Nguồn nguyên liệu cho điện gió tại Việt Nam là khá lớn, nhưng đi kèm với rủi ro là thiên tai

Nguồn nguyên liệu cho điện gió tại Việt Nam là khá lớn, nhưng đi kèm với rủi ro là thiên tai

Hướng đến nguồn năng lượng sạch

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Năng lượng tái tạo được nhận định sẽ là ông vua mới trên thị trường điện toàn cầu. Đây là một xu hướng không thể đảo ngược và có sức thu hút mạnh mẽ với nhiều doanh nghiệp.

Hướng về mặt trời

Xu thế phát triển năng lượng tái tạo trên thế giới vẫn diễn ra khá mạnh mẽ trong những năm gần đây và tỷ trọng năng lượng tái tạo đang ngày càng tăng trong tổng sản lượng điện sản xuất toàn cầu, hiện chiếm 10%, sản xuất bằng thủy điện chiếm tỷ trọng 50% (cao nhất). Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo, đến năm 2040, nguồn năng lượng tái tạo sẽ chiếm khoảng 30% tổng nguồn năng lượng trên toàn thế giới và vượt mức 10.000 tỷ kWh.

Tại Việt Nam, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính cho biết, thông lệ cho thấy, nhu cầu điện tăng trưởng gấp khoảng 1,5 lần tăng trưởng của nền kinh tế. Như vậy, mỗi năm Việt Nam cần mức tăng trưởng năng lượng khoảng 10%.

Theo ông Lực, phát triển năng lượng tái tạo là một phần, hay có thể được coi là chiến lược cấu phần trong tổng thể chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam.

Từ vài năm trước, nhiều doanh nghiệp đã có những bước đi tiên phong trong đầu tư phát triển năng lượng tái tạo. Điển hình như Tập đoàn Sao Mai (ASM), từ lâu đã nhìn nhận, trong bối cảnh Việt Nam đang thiếu hụt năng lượng và ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu, thì phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, mặt trời, sinh khối…) đang là giải pháp rất phù hợp và xu hướng tất yếu. Với những hiệu quả thiết thực, điện năng lượng mặt trời đã và đang đi vào cuộc sống ở nhiều nơi.

Tháng 5/2017, Sao Mai đã đưa vào vận hành nhà máy điện áp mái lớn nhất Việt Nam lúc bấy giờ có công suất 1,06 MWp với vốn đầu tư 2 triệu USD. Dòng điện này đã tiết kiệm hàng tỷ đồng mỗi năm tiền điện cho Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia I.D.I và ứng dụng thành công năng lượng tái tạo trong chế biến thủy sản xuất khẩu. Một hướng đi tiên phong được cộng đồng doanh nghiệp trong ngành và thế giới đánh giá cao.

Nối tiếp bước đi khởi đầu thành công ấy, trong hai năm 2019 - 2020, ASM tiếp tục đầu tư lớn xây dựng nhà máy điện mặt trời Sao Mai Solar PV1 tại huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang công suất 210 MWp, vốn đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng, trên diện tích gần 300 ha. Trong đó, giai đoạn 1, công suất 104 Mwp, đã đóng điện thành công. Giai đoạn 2, công suất 106 Mwp đã được ASM khởi động lắp đặt thiết bị chính và theo kế hoạch, sẽ hòa lưới điện quốc gia trước 31/12/2020.

Cùng thời gian này, nhà máy điện mặt trời tại tỉnh Long An (Sao Mai Solar PV2) - công suất 50 MWp cũng đã phát điện thương mại với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Sau khi hoàn thành các dự án điện mặt trời đúng kế hoạch, trong 10 năm tới, tổng công suất phát điện của Sao Mai ước đạt 2,5 tỷ KWh/năm.

Cùng với ASM, BIM Group cũng tham gia đầu tư năng lượng tái tạo từ năm 2017 tại Ninh Thuận. Công ty đã huy động vốn vay quốc tế, cùng sự tham gia, giám sát của các nhà thầu quốc tế. Giai đoạn 2020 - 2021, BIM phát triển 200 MW điện gió và điện mặt trời.

