Theo đó, BOJ đã tăng lãi suất chính sách qua đêm lên 0,5% và động thái này gần như không gây bất ngờ cho thị trường vì đã được các nhà hoạch định chính sách báo hiệu trước đó. Các nhà đầu tư cũng đang chuẩn bị cho nhiều đợt tăng lãi suất sắp tới và viễn cảnh lãi suất của Nhật Bản có thể đạt 1% trở lên vào năm tới, hoặc thậm chí là sớm hơn.
Phản ứng tương đối trầm lắng của thị trường sau quyết định tăng lãi suất lần này của BOJ trái ngược với sự hỗn loạn của thị trường sau khi BOJ tăng lãi suất vào cuối tháng 7/2024. Động thái của Thống đốc Kazuo Ueda khi đó bị một số người cho là nguyên nhân dẫn tới mức giảm mạnh nhất trong lịch sử đối với chỉ số chứng khoán Nikkei 225 của Nhật Bản và sự sụt giảm niềm tin trên các thị trường trên toàn cầu.
Tetsuya Inoue, nhà nghiên cứu trưởng cấp cao tại Viện nghiên cứu Nomura và cựu quan chức BOJ cho biết: "Việc truyền đạt rõ ràng như vậy để thị trường định giá cho việc tăng lãi suất có thể nguy hiểm nếu sử dụng quá nhiều lần vì thị trường sẽ chỉ nhìn vào những gì BOJ nói… Điều đó sẽ làm suy yếu hoạt động của thị trường để phản ánh tình trạng của nền kinh tế và quan điểm trong thị trường".
Đợt tăng lãi suất lần này đã bổ sung vào thành tích của Thống đốc Ueda trong việc chuyển đổi chính sách của BOJ từ sự phức tạp mang tính thử nghiệm sang sự đơn giản chính thống. Thống đốc đã xoay xở để bình thường hóa cách tiếp cận của ngân hàng trung ương với tốc độ mà ít ai mong đợi khi ông tiếp quản vị trí từ cựu Thống đốc Haruhiko Kuroda vào tháng 4/2023.
Thống đốc Ueda đã loại bỏ các chương trình mua tài sản và kiểm soát lợi suất trái phiếu và phần lớn đã đưa BOJ trở lại mức lãi suất thông thường. Sự hỗn loạn của mùa hè năm ngoái là một trong số ít những điểm yếu.
Mari Iwashita, chuyên gia kinh tế điều hành tại Daiwa Securities cho biết: "Sự thay đổi trong truyền thông của BOJ cho thấy họ đã trải qua một trải nghiệm đau thương khi chứng kiến thị trường toàn cầu mất ổn định sau đợt tăng lãi suất vào tháng 7 năm ngoái".
Ngân hàng trung ương dường như đã định hướng thị trường theo hướng tăng lãi suất thông qua bài phát biểu của Phó thống đốc Ryozo Himino vào ngày 14/1. Thống đốc Ueda cũng tiếp tục lặp lại cùng một cách diễn đạt vào ngày sau đó.
“Không giống như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hay Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), BOJ đang trong giai đoạn tăng lãi suất và do việc tăng lãi suất gây đau đớn cho nền kinh tế, nên họ cần phải giao tiếp cẩn thận”, Tomo Kinoshita, chiến lược gia thị trường toàn cầu tại Invesco Asset Management Japan Ltd. cho biết.
BOJ cũng nhắc lại quan điểm rằng sẽ tiếp tục tăng lãi suất miễn là các dự báo của họ trở thành hiện thực.
“Thị trường đã định giá sẽ một đợt tăng lãi suất 25 điểm cơ bản nữa vào nửa cuối năm 2025… Tôi nghĩ rằng một đợt tăng lãi suất 25 điểm cơ bản nữa sẽ là kịch bản cơ sở, nhưng rủi ro về đợt tăng lãi suất thứ ba trong năm nay đang gia tăng theo quan điểm của tôi”, Alvin Tan, chiến lược gia ngoại hối tại Royal Bank of Canada cho biết.
Trong cuộc họp báo sau quyết định tăng lãi suất, Thống đốc Ueda cho biết không có lộ trình cụ thể nào cho lãi suất sắp tới.
“Thông qua bài phát biểu của Phó thống đốc Himino vào tháng 1, chúng tôi đã cố gắng nhắc lại lập trường cơ bản rằng tại mỗi cuộc họp chính sách, chúng tôi sẽ xem xét kỹ lưỡng dữ liệu có sẵn và tranh luận xem có nên thay đổi chính sách tiền tệ hay không”, Thống đốc Ueda cho biết.
Sau quá trình chuyển đổi chính sách diễn ra khá suôn sẻ trong năm đầu tiên, hậu quả từ đợt tăng lãi suất vào tháng 7 đã chứng minh được sự khó khăn trong việc đạt được mục tiêu đó một cách thường xuyên. Nhưng việc đưa ra từng quyết định quá rõ ràng có nguy cơ khiến thị trường chú ý quá nhiều đến những gợi ý riêng từ Thống đốc và các Phó thống đốc, đồng thời tước đi cơ hội định vị cho các kết quả thay thế của thị trường.
"BOJ đưa ra quá nhiều tín hiệu là không tốt vì thị trường sẽ không hoạt động bình thường…Thị trường chỉ khả thi khi có nhiều quan điểm khác nhau", Ayako Fujita, nhà kinh tế trưởng tại JPMorgan Securities cho biết.