Hướng tới một nền tài chính xanh

Hướng tới một nền tài chính xanh

(ĐTCK) Tài chính xanh đã và đang nổi lên như một giải pháp quan trọng để góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn tới năm 2050. Tuy nhiên, việc triển khai tài chính xanh tại Việt Nam hiện mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu.

Ngân hàng xanh

Trong những năm gần đây, một số ngân hàng thương mại trong nước và nước ngoài hoạt đông tại thị trường Việt Nam đã nỗ lực đưa các yếu tố môi trường và tác động xã hội vào trong quy trình ra quyết định tín dụng của mình. Bằng cách này, các ngân hàng có thể quản lý hiệu quả các rủi ro liên quan đến các khoản vay cho các khách hàng/dự án thuộc các ngành sản xuất - kinh doanh có khả năng gây ô nhiễm môi trường cũng như các tác động tiêu cực khác đến cộng đồng.

Trên thế giới, các ngân hàng chia sẻ tầm nhìn này đã gia nhập Hiệp hội Nguyên tắc Xích đạo (Equator Principles) - một sân chơi với quy tắc chung là luôn tính đến các yếu tố môi trường và xã hội đối với các khoản tài trợ cho dự án và doanh nghiệp quy mô lớn. Tuy nhiên, hiện chưa có ngân hàng nào của Việt Nam tham gia vào hiệp hội này.

Cũng đã có một số ngân hàng sau khi thiết lập được một hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội hoàn chỉnh, đã định hướng phát triển một số sản phẩm tín dụng xanh như cho vay các dự án tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo và năng lượng sạch, nông nghiệp hữu cơ, công trình xanh, sản xuất sạch hơn… Bằng cách chọn lọc các khách hàng vay có trách nhiệm, cũng như ưu tiên cấp tín dụng cho các dự án, hoạt động sản xuất - kinh doanh thân thiện với môi trường, các ngân hàng đã và đang góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng xanh của nền kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) đã đầu tư nghiên cứu, tìm hiểu kinh nghiệm từ các nước đang phát triển khác, cũng như các tổ chức quốc tế trong việc xây dựng, ban hành những cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tạo ra các dịch vụ ngân hàng mang tính phát triển bền vững, quản lý rủi ro tín dụng và tạo ra các cơ hội kinh doanh mới, chuyển đổi lĩnh vực tài chính, ngân hàng theo hướng phát triển bền vững. Tháng 3/2015, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị 03 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường, xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, cũng như chương trình hành động thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh của quốc gia. Đây có thể coi là bước đi đầu tiên để tạo một sân chơi bình đẳng cho các ngân hàng hoạt động tại Việt Nam trong lĩnh vực này. 

Thị trường vốn xanh

Xây dựng các chỉ số phát triển bền vững (sustainability index - chỉ số dành riêng cho các doanh nghiệp có hiệu quả quản lý môi trường - xã hội - quản trị tốt) đang là hướng đi mới của nhiều thị trường chứng khoán tại các nước đang phát triển nhằm thu hút nguồn vốn từ các định chế đầu tư có trách nhiệm trên toàn cầu.

Quản trị doanh nghiệp và quản lý tốt các tác động về môi trường, xã hội luôn được coi là những thước đo hiệu quả của doanh nghiệp trong việc xử lý các thách thức chiến lược và vận hành. Cũng chính vì thế, các nhà đầu tư bắt đầu xem xét kỹ hơn các thông tin về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) của doanh nghiệp để dự trù các rủi ro kinh doanh, cũng như chủ động tìm kiếm những cơ hội kinh doanh mới. Việc công bố các thông tin này trong các kênh thông tin của doanh nghiệp, đặc biệt trong báo cáo thường niên sẽ hỗ trợ các nhà đầu tư trong quá trình tìm kiếm, sàng lọc này.