Mới đây, một tên tuổi mới niêm yết trên thị trường chứng khoán là Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Phát triển Trường Thành (TTA) cũng đã gây ấn tượng mạnh với nhà đầu tư với những kết quả có được từ bước chuyển hướng đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, điện mặt trời, điện gió và sắp tới đây có thể là điện khí.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Tổng giám đốc Trường Thành Group cho biết, Công ty bắt đầu đầu tư xây dựng Nhà máy Điện mặt trời Hồ Bầu Ngứ vào năm 2017 và hòa lưới điện quốc gia quý III - IV/2019, đồng thời đầu tư vào dự án Công ty cổ phần Phong điện Phương Mai vào năm 2019, dự kiến hoà lưới điện quốc gia năm 2021.

Từ năm 2022, TTA đẩy mạnh thêm vào năng lượng gió, với kế hoạch phát triển thêm 200 MW hòa vào mạng lưới điện quốc gia mỗi năm. Công ty đặt kế hoạch đến năm 2025, tổng công suất các nhà máy điện mặt trời, điện gió, thủy điện đạt trên 1.000 MW, trở thành một trong những doanh nghiệp đầu ngành về năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Trong khi đó, Trung Nam Group trở thành doanh nghiệp tư nhân tiên phong tham gia đầu tư hệ thống truyền tải điện quốc gia với việc thực hiện dự án Trạm biến áp và đường dây 220/500 kV kết hợp Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam 450 MW. Ngày 29/9/2020, tại tỉnh Ninh Thuận, Trung Nam đã thực hiện đóng điện Trạm biến áp và đường dây 220 - 500 kV.

Doanh nghiệp này cũng đã quyết định triển khai dự án Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam - Trà Vinh - một trong những dự án năng lượng tái tạo lớn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 3.500 tỷ đồng, với tổng công suất 165 MWp.

Công ty cổ phần Điện Gia Lai (GEG) cũng đã có quyết định đầu tư vào 2 dự án điện gió tại Gia Lai (công suất 50 MW) và Tiền Giang (công suất 100 MW). Doanh nghiệp này đang bước vào giai đoạn tăng tốc dự án điện gió để kịp đưa vào vận hành trước ngày 1/11/2021 hưởng mức giá hấp dẫn 9,8 US cents/kWh cho dự án trên biển và 8,5 cents/kWh cho dự án đất liền.

Điện Gia Lai đang sở hữu 19 nhà máy điện với tổng công suất 286 MW, trong đó 14 nhà máy thủy điện chiếm 31% và 5 nhà máy điện mặt trời chiếm 69%. Chiến lược đến năm 2022, GEG đẩy mạnh phát huy các loại hình đầu tư hiện hữu gồm điện mặt trời, thủy điện, đồng thời tiếp tục đa dạng các loại hình đầu tư, tập trung vào điện gió, điện áp mái.

Theo ông Đỗ Đức Quân, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương), năng lượng tái tạo từ lâu đã đóng một vai trò quan trọng trong tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng tại Việt Nam. Trong khoảng thời gian chưa đầy 2 năm, số lượng dự án điện mặt trời đưa vào vận hành đã tăng từ vài dự án lên tới 100 dự án với tổng công suất từ vài trăm MW lên tới 5.829 MW, đưa các dự án điện mặt trời từ chỗ chỉ chiếm gần 1% nay đã đạt gần 9% tổng công suất đặt hệ thống.

Hái trái ngọt bền vững

Ông Nguyễn Duy Hưng không giấu giếm, phân tích những con số rất hấp dẫn của việc đầu tư vào năng lượng tái tạo. Cụ thể, biên lợi nhuận gộp trung bình của các dự án nhà máy điện mặt trời hiện tại dao động từ 65 - 75% và tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu dao động 30 - 50%.

