Ông CHRIS HOGG, Phó chủ tịch phụ trách Phát triển bền vững và Truyền thông khu vực châu Á, châu Đại Dương và châu Phi, Tập đoàn Nestlé

Ông CHRIS HOGG, Phó chủ tịch phụ trách Phát triển bền vững và Truyền thông khu vực châu Á, châu Đại Dương và châu Phi, Tập đoàn Nestlé

Hướng tới chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Để giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu ngày càng trầm trọng hơn do tác động của biến đổi khí hậu, các công ty như Nestlé đang nỗ lực nhằm tạo ra những thay đổi tích cực. Ông CHRIS HOGG, Phó chủ tịch phụ trách Phát triển bền vững và Truyền thông khu vực châu Á, châu Đại Dương và châu Phi, Tập đoàn Nestlé trao đổi về quá trình chuyển đổi sang hệ thống lương thực thực phẩm tái sinh để có thể cung cấp cho hành tinh nguồn lương thực thực phẩm với mức chi phí hợp lý và bền vững.

Trong cuộc đua ứng phó với biến đổi khí hậu, ngành nông nghiệp Việt Nam dường như đang chậm hơn các quốc gia phát triển nông nghiệp khác của khu vực trong việc đưa ra chính sách nhằm khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi sang hệ thống lương thực thực phẩm bền vững?

Tôi không nghĩ đây là một cuộc đua. Thực tế là chúng ta đang đối mặt với tình trạng khẩn cấp về biến đổi khí hậu, vì vậy mỗi quốc gia đều phải nỗ lực nhiều hơn và chuyển đổi nhanh hơn. Thách thức đối với chúng ta là quá trình này rất tốn kém và phức tạp.

Diễn ra bên lề Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 về Hệ thống lương thực - thực phẩm bền vững do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) tổ chức cuối tháng 4/2023, phiên thảo luận với chủ đề “Cụm công nghiệp hướng tới chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm bền vững của Việt Nam” hướng tới mục tiêu khuyến khích tất cả các bên hợp tác cùng nhau.

Tuy nhiên, như tôi đã chia sẻ trong phiên thảo luận, hợp tác hiệu quả giữa các bên không phải là việc dễ dàng. Bản thân chúng tôi cũng đang nỗ lực chuyển đổi và điều quan trọng là Chính phủ Việt Nam cũng đang nỗ lực để biến Việt Nam thành một trung tâm đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm. Và chúng tôi, với tư cách là một đại diện của khối tư nhân, đánh giá rất cao sự hỗ trợ và hợp tác từ Chính phủ, bởi muốn giải quyết những vấn đề rất khó khăn này, thì chúng ta cần phải hợp tác cùng nhau.

Việt Nam cần làm gì để thúc đẩy ngành nông nghiệp chuyển đổi sang hệ thống lương thực thực phẩm bền vững và trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo về lương thực thực phẩm của khu vực?

Điều quan trọng là phải đảm bảo được nông nghiệp là một ngành đủ tốt để thu hút mọi người tham gia. Khi đó, nếu được thừa hưởng trang trại của gia đình, việc bạn và gia đình sẽ tiếp tục canh tác trên mảnh đất đó là điều rất hợp lý và dễ hiểu. Vì vậy, nếu chúng ta hỗ trợ được càng nhiều trong việc cải thiện năng suất của các trang trại theo phương pháp tái sinh, nghĩa là vừa tốt cho đất, vừa tốt cho hành tinh, thì điều mà chúng ta nhận được sẽ là lợi ích kép. Bạn sẽ mang lại lợi ích cho nông dân, vì họ sẽ có một nông trại hoạt động hiệu quả và có năng suất tốt hơn.

Nhưng điều quan trọng nhất là những nỗ lực này thực sự có ích cho hành tinh của chúng ta. Chúng ta đang đối mặt với tình trạng khẩn cấp về khí hậu và tình trạng này rất nghiêm trọng. Là công ty thực phẩm lớn nhất thế giới, chúng tôi đang nỗ lực đóng góp vào sự thay đổi và chuyển dịch của ngành nông nghiệp, giúp ngành này ngày càng trở nên vững mạnh hơn, từ đó chúng ta có thể tạo sự khác biệt và ứng phó được với tình trạng khẩn cấp về biến đổi khí hậu

Nestlé kỳ vọng gì từ thông điệp của Việt Nam về việc chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm bền vững?

Nestlé đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050, nghĩa là chúng tôi muốn giảm dấu ấn carbon của mình. Một trong những cách để đạt được mục tiêu này là khuyến khích nông dân chọn lọc những kỹ thuật canh tác nông nghiệp cũ có hiệu quả kết hợp với phương pháp canh tác nông nghiệp tái sinh. Chúng tôi khuyến khích nông dân hợp tác với chúng tôi để phát triển phương pháp canh tác nông nghiệp tái sinh vừa tốt cho họ, tốt cho chúng tôi và tốt cho cả hành tinh.

Trong bối cảnh động lực và cơ cấu sản phẩm nông nghiệp đã được khai thác hết mức, các giải pháp chuyển đổi sang hệ thống lương thực thực phẩm bền vững của Nestlé tại Việt Nam sẽ đi theo hướng nào?

Có một thứ luôn thay đổi là khoa học. Trước đây, nông dân thường được nghe nói rằng, nông trại của họ sẽ có năng suất cao hơn, nếu sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón nhiều hơn. Nhưng thực tế hiện nay, với những biện pháp khoa học tiên tiến, ta có thể đưa ra những phương pháp tiếp cận phù hợp để hiểu rõ hơn về tình trạng và sức khoẻ của đất trồng.

Quan trọng là chúng ta có khoa học - thứ sẽ giúp đỡ nông dân. Nếu chúng ta khai thác và ứng dụng được khoa học vào nông nghiệp, thì nông dân có thể thu nhập cao hơn, cải thiện cuộc sống của bản thân và gia đình, cũng như giảm thiểu những tác động tiêu cực đối với môi trường và với chúng tôi đây thực sự là một hành trình thú vị.

Hiệu quả kinh tế của sản phẩm Nestlé được tính bằng doanh thu và tỷ suất lợi nhuận trên một đơn vị diện tích đất. Điều này gây áp lực lên quá trình chuyển đổi sang hệ thống thực phẩm bền vững của Nestlé tại Việt Nam như thế nào?

Với tư cách là một công ty, chúng tôi phải có trách nhiệm với các cổ đông. Nhưng kể từ khi bắt đầu hoạt động cách đây 150 năm, chúng tôi luôn hướng tới việc tạo ra những giá trị chung, nghĩa là tạo ra giá trị cho các cổ đông, đồng thời tạo ra giá trị cho cả cộng đồng nơi chúng tôi hoạt động.

Tại Việt Nam, thông qua chương trình Nescafé Plan được triển khai tại 5 tỉnh Tây Nguyên, chúng tôi giúp nông dân trồng cà phê chuyển từ nông dân thành doanh nhân nông nghiệp, vì chúng ta cần có nguồn cung cà phê chất lượng tốt, đáng tin cậy. Chi phí sẽ là yếu tố đi kèm, nhưng chúng tôi muốn coi nó như một khoản đầu tư để chuyển đổi thành một doanh nghiệp ít carbon nhằm củng cố hoạt động kinh doanh của mình và về lâu dài, điều này cũng tốt cho các cổ đông của Nestlé và cộng đồng nơi chúng tôi mua cà phê.

Nestlé đang làm gì để hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang hệ thống nông nghiệp bền vững?

Điều quan trọng là nếu muốn xây dựng chuỗi lương thực thực phẩm bền vững, thì mục tiêu đó phải có ý nghĩa đối với tất cả các bên tham gia.

Thông qua Chương trình Nescafé 2030, chúng tôi đang đầu tư để củng cố các cộng đồng nông nghiệp. Đồng thời, chúng tôi cũng đang xem xét đầu tư vào các cơ sở khác, như các nhà máy. Chúng tôi rất tự hào khi dự án Nescafé Plan triển khai ở Tây Nguyên đang trở thành “ngọn hải đăng” cho toàn Tập đoàn. Nescafé Plan tại Tây Nguyên cũng được xem là chương trình thực hành nông nghiệp tái sinh hiệu quả nhất và là mô hình để các các địa phương trồng cà phê khác trên thế giới có thể học hỏi.

Và sau đó, tất nhiên, cà phê với chất lượng tốt hơn được thu hoạch nhờ những khoản đầu tư này sẽ được chuyển tới các nhà máy của chúng tôi. Chúng tôi rất tự hào vì các nhà máy này đã xuất khẩu sản phẩm tới nhiều nơi trên thế giới.

Việc trồng cà phê và việc sản xuất cà phê là hai hoạt động có mối liên kết chặt chẽ với nhau.. Khi doanh nghiệp có một hệ thống nông nghiệp hoạt động tốt hơn, có nhiều nông hộ có sản lượng tốt hơn nhờ chất lượng đất tốt hơn, thì chúng ta sẽ có nguồn cung cấp cà phê đáng tin cậy hơn và nhà máy sẽ hoạt động hiệu quả nhất.

Nestlé gặp những thách thức và cơ hội gì khi triển khai nông nghiệp tái sinh tại Việt Nam?

Một trong những thách thức lâu dài nhất để khắc phục là đề nghị người nông dân thay đổi tư duy, thay đổi cách làm mà họ được cha ông truyền lại và canh tác theo một cách khác biệt – có thể là sử dụng ít phân bón hơn, thay vào đó là sử dụng phân hữu cơ làm từ phế phụ phẩm nông nghiệp và vỏ cà phê. Ngoài ra, chúng tôi còn giúp nông dân thay đổi thói quen thu hoạch cà phê, chuyển sang việc chỉ hái trái chín. Thông qua những thay đổi trong phương pháp canh tác như vậy, chúng tôi giúp họ tiết kiệm 20% lượng phân bón và tăng 20% sản lượng.

Điều quan trọng là, chúng ta đề nghị người nông dân cần phải tin rằng, những gì chúng ta đang chỉ cho họ hoặc khuyến khích họ làm sẽ có lợi cho họ. Vì vậy, chúng tôi cố gắng hết sức để có thể tạo ra các trang trại thí điểm, giúp họ thấy rõ lợi ích của sự thay đổi. Chúng tôi có các nhóm gồm 50-100 nông dân và những người trong nhóm bầu ra một trưởng nhóm, sau đó chúng tôi đào tạo trưởng nhóm để người đó có thể giúp chúng tôi đảm bảo rằng, các thông điệp thay đổi là có ý nghĩa.

Một điều nữa là ở Tây Nguyên, chúng tôi có đội ngũ các nhà nông học mà chúng tôi luôn xem họ như những “anh hùng” luôn sát cánh cùng những nông dân. Thường chính những nhà nông học này cũng xuất thân từ các gia đình nông dân và họ giúp chúng tôi đảm bảo rằng, việc chúng tôi hợp tác với nông dân thực sự có ý nghĩa.

Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, chúng tôi hợp tác chặt chẽ với Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) để sản xuất và phân phối cây giống chất lượng cao, chịu được hạn cho tất cả nông dân để tái canh vườn cà phê già cỗi của họ. Trong giai đoạn 2011 - 2022, chương trình Nescafé Plan tại Việt Nam đã phân phối được hơn 63 triệu cây giống, giúp tái canh hơn 63.000 ha diện tích cà phê.

Tin bài liên quan