Quỹ bảo vệ người mua bảo hiểm sẽ được quản lý tập trung tại Hiệp hội Bảo hiểm

Quỹ bảo vệ người mua bảo hiểm sẽ được quản lý tập trung tại Hiệp hội Bảo hiểm

Hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm: Nóng chuyện “góp gạo thổi cơm chung”

(ĐTCK-online) Các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) vừa đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị định hướng dẫn sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh Bảo hiểm. Hai vấn đề được quan tâm nhiều nhất là thành lập quỹ bảo vệ người mua bảo hiểm và đấu thầu bảo hiểm.

Theo dự thảo Nghị định, mức trích lập quỹ do Bộ trưởng Bộ Tài chính công bố hàng năm, nhưng tối đa không vượt quá 0,3% tổng doanh thu phí bảo hiểm đối với tất cả các hợp đồng bảo hiểm. Về giới hạn quy mô quỹ, cách tính theo tỷ lệ phần trăm trên tổng tài sản của DNBH có phân biệt giữa DNBH nhân thọ và DNBH phi nhân thọ (6% đối với DNBH phi nhân thọ và 1% đối với DNBH nhân thọ).

Về phương thức quản lý quỹ, có 2 phương án. Một là, quỹ được các DNBH đóng góp hàng năm và được  quản lý tập trung tại Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam . Hai là, quỹ bảo vệ người được bảo hiểm do DNBH tự quản lý (dưới hình thức đầu tư vào các tài sản có tính thanh khoản cao), tự theo dõi và hạch toán riêng theo đúng quy định của pháp luật và chịu sự điều hành của ban điều hành quỹ.

Khi xảy ra sự kiện phá sản, mất khả năng thanh toán của một DNBH, ban điều hành quỹ sẽ yêu cầu các DNBH chuyển tiền để hỗ trợ người được bảo hiểm của các doanh nghiệp phá sản, mất khả năng thanh toán. Theo phương án 1, quy định về mức trích lập quỹ nhằm đảm bảo tính linh hoạt trong việc trích lập quỹ của các DNBH hàng năm, tuỳ thuộc vào số lượng và mức độ nghiêm trọng của các DNBH phá sản, mất khả năng thanh toán mà Bộ Tài chính quyết định mức trích lập cụ thể. Mức trích lập tối đa cũng được cân đối với việc xác định lợi nhuận hàng năm của các DNBH. Quy định về quản lý quỹ theo phương án 1 có ưu điểm là luôn có sẵn nguồn tiền tại một đầu mối khi cần sử dụng, đồng thời tạo được niềm tin trong công chúng. Tuy nhiên, phương thức này có nhược điểm là tăng thêm chi phí quản lý, có thể không hiệu quả bằng việc giao cho chính doanh nghiệp tự quản lý và đầu tư. Trong khi đó, quản lý quỹ theo phương án 2 có ưu điểm là không mất chi phí quản lý, do doanh nghiệp tự quản lý, tự đầu tư nên hiệu quả hơn. Cân nhắc ưu và khuyết điểm của các phương án, Bộ Tài chính quyết định lựa chọn phương án 1.

Góp ý cho nội dung này của Nghị định, các DNBH cho rằng, dự thảo cần nói rõ hơn mức phí nộp vào quỹ bảo vệ tính trên tổng doanh thu bảo hiểm gốc (khai thác) hay tổng doanh thu giữ lại (trừ tái bảo hiểm) và doanh thu nhận tái bảo hiểm (trong nước và nước ngoài). Doanh thu giữ lại và nhận tái liên quan đến trách nhiệm bồi thường của DNBH, phần tái bảo hiểm là trách nhiệm của doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm. Bên cạnh đó, nên bổ sung trường hợp DNBH bị phá sản, mất khả năng thanh toán thì quỹ bảo vệ người được bảo hiểm là người có nghĩa vụ chi trả nhưng đồng thời có quyền thay thế đứng ra đòi người thứ ba hoặc đòi doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm bồi thường. Nguyên tắc thế quyền cả nghĩa vụ và quyền lợi là rất quan trọng.

Các DNBH cho rằng, nên tách biệt quỹ cho doanh nghiệp nhân thọ và doanh nghiệp phi nhân thọ vì mỗi lĩnh vực đều có những rủi ro và đặc thù về khả năng thanh toán, quy định đóng góp quỹ chỉ áp dụng với tổng doanh thu phí thực giữ lại. Cần quy định rõ tiêu chí lựa chọn đại diện DNBH vào ban điều hành quỹ cho phù hợp, quy định quyền hạn của ban điều hành quỹ: kiến nghị, đề xuất góp ý với Bộ Tài chính đối với mức trích lập quỹ. Điều các doanh nghiệp còn băn khoăn là lợi nhuận từ đầu tư của quỹ bảo vệ người tham gia bảo hiểm có được miễn thuế không?

Xung quanh quy định về đấu thầu bảo hiểm, nên bổ sung các DNBH tham gia đấu thầu theo đúng nội dung quy tắc, điều khoản, điều kiện và biểu phí bảo hiểm đã được DNBH ban hành và báo cáo Bộ Tài chính hoặc theo đúng nội dung quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm đã được nhà nhận tái bảo hiểm chấp nhận cho DNBH tham gia đấu thầu. Hiện tiêu chí chọn thầu chủ yếu là dựa theo phí bảo hiểm mà không xem xét đến nhiều yếu tố quan trọng đằng sau đó. Điều này là rất nguy hiểm, gây ảnh hưởng không tốt đến thị trường bảo hiểm còn non trẻ, chưa có sự chuẩn hoá của Việt Nam. Do đó quy định cần phải cụ thể, rõ ràng hơn, chuẩn hoá hơn như.

Theo ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, còn một số ý cần làm rõ hơn trong dự thảo Nghị định như thuật ngữ "Bảo hiểm sức khoẻ". Thuật ngữ này chỉ bao hàm bảo hiểm sức khỏe đơn thuần (không bao gồm tai nạn) hay là cả các sản phẩm bảo hiểm sức khoẻ và bảo hiểm tai nạn mà các công ty bảo hiểm phi nhân thọ vẫn cung cấp trên thị trường? Trường hợp một tổ chức muốn thành lập DNBH kinh doanh đơn thuần nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe thì có được hay không? Hiện tại trong giấy phép thành lập và hoạt động của các DNBH nhân thọ chỉ được phép kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe bổ trợ cho sản phẩm bảo hiểm nhân thọ.