Với biên lợi nhuận gộp lên tới 70%, đầu tư vào năng lượng tái tạo giúp nhiều doanh nghiệp vững vàng lợi nhuận dù bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 tác động. Chẳng hạn, ASM dự tính, có thể thu về 800 tỷ đồng trong năm 2020 từ nguồn bán điện cho EVN. Đến cuối năm 2020, Sao Mai Solar sẽ bổ sung riêng cho lưới điện An Giang gần 400 triệu kWh/năm, bổ sung nguồn thu cho ngân sách địa phương mỗi năm khoảng 80 tỷ đồng tiền thuế VAT và hơn 40 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp.

Năng lượng mặt trời được IEA mệnh danh là ông vua mới trên thị trường toàn cầu. Cùng với đó, hướng đi vào lĩnh vực này tạo ra những giá trị phát triển bền vững. Do đó, hướng về mặt trời để mở rộng dự địa tăng trưởng là xu hướng của nhiều doanh nghiệp hiện nay.

Các doanh nghiệp kỳ vọng, phát triển ngành năng lượng tái tạo là một cơ hội lớn trong tương lai, phù hợp xu thế giảm phát thải khí nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường. Nguồn điện từ năng lượng tái tạo ở Việt Nam chủ yếu là thủy điện nhỏ, sinh khối, gió và mặt trời. Trong đó, thủy điện nhỏ đã có truyền thống phát triển từ lâu và đang được duy trì tại các tỉnh miền núi. Nguồn năng lượng mặt trời, điện gió, sinh khối ở Việt Nam vô cùng phong phú, đã và đang tạo ra tiềm năng phát triển mạnh mẽ cho năng lượng tái tạo.

Các doanh nghiệp như Sao Mai, Trường Thành Group, BIM Group, Thành Thành Công…, đang chuẩn bị tăng tốc với điện mặt trời, điện gió.

Thúc đẩy từ chính sách

Cho dù ánh sáng mặt trời là miễn phí, nhưng công nghệ cần thiết để biến chúng thành nguồn điện năng có thể sử dụng được lại rất tốn kém. Để khuyến khích cộng đồng và các công ty chuyển sang sử dụng năng lượng mặt trời, nhiều quốc gia đã và đang điều chỉnh chính sách của mình để giảm giá mua thiết bị.

Hiện tại, đã có hơn 130 quốc gia, vùng lãnh thổ thực hiện chính sách giảm chi phí xây dựng các cơ sở lắp đặt năng lượng mặt trời mới. Đây cũng là năm đầu tiên IEA xem xét các chính sách giảm chi phí xây dựng các cơ sở khai thác năng lượng mặt trời trong báo cáo Triển vọng Năng lượng Thế giới hàng năm. Cơ quan này ước tính, chi phí năng lượng mặt trời đã giảm từ 20 - 50% mỗi khu vực so với năm ngoái.

Năng lượng tái tạo được nhận định sẽ là ông vua mới trên thị trường điện toàn cầu

Năng lượng tái tạo được nhận định sẽ là ông vua mới trên thị trường điện toàn cầu

Báo cáo của IEA cho biết, năng lượng mặt trời đang trên đà trở thành “ông vua cung cấp điện năng mới” khi giá điện mặt trời tiếp tục giảm. Nguồn năng lượng này có khả năng sẽ chiếm lĩnh thị trường trong thập kỷ tới, một phần được thúc đẩy nhờ những nỗ lực toàn cầu nhằm giải quyết biến đổi khí hậu. Vào năm 2018, EU đã đặt mục tiêu sử dụng năng lượng tái tạo lên 32% vào năm 2030.

Tại Việt Nam, theo ông Đỗ Đức Quân, thực tế phát triển các nguồn năng lượng tái tạo thời gian vừa qua cho thấy, nếu có cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, ngành điện huy động được lượng vốn đầu tư rất lớn từ lĩnh vực tư nhân, giảm áp lực vốn đầu tư vào các công trình nguồn, đồng thời hướng dòng vốn của EVN đầu tư vào các dự án với mục đích cải thiện chất lượng cung cấp điện.

