Để chuyển tải vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, hỗ trợ tối đa cho người nghèo trong điều kiện tiết giảm chi phí quản lý, chi phí xã hội..., Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã thực hiện phương thức quản lý tín dụng chính sách đặc thù thông qua hình thức: (i) Phân công, phân cấp trách nhiệm trong việc xác định hộ nghèo và các đối tượng chính sách đủ điều kiện vay vốn; (ii) Thực hiện dân chủ, công khai trong cộng đồng dân cư; (iii) Kết hợp sự tham gia của 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác (bao gồm Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh) với vai trò giám sát xã hội và làm ủy thác một số nội dung, công việc trong quy trình nghiệp vụ tín dụng chính sách.
Ông Nguyễn Văn Lý, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội
NHCSXH và 4 tổ chức chính trị - xã hội đã ký kết văn bản thỏa thuận, văn bản liên tịch, hợp đồng ủy thác về việc thực hiện ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tại 4 cấp (trung ương, tỉnh, huyện và xã), nội dung thực hiện bao gồm công tác tuyên truyền, vận động; công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn, Ban quản lý Tổ và các tổ viên; các hoạt động phối hợp thực hiện cùng NHCSXH.
NHCSXH: Dư nợ ủy thác chiếm 99,55% tổng dư nợ cho vay
Tính đến 31/3/2019, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách xã hội do NHCSXH quản lý đạt 194.187 tỷ đồng, tăng 6.395 tỷ đồng so với đầu năm (tỷ lệ tăng trưởng đạt 3,4%), với hơn 8,3 triệu món vay của gần 6,7 triệu khách hàng đang còn dư nợ.
Trong đó, dư nợ thực hiện theo phương thức ủy thác một số nội dung công việc cho các tổ chức chính trị - xã hội là 193.314 tỷ đồng, chiếm 99,55% tổng dư nợ cho vay của NHCSXH, với hơn 6,6 triệu hộ vay đang còn dư nợ, thông qua 180.967 Tổ Tiết kiệm và vay vốn, thực hiện giao dịch tại 10.960 điểm giao dịch xã. Dư nợ ủy thác thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là 75.675 tỷ đồng (chiếm 39,15%), Hội Nông dân Việt Nam là 60.362 tỷ đồng (chiếm 31,22%), Hội Cựu chiến binh Việt Nam là 31.466 tỷ đồng (chiếm 16,28%) và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là 25.811 tỷ đồng (chiếm 13,35%).
Bên cạnh việc làm tốt nhiệm vụ truyền tải nguồn vốn tín dụng chính sách đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác, NHCSXH và các tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác luôn coi trọng và tập trung vào việc thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng tín dụng. Tại thời điểm 31/3/2019, tổng nợ quá hạn và nợ khoanh tại NHCSXH là 1.491 tỷ đồng, chiếm 0,77% tổng dư nợ. Trong đó, nợ quá hạn là 807 tỷ đồng, chiếm 0,42% tổng dư nợ; nợ khoanh là 684 tỷ đồng, chiếm 0,35%. Đối với hoạt động uỷ thác, nợ quá hạn là 779 tỷ đồng, chiếm 0,4% tổng dư nợ uỷ thác.
Trong hơn 16 năm qua, NHCSXH là tổ chức được giao nhiệm vụ thực thi tín dụng chính sách xã hội đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội, tập trung các nguồn lực đẩy mạnh thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
Nhờ vốn tín dụng chính sách xã hội, người nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện để mua sắm tư liệu sản xuất, tạo sinh kế, tạo việc làm, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống; có kinh phí để trang trải các chi phí đáp ứng nhu cầu thiết yếu của cuộc sống như chi phí học tập cho con em, xây nhà ở, công trình nước sạch, vệ sinh môi trường.
Từ đó, góp phần hạn chế tình trạng vay nặng lãi, hoặc phải mua chịu vật tư, vật liệu, phân bón với giá cao, bán non các sản phẩm cho tư thương với giá thấp; có tác dụng trực tiếp đẩy lùi và ngăn chặn sự tác động tiêu cực của "tín dụng đen" đến đời sống của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhất là tại các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Bên cạnh đó, phương thức ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị - xã hội từ Trung ương đến cơ sở để chuyển tải nguồn vốn của Nhà nước đến hàng triệu người nghèo và các đối tượng chính sách khác, giúp họ tiếp cận được với dịch vụ tín dụng - tài chính của NHCSXH một cách thuận lợi, nhanh chóng, tiết giảm được thời gian và chi phí đi lại; đồng thời biết sử dụng vốn vay, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Các tổ chức chính trị - xã hội với mạng lưới, cán bộ ở tất cả các xã, đặc biệt có chi hội hoạt động ở thôn, bản, ấp, buôn, phum, sóc... gần dân nhất đã cùng tham gia góp sức trong việc tuyên truyền các chương trình tín dụng; bình xét cho vay; giám sát sử dụng vốn vay; đôn đốc người vay trả nợ, trả lãi; vận động tổ viên thực hành tiết kiệm hàng ngày, tạo tích luỹ để hỗ trợ cho việc trả lãi, trả nợ và tạo lập dần vốn tự có; hướng dẫn về cách thức sản xuất, làm ăn đạt hiệu quả.
