Tỉnh Hưng Yên đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ, nâng cao giá trị nông sản

Tỉnh Hưng Yên đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ, nâng cao giá trị nông sản

Hưng Yên phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

0:00 / 0:00
0:00
Quá trình cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) đã mang đến cho tỉnh Hưng Yên những thay đổi rõ rệt về diện mạo, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

Nâng giá trị sản xuất nông nghiệp

Ông Đỗ Minh Tuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên cho biết, giai đoạn 2021 - 2023, triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX, UBND tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, sản xuất theo chuỗi giá trị và xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu...

Giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2022 đạt 2,66%/năm. Đến đầu năm 2023, toàn tỉnh đã chuyển đổi được 18.990 ha trồng cây hiệu quả thấp sang trồng cây hàng năm, cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản có hiệu quả kinh tế cao.

Cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp chuyển dịch theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, bước đầu đã hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh, các dự án sản xuất nông nghiệp hàng hóa tiếