Những nút thắt cần gỡ
Thời gian qua, việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: Độ bao phủ BHXH tăng chậm, sự kết nối giữa chính sách BHXH và các chính sách xã hội khác chưa đồng bộ, chặt chẽ; BHXH bắt buộc còn bỏ sót một số nhóm đối tượng có nhu cầu và có khả năng tham gia, nhận thức của một bộ phận người lao động về chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH còn hạn chế…
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, ông Bùi Sỹ Lợi cũng nêu rõ, tuy hình thức, phương pháp tuyên truyền đã có nhiều nỗ lực đổi mới bằng việc tăng cường đối thoại chính sách nhưng còn dàn trải, chưa có những chuyên đề tuyên truyền riêng và ưu tiên tiếp cận đối với những lao động tiềm năng như người làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ 1 đến dưới 3 tháng.
Cùng với đó, theo ông Lợi, một số chính sách mới phải áp dụng từ ngày 1/1/2018 nhưng đến thời điểm này chưa được hướng dẫn kịp thời. Chính điều này đã gây lúng túng trong tổ chức thực hiện một số văn bản chính sách, pháp luật về BHXH.
Đơn cử, chính sách xử lý tiền nợ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế (BHYT) tồn đọng kéo dài mà thực chất là không có khả năng trả nợ của các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản hoặc người sử dụng lao động bỏ trốn.
Vấn đề này đã được Luật BHXH năm 2014 quy định tại Khoản 7, Điều 10 nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện. Các bộ, cơ quan liên quan vẫn đang loay hoay với việc lấy kinh phí từ đâu để xử lý, thẩm quyền quyết định thuộc về cơ quan nào.
Hay những bế tắc ở thủ tục tư pháp khiến cho việc khởi kiện các doanh nghiệp trốn đóng, nợ BHXH hết sức khó khăn đã được chỉ ra từ lâu nhưng đến nay, các cơ quan hữu quan vẫn chưa tháo gỡ được.
Hướng đến BHXH toàn dân
Do đó, để khắc phục tình trạng trên, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân, ngày 23/5/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) về cải cách chính sách BHXH.
Trước đó, Bộ Chính trị khóa XI cũng đã ban hành Nghị quyết số 21/NQ-TW ngày 22/11/2012 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 - 2020”. Mục tiêu là “Phấn đấu đến năm 2020, có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, 35% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp”.
Bà Nguyễn Thị Minh, Thứ trưởng Bộ Tài chính, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho rằng, phát triển BHXH không phải công việc của riêng ngành BHXH mà tất cả hệ thống chính trị phải vào cuộc.
Chính vì vậy, Đảng đã ban hành Nghị quyết 28 thể hiện sự quan tâm sâu sắc toàn diện đối với lĩnh vực này. Nội hàm của Nghị quyết 28 có nêu rõ công việc của tất cả các ngành, các cấp, mà quan trọng nhất là phải làm cho mỗi người dân nhận thức đúng đắn về chính sách BHXH, hướng tới nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Việc này, theo nhận định của giới chuyên gia, đã mở ra cơ hội cho toàn dân tiếp cận với hệ thống an sinh xã hội và “hướng tới BHXH toàn dân”. Tuy nhiên, để thực hiện toàn diện các chủ trương này còn có những khó khăn, thách thức đang đặt ra.
Nghị quyết số 28 về cải cách chính sách BHXH vừa là cơ hội mới, vừa đặt ra những áp lực lớn cho các bộ, ngành, các cấp ủy đảng, chính quyền nói chung và BHXH Việt Nam nói riêng trong việc hoạch định và xây dựng chính sách pháp luật để hướng tới thực hiện mục tiêu BHXH toàn dân.
Bà Nguyễn Thị Minh chia sẻ thêm, đây là lần đầu tiên Trung ương ban hành Nghị quyết có nội hàm là cải cách chính sách BHXH. Tất nhiên, một cải cách sâu rộng sẽ đối mặt với nhiều thách thức.
Đặc biệt, với những cơ quan có liên quan đến công việc này, khi khối lượng công việc lớn hơn, tinh thần thái độ làm việc phải tốt hơn, quy trình nghiệp vụ hướng đến người dân thuận lợi hơn.
“Nếu chúng ta triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 28, chắc chắn quyền lợi bảo hiểm của người dân sẽ tăng lên rất nhiều”, bà Minh cho biết.
Ông Bùi Sỹ Lợi cũng nhận định, Nghị quyết 28 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã mở ra thời kỳ mới cho mọi người dân được tham gia vào hệ thống BHXH. Theo đó, đây chính là sự linh hoạt, kết nối giữa các loại hình BHXH.
“Đảng, Nhà nước ta xem việc chăm lo đời sống, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân là quan điểm, mục tiêu, định hướng. Do đó, không có lý do gì không xem đây là cơ hội để thực hiện tốt chính sách bảo hiểm và đảm bảo lợi ích tốt nhất cho người dân”, ông Lợi nói.