Việc cho vay thông qua Tổ Tiết kiệm và vay vốn đã được thực hiện công khai, dân chủ, tăng cường sự đoàn kết, tình làng, nghĩa xóm, nâng cao trách nhiệm của người vay trong việc thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước, trả nợ NHCSXH.
Đồng thời, với mô hình tổ chức và phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách đặc thù, NHCSXH đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan liên quan thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ đưa nguồn vốn tín dụng chính sách tới 100% xã, phường, thị trấn trên toàn quốc, trong đó tập trung ưu tiên cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được thụ hưởng các chính sách ưu đãi của Đảng và Chính phủ.
Vốn tín dụng chính sách xã hội đã tác động toàn diện đến mọi mặt của đời sống hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên mọi miền đất nước; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện; hệ thống chính trị cơ sở ngày càng được củng cố; khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được tăng cao; góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, trật tự xã hội, an ninh quốc phòng; phát triển nguồn nhân lực, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
7 giải pháp thúc đẩy tín dụng chính sách - xã hội
Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả của hoạt động ủy thác, đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân có thể tiếp cận các chương trình tín dụng chính sách - xã hội, NHCSXH và các tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác cần tiếp tục phối hợp thực hiện 7 giải pháp:
Một là, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, các bộ, ban, ngành tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách - xã hội và Quyết định số 401/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW.
Hai là, làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách tín dụng ưu đãi bằng ngôn ngữ phổ thông và ngôn ngữ của đồng bào địa phương. Tập trung tuyên truyền cho nhân dân biết về tác hại của "tín dụng đen", cũng như nắm bắt, phản ánh kịp thời thực trạng "tín dụng đen" trên địa bàn để cùng chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng có giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng này. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong công tác truyền thông nhằm truyền tải thông tin chính xác, kịp thời và thuận lợi nhất đến nhân dân, chú trọng các đối tượng là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Ba là, rà soát đảm bảo cho vay đúng đối tượng, giải ngân kịp thời, không để sót đối tượng thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đủ điều kiện vay, có nhu cầu vay vốn nhưng không tiếp cận được nguồn vốn vay; đồng thời thực hiện tốt công tác quản lý nợ và xử lý nợ rủi ro theo quy định; tập trung phân tích, đánh giá và đề ra các giải pháp cụ thể xử lý thu hồi nợ quá hạn, nợ bị chiếm dụng, lãi tồn đọng, có các biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn nợ xấu phát sinh.
Bốn là, đào tạo, tập huấn cho cán bộ tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác, ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn về nghiệp vụ tín dụng chính sách, nghiệp vụ ủy thác, việc xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra, kỹ năng kiểm tra, giám sát, theo dõi đối với hộ vay vốn và Ban quản lý tổ, đặc biệt tại các đơn vị có chất lượng tín dụng thấp.
Năm là, nâng cao chất lượng, hiệu quả và đảm bảo an toàn cho hoạt động giao dịch tại xã; tiếp tục củng cố tổ tiết kiệm và vay vốn và nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác, trong đó tập trung vào các đơn vị chất lượng tín dụng thấp, nợ quá hạn, lãi tồn cao.
Sáu là, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện hoạt động nhận ủy thác của các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, hoạt động của Tổ Tiết kiệm và vay vốn, kiểm tra sử dụng vốn vay của hộ vay, không để xảy ra những sai sót, vi phạm trong quá trình thực hiện.
Tổ chức chính trị - xã hội cấp xã thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát toàn diện các hoạt động của Tổ Tiết kiệm và vay vốn, đặc biệt là giám sát bằng phương thức trực tiếp tại các buổi họp bình xét cho vay; kiểm tra việc sử dụng vốn vay 100% các món vay trong vòng 30 ngày sau khi giải ngân...
Bảy là, phối hợp đề xuất với chính quyền địa phương các cấp, tổ chức nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp xây dựng chương trình, dự án, gắn kết giữa đầu tư các mô hình kinh tế với nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa; đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, đào tạo nghề để hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận từng bước nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.