OCB có thể giảm đi khoảng 30% các chi phí hoạt động ngay khi chuyển đổi thành doanh nghiệp xanh

OCB có thể giảm đi khoảng 30% các chi phí hoạt động ngay khi chuyển đổi thành doanh nghiệp xanh

Hướng dòng tín dụng vào tăng trưởng xanh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tín dụng xanh, ngân hàng xanh đóng vai trò rất quan trọng trong việc triển khai thành công Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn năm 2050.

Huy động nguồn vốn giá rẻ, tăng tín dụng xanh

Ngày 2/4/2024, OCB và IFC đã chính thức ký kết thỏa thuận tư vấn chuyển đổi ngân hàng xanh, dịch vụ ngân hàng số bán lẻ và doanh nghiệp SME. Theo thỏa thuận, IFC sẽ hỗ trợ OCB thực hiện hành trình chuyển đổi ngân hàng xanh, đồng thời tăng cường năng lực dịch vụ ngân hàng số dành cho các doanh nghiệp SME và bán lẻ. Điều này không chỉ thúc đẩy phát triển tài chính khí hậu (tài trợ các khoản vay cho mục đích phục hồi của các quần thể bị ảnh hưởng và giúp thích ứng với biến đổi khí hậu), mà còn mở ra cơ hội tiếp cận vốn cho khách hàng của OCB là các doanh nghiệp SME, đặc biệt là doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.

Thực tế, OCB đã xây dựng các chuẩn mực “xanh” trong hoạt động từ nhiều năm trước, nhưng đến năm 2024, chúng tôi quyết định đưa các nội dung này thành chiến lược tổng thể, xây dựng thành khung với ba trụ cột liên quan đến môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Trong giai đoạn đầu tiên, OCB sẽ tập trung xây dựng các vấn đề nền tảng, ví dụ các nguyên tắc để tạo ra những sản phẩm, giải pháp xanh. Dựa trên cơ sở nền tảng này, nhiều sản phẩm xanh của OCB sẽ ra đời.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Thành viên Hội đồng quản trị OCB

Ông Nguyễn Đình Tùng, Thành viên Hội đồng quản trị OCB

Không chỉ tham gia tư vấn cho OCB, IFC cũng sẽ có một gói tài trợ đặc biệt cho các chương trình tín dụng xanh, với giá trị lớn hơn các gói trước rất nhiều (quan hệ hợp tác giữa OCB và IFC đã được thiết lập từ năm 2011, thông qua nhiều chương trình). Quy mô gói tín dụng của IFC dành cho OCB để thúc đẩy ngân hàng xanh trong giai đoạn đầu là 150 triệu USD.

Bên cạnh đó, OCB cũng hướng đến việc tiếp nhận hàng loạt các chương trình hỗ trợ về mặt tài chính từ các tổ chức toàn cầu để tạo thêm động lực cho các doanh nghiệp chuyển đổi xanh. Ngoài IFC, cũng có những tổ chức khác đã đưa những chương trình tín dụng xanh vào OCB, ví dụ DEG đã rót 50 triệu USD vào Ngân hàng. Nếu OCB triển khai tốt các chương trình và giải pháp nền tảng cho doanh nghiệp cũng như tìm kiếm được các chương trình tín dụng xanh phù hợp thì cả DEG và IFC có thể tăng quy mô hỗ trợ lên rất nhiều.

Hiện quy mô tín dụng xanh tại OCB đang trong xu hướng tăng dần và đạt tỷ trọng trung bình 8 - 10% trên tổng quy mô dư nợ tín dụng toàn Ngân hàng. Sự hợp tác chiến lược giữa OCB và IFC khẳng định cam kết trong việc theo đuổi chiến lược phát triển bền vững, hướng đến mục tiêu trở thành ngân hàng xanh, góp phần xây dựng tương lai thịnh vượng, đem đến nhiều giá trị tốt đẹp cho cộng đồng và xã hội tại Việt Nam.

Theo kế hoạch, quý III/2024, OCB sẽ phát hành báo cáo phát triển bền vững độc lập với sự tư vấn từ PwC, một trong các công ty rà soát tư vấn về tiêu chuẩn xanh hàng đầu thế giới.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, thúc đẩy ngân hàng xanh

Chính phủ Việt Nam nói chung và ngành ngân hàng nói riêng đang đẩy mạnh chuyển đổi số. Chuyển đổi số là một trong những yếu tố nòng cốt để thực hiện mô hình ngân hàng xanh.

Mỗi năm, OCB tiêu thụ ít nhất hàng chục tỷ đồng tiền giấy, vậy nên, chúng tôi không thể thực hiện mô hình ngân hàng xanh nếu không số hóa các quy trình giấy tờ trước đó. Khi chuyển đổi số, các chứng từ bằng giấy sẽ được thay bằng các chứng từ điện tử, nhu cầu sử dụng giấy từ đó sẽ giảm, từ đó giảm thiểu tác động lên môi trường. Một ví dụ khác là việc số hóa trong canh tác nông nghiệp, từ đó kiểm soát được lượng phân bón, tiết kiệm năng lượng, cải thiện năng suất nuôi trồng. Tôi tin rằng, lồng ghép việc chuyển đổi số với ngân hàng xanh là một định hướng đúng đắn.

Trước đây, các chương trình xanh của OCB được xây dựng dựa trên ý chí của các cổ đông lớn. Khi triển khai, chúng tôi không mong đợi sẽ được nhận lại. Nhưng sau này, rõ ràng khi hòa mình cùng xu hướng của toàn cầu và thời đại, chắc chắn chúng ta sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ các chương trình này.

Thứ nhất, chúng tôi nhìn thấy đây là một cơ hội kinh doanh, tăng trưởng các hoạt động kinh doanh. Đầu tiên là phát triển được một hệ thống khách hàng có cùng quan điểm về phát triển bền vững và ngân hàng sống là nhờ khách hàng của mình. Như vậy sẽ an toàn hơn rất nhiều so với việc tham gia vào các cộng đồng không có tiêu chí rõ ràng.

Khi xây dựng cho mình một cộng đồng khách hàng tốt thì về mặt quản trị rủi ro, OCB có thể xây dựng các phương pháp quản trị rủi ro từ xa, chứ không phải trên từng giao dịch. Đây cũng là lợi ích lâu dài.

Thứ hai, OCB có thể tiếp nhận rất nhiều nguồn vốn khác nhau từ trong và ngoài nước. Cụ thể, IFC đã tăng lượng vốn ngay khi OCB thực hiện cam kết các chương trình xanh. Mặc dù các nguồn vốn từ nước ngoài lãi suất không rẻ nhưng lại rất bền vững và có thể giúp Ngân hàng trải qua các thời kỳ khó khăn về mặt thanh khoản. Trong thời kỳ khó khăn thanh khoản 10 năm qua, OCB đã vượt qua một cách vô cùng vững vàng không chỉ nhờ vào sự hỗ trợ từ cộng đồng khách hàng của mình, mà còn từ các tổ chính tài chính nước ngoài.

Thứ ba, OCB có thể hưởng lợi được ngay khi chuyển đổi thành doanh nghiệp xanh chính là có thể giảm đi khoảng 30% các chi phí hoạt động.

Trong chiến lược đẩy mạnh tín dụng xanh, OCB hướng đến tài trợ cho những dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (điện gió, điện mặt trời). Với tín dụng bất động sản, chúng tôi cũng hướng tới tài trợ cho các dự án được xây dựng theo tiêu chuẩn xanh, tiết kiệm năng lượng. Sắp tới, khi triển khai mô hình xanh, OCB cũng phải tập trung vào thế mạnh là năng lực kinh doanh của mình và chuyển đổi ngân hàng xanh sẽ được lồng ghép vào các phân khúc ưu tiên của Ngân hàng như SME và bán lẻ. Trong bán lẻ, OCB xây dựng các hệ sinh thái số, tạo kết nối về giao dịch thanh toán. Đây cũng là môi trường mà OCB sẽ đầu tư cao trong quá trình chuyển đổi xanh.

OCB sẽ thay đổi dần các sản phẩm của mình theo hướng hỗ trợ khách hàng hạn chế các tác hại với môi trường. Đến một giai đoạn nào đó, có thể OCB sẽ từ chối thực hiện các chương trình, dự án hủy hoại môi trường, hoặc có ảnh hưởng không tốt tới xã hội. Ngoài ra, Ngân hàng đặt mục tiêu trong năm nay và năm sau sẽ đẩy tỷ lệ cho vay các dự án xanh lên hơn 10% tổng dư nợ tín dụng. Đây cũng là mục tiêu của ngành ngân hàng Việt Nam.

Hiện IFC đang có những chương trình đặc biệt cho các chương trình xanh. Trực tiếp nhất là lãi suất cho các chương trình xanh thấp hơn các chương trình thương mại bình thường. Mặc dù lãi suất cho các chương trình hiện giờ vẫn đang ở mức độ cao nhưng chi phí cộng thêm cho các chương trình xanh đang giảm đi.

Tin bài liên quan