Kể từ năm 2012, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã phối hợp với IFC, Tổ chức Sáng kiến báo cáo toàn cầu (GRI) và hai Sở Giao dịch chứng khoán xây dựng và triển khai nhiều chương trình đào tạo nâng cao năng lực cho các công ty niêm yết về công bố các thông tin môi trường, xã hội và quản trị. Giải thưởng Báo cáo Phát triển bền vững nằm trong khuôn khổ Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên tốt nhất, gần đây nhất là quy định công bố các thông tin môi trường và xã hội trong Thông tư số 155/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành ngày 6/10/2015 về hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, đánh dấu nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc xây dựng nền tảng đầu tiên và quan trọng cho một thị trường chứng khoán xanh. Trong thời gian tới, việc xây dựng và giới thiệu đến các nhà đầu tư các sản phẩm chứng khoán xanh của các Sở Giao dịch chứng khoán sẽ dễ dàng hơn, nếu các doanh nghiệp niêm yết tuân thủ các quy định mới về công bố thông tin này.

Bên cạnh đó, sự quan tâm của giới đầu tư tài chính chuyên nghiệp đối với trái phiếu xanh cũng ngày càng lớn. Trái phiếu xanh được định nghĩa như một loại chứng khoán có thu nhập cố định nhằm thu hút vốn cho các dự án có lợi ích về môi trường; có thể được phát hành bởi Chính phủ, các ngân hàng thương mại, ngân hàng phát triển, các tổ chức tài chính quốc tế và bản thân các doanh nghiệp. Hiện nay, phần lớn trái phiếu xanh trên thị trường được phát hành bởi các tổ chức tài chính quốc tế lớn như IFC, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Âu và một số ngân hàng phát triển khu vực khác.

Theo Phó chủ tịch Jingdong Hua của IFC, trái phiếu xanh đóng vai trò quan trọng trong việc huy động nguồn vốn quốc tế cho tài trợ biến đổi khí hậu, do đó góp phần giảm khí thải nhà kính. Trong khi nguồn lực của các chính phủ không đáp ứng đủ cho việc phục hồi môi trường và đối phó với các nguy cơ về năng lượng, khan hiếm nguồn nước và lương thực thực phẩm, sự tham gia của khu vực tư nhân là vô cùng quan trọng.

Trong vài năm gần đây, các nước đang phát triển đã bắt đầu có mặt trên thị trường trái phiếu xanh, chẳng hạn Brazil, Ấn Độ, Latvia và Mexico. Dự báo, trong năm 2016, giá trị trái phiếu xanh phát hành sẽ đạt hơn 100 tỷ USD nhờ có những động thái chính sách của các chính phủ, cũng như những cam kết tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP-21) diễn ra tại Paris cuối năm 2015.

Trong khi đó, thị trường trái phiếu Việt Nam đã trải qua gần 16 năm phát triển, nhưng tăng trưởng của trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn khá chậm, quy mô mới chỉ đạt 1,3 tỷ USD. Sự lệ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã và đang khiến các doanh nghiệp Việt Nam mất đi lợi thế cạnh tranh ở chi phí sử dụng vốn và mất đi một lựa chọn nguồn vốn để đầu tư dự án trung - dài hạn.

Phó chủ tịch Jingdong Hua của IFC trong một chuyến thăm Hà Nội đã chia sẻ, để thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói chung và trái phiếu xanh nói riêng phát triển tại Việt Nam, các cơ quan quản lý cần đảm bảo các chuẩn mực của thị trường trái phiếu được duy trì để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư. Một doanh nghiệp có kế hoạch phát hành trái phiếu cần đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn như chuẩn báo cáo tài chính, chuẩn kế toán, chuẩn mực quản trị doanh nghiệp, cũng như các chuẩn mực khác. Minh bạch thông tin là điều kiện tiên quyết để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Chỉ khi nào thị trường trái phiếu Việt Nam vận hành chuyên nghiệp và hiệu quả, trở thành một kênh huy động vốn chủ chốt cho doanh nghiệp, khi đó, trái phiếu xanh mới có điều kiện để phát triển và hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển bền vững.  

Ngày 25/9/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1393/2012/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Ngày 20/3/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 403/2014/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020. Hiện đầu tư của Chính phủ cho các chương trình và dự án tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu khoảng 1 tỷ USD/năm.

Trong lĩnh vực tài chính, ngày 20/10/2015, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 2183/QĐ-BTC phê duyệt Kế hoạch hành động của ngành tài chính thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020. Theo đó, xây dựng, hoàn thiện các chính sách tài chính liên quan tới thúc đẩy thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh; rà soát, hoàn thiện chính sách phát triển thị trường vốn xanh và các sản phẩm tài chính xanh (trái phiếu xanh, các chỉ số xanh…). 

Tin bài liên quan