Bộ Y tế vừa có hướng dẫn mới nhất về F0 điều trị tại nhà trong đó bổ sung quy định về khai báo y tế và thực hiện các biện pháp phòng chống lây nhiễm tại nhà. Ảnh: VNE
Theo hướng dẫn mới nhất do Bộ Y tế vừa ban hành liên quan đến điều trị F0 tai nhà, tiêu chí lâm sàng của người mắc Covid-19 điều trị tại nhà được bổ sung thêm một trường hợp.
Đó là người bệnh Covid-19 đã được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh điều trị, nhưng chưa đạt tiêu chuẩn khỏi Covid-19 và đạt tiêu chuẩn quản lý tại nhà thì được chuyển về nhà để tiếp tục chăm sóc".
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng bổ sung mục "Khai báo y tế" với F0 điều trị tại nhà.
Trong đó, F0 hoặc người chăm sóc thông báo với trạm y tế xã, phường hoặc cơ sở quản lý F0 tại nhà... theo hướng dẫn của địa phương về thông tin cá nhân, thời điểm được xác định mắc Covid-19, đối tượng được quản lý tại nhà, thời điểm hết cách ly, điều trị tại nhà.
Bộ Y tế hướng dẫn các vật dụng cần thiết với F0 điều trị tại nhà là nhiệt kế; máy đo SpO2 cá nhân (nếu có); khẩu trang y tế; phương tiện vệ sinh tay; vật dụng cá nhân cần thiết; thùng chứa chất thải lây nhiễm có nắp đậy;
Phương tiện liên lạc gồm: Điện thoại, số điện thoại của các cơ sở y tế (trạm y tế, trung tâm y tế quận, huyện, trung tâm vận chuyển cấp cứu, bác sỹ, tổ tư vấn cộng đồng, tổ phản ứng nhanh, bệnh viện...);
Thuốc điều trị tại nhà gia đình cần chuẩn bị khi có F0 là thuốc hạ sốt: paracetamol cho người lớn: viên 500mg, số lượng đủ dùng trong 3-5 ngày. Paracetamol cho trẻ em (tùy theo cân nặng và độ tuổi): gói bột hoặc cốm pha hỗn dịch uống hoặc viên hàm lượng 80mg, 100mg, 150mg hoặc 250mg, 325mg, 500mg, số lượng đủ dùng trong 3-5 ngày;
Dung dịch cân bằng điện giải: Oresol, gói bù nước, chất điện giải khác;
Thuốc giảm ho (tùy theo triệu chứng): Thuốc từ thảo dược, hoặc thuốc giảm ho đơn thuần, hoặc thuốc giảm ho kết hợp kháng histamin...., số lượng đủ dùng trong khoảng 5-7 ngày. Lưu ý chỉ định, chống chỉ định và các cảnh báo, thận trong khi sử dụng thuốc;
Dung dịch nhỏ mũi: Natriclorua 0,9%, đủ dùng từ 5-7 ngày;
Thuốc điều trị bệnh nền theo đơn thuốc được kê đơn đang sử dụng cho người bệnh (nếu cần, đủ sử dụng trong 1- 2 tuần).
Tại Hướng dẫn mới, Bộ Y tế bổ sung yêu cầu về thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm.
Theo đó, F0 và người chăm sóc hoặc người ở cùng nhà với F0 thực hiện các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm, như sau: F0 cần hạn chế ra khỏi nơi cách ly. Khi phải ra khỏi nơi cách ly phải mang khẩu trang, giữ khoảng cách với những người khác;
Người chăm sóc hoặc người nhà ở cùng nhà luôn mang khẩu trang, giữ khoảng cách khi phải tiếp xúc với F0;
Nơi cách ly giữ thông thoáng, hạn chế chế đề các đồ dùng vật dụng khó làm sạch (thú bông, giấy, bìa...) tại khu vực này…
Liên quan tới việc điều trị F0 tại nhà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, việc đầu tiên F0 cần làm ngay khi phát hiện dương tính là khai báo ngay cho y tế xã, phường để được quản lý, phân tuyến.
Theo bà Hà, đa số F0 sẽ diễn tiến từ không triệu chứng tới nhẹ, có thể điều trị tại nhà, do y tế cơ sở chịu trách nhiệm theo dõi, chăm sóc cũng như cấp thuốc.
Trường hợp có cần thiết phải đi viện hay không, tới bệnh viện thuộc tầng mấy cũng do y tế cơ sở phân loại, quyết định dựa vào điều kiện cách ly, tiền sử bệnh nền, triệu chứng lâm sàng.
Trong những trường hợp liên hệ y tế cơ sở không được do quá tải, quá đông thì người dân có thể đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu. Tất cả các bệnh viện đều tham gia công tác phòng chống dịch.
Ngay cả bện viện tuyến quận, huyện cũng có các khu thu dung điều trị bệnh nhân ở mức độ vừa, ngoài ra còn có những bệnh viện tầng 3 chuyên tiếp nhận bệnh nhân nặng.
Đồng thời, người dân cần tuân thủ triệt để chỉ dẫn của bác sĩ, nhân viên y tế; sử dụng thuốc theo chỉ định, đặc biệt là các thuốc chống viêm, chống đông máu, kháng sinh, kháng virus...; vệ sinh đường hô hấp đúng cách, vận động, thể dục đúng mức, chế độ ăn uống nghỉ ngơi, bổ sung dinh dưỡng hợp lý.