Các số liệu thống kê cho thấy, trong thời gian tới đây, dự kiến các nguồn điện gió và mặt trời sẽ tiếp tục phát triển mạnh. Hiện đã có khoảng 187 dự án nhà máy điện gió với tổng công suất khoảng 11.687 MW và 137 dự án nhà máy điện mặt trời với tổng công suất 13.618 MW đã được bổ sung quy hoạch. Khoảng 312 dự án với tổng công suất 78.035 MW các dự án điện gió và 331 dự án với tổng công suất 36.581 MW các dự án điện mặt trời hiện đang được các địa phương tiếp tục đề xuất phát triển.

Theo Tập đoàn Sao Mai, giải pháp điện mặt trời vẫn được các nhà đầu tư để ý, nhưng chưa được khai thác nhiều vì không phải ai cũng có đủ tiềm lực để tham gia, nhất là cơ chế về giá mua bán điện vẫn đang còn nhiều bất cập, chính sách ưu đãi chưa đủ sức thuyết phục.

Xóa bỏ những rào cản về chính sách và tạo cơ chế thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp là những mong mỏi từ các nhà đầu tư.

Tại buổi tọa đàm góp ý cơ chế chính sách phát triển năng lượng tái tạo tổ chức cuối tháng 10 vừa qua, ông Hồ Tá Tín, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn HBRE chia sẻ, tỷ lệ các dự án năng lượng tái tạo đi vào vận hành chỉ đạt khoảng 32% đối với điện mặt trời và chỉ khoảng 3,8% đối với dự án điện gió trên tổng số dự án được bổ sung quy hoạch, con số đã “nói” lên được thực trạng triển khai dự án.

Trên thực tế, không phải dễ dàng và hầu hết các dự án hiện nay chỉ nằm trên giấy, nguy cơ xảy ra quy hoạch treo là hiện hữu nếu không có giải pháp kịp thời và hữu hiệu.

Ông Tín cho hay, nguồn nguyên liệu cho điện gió tại Việt Nam là khá lớn, nhưng đi kèm với rủi ro là thiên tai. Ngoài ra, nhà máy điện gió cần vốn lớn, trong khi nguồn vốn trong nước vẫn còn hạn chế do việc vay vốn tại các ngân hàng khó khả thi. Nguyên nhân là do hạn mức và lãi suất trong nước cao (10%/năm), trong khi các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là 4 - 6%.

Ông Tín đề nghị, Chính phủ cần cân nhắc sớm quyết định cho phép kéo dài cơ chế giá FIT theo Quyết định 39 đến hết năm 2023 đối với điện gió trên bờ và hết 2025 đối với điện gió ngoài khơi nhằm tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư sớm triển khai đầu tư đưa các dự án điện gió đã được bổ sung quy hoạch vào vận hành, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng.

Cần có chính sách cho từng loại năng lượng tái tạo

TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia tài chính
TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia tài chính

Thách thức, khó khăn hiện nay là hệ thống pháp lý chưa hoàn chỉnh, Quy hoạch điện VIII chuẩn bị ban hành, nhưng thực tế cho thấy đã khá chậm. Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) cũng mới được thông qua, có hiệu lực từ 1/1/2021.

Cơ chế chính sách ban hành chậm, thời gian ngắn chỉ 1 - 2 năm không đủ để doanh nghiệp xoay xở.

Thiết nghĩ, cần có chính sách cho từng loại năng lượng tái tạo khác nhau, phân ra các loại như năng lượng tái tạo mặt trời, năng lượng tái tạo gió onshore, năng lượng tái tạo offshore…

Ngân hàng Nhà nước xây dựng các chính sách khuyến khích tín dụng năng lượng tái tạo mạnh mẽ hơn như: (i) giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc hoặc tăng cho vay tái cấp vốn cho các tổ chức tín dụng có tỷ lệ dư nợ tín dụng năng lượng tái tạo cao; (ii) điều chỉnh trọng số rủi ro đối với dư nợ tín dụng năng lượng tái tạo xuống thấp hơn tín dụng thương mại khác...; chỉ đạo, định hướng phát triển tín dụng năng lượng tái tạo trong tổng thể phát triển tín dụng xanh ngành ngân hàng.

Tin bài liên quan