanh nghiệp nhà nước trước khi IPO chưa có nhiều cải thiện.

Mặt khác, thu hút được nhà đầu tư chiến lược rồi, nhưng “ăn ở” thế nào với họ là điều nhà đầu tư chiến lược rất quan tâm trong bối cảnh không ít doanh nghiệp hậu cổ phần hóa vẫn còn biểu hiện bưng bít thông tin. Cách quản trị cũng thiếu chuyên nghiệp khi nhân sự trong hội đồng quản trị đồng thời có chân trong ban giám đốc, dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, gây nên những quan ngại xung đột lợi ích, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các cổ đông.

Theo quan điểm của Công ty TNHH Tư vấn Capital Partners Vietnam, nới điều kiện cho nhà đầu tư chiến lược, nhất là nhà đầu tư nước ngoài có thêm cơ hội tham gia các đợt IPO là cần, nhưng những dự kiến hiện nay của Bộ Tài chính là chưa đủ. Qua tiếp xúc với nhà đầu tư nước ngoài, Capital Partners Vietnam nhận thấy, điều họ quan ngại là việc công bố thông tin của các doanh nghiệp nhà nước cho đến trước thời điểm IPO thiếu minh bạch.

Thực tế này cũng thể hiện rõ nét qua con số mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố gần đây, đó là chỉ có 38,87% số doanh nghiệp gửi báo cáo đến Bộ để thực hiện công bố thông tin theo quy định tại Nghị định 81/2015/NĐ-CP về công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước. Có thể nói, mục tiêu để doanh nghiệp nhà nước minh bạch thông tin như doanh nghiệp niêm yết còn xa mới đạt được, nên trước mắt vẫn khó thu hút cổ đông chiến lược.

Không chỉ kém minh bạch thông tin, trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp nhà nước cũng rất kém. Trước IPO, nhà đầu tư gần như không có cơ hội tiếp xúc, trao đổi với ban lãnh đạo doanh nghiệp. Trong khi đó, nhà đầu tư chiến lược thường có ý định đầu tư lớn, lâu dài và gắn bó với doanh nghiệp, nên họ cần hiểu sâu sắc về thế mạnh, điểm yếu của doanh nghiệp trong nhiều năm trước khi đưa ra quyết định đầu tư.

“Các cấp quản lý cần thúc đẩy các doanh nghiệp nhà nước phải minh bạch thông tin như doanh nghiệp niêm yết. Bên cạnh đó, cần có chế tài nghiêm khắc đối với những doanh nghiệp cũng như ban lãnh đạo doanh nghiệp không tuân thủ quy định về minh bạch thông tin”, lãnh đạo Capital Partners Vietnam nói.

“Mở điều kiện chưa đủ, quan trọng là cần gieo và giữ niềm tin với nhà đầu tư chiến lược”

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI)

Việc Bộ Tài chính đề xuất các giải pháp mới lên Chính phủ để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thu hút nhà đầu tư chiến lược là bước đi cần thiết. Điều này không chỉ mở ra khả năng thành công cao cho các đợt IPO nhờ sức mua thường lớn từ các nhà đầu tư chiến lược, mà quan trọng hơn là triển vọng đổi mới quản trị doanh nghiệp hậu cổ phần hóa.

Tuy nhiên, như vậy là chưa đủ, bởi điều quan trọng với nhà đầu tư là họ cần ban lãnh đạo nghiệp “trước sau như một” trong trọng thị nhà đầu tư chiến lược, kể từ khi bắt đầu bỏ vốn mua cổ phần và trong suốt quá trình họ ở lại với doanh nghiệp. Họ rất sợ đối mặt với tình trạng khi muốn thu hút nhà đầu tư chiến lược thì doanh nghiệp vồn vã, trọng thị, nhưng khi có được cổ đông chiến lược, doanh nghiệp lại đối xử tệ bạc, thậm chí vi phạm các quy định về quyền lợi mà doanh nghiệp phải đáp ứng như đã hứa với các cổ đông.

Nhà đầu tư chiến lược thường bỏ ra lượng vốn lớn để mua cổ phần với kỳ vọng có chân trong hội đồng quản trị nhằm định hướng hoạt động kinh doanh và kiểm soát đồng vốn đầu tư vào doanh nghiệp. Do đó, các nếu các nguyên tắc quản trị hiện đại không được doanh nghiệp tự giác tuân thủ, dẫn đến vi phạm quyền và lợi ích của cổ đông chiến lược thì sẽ khó thu hút đối tượng nhà đầu tư này.

Tin bài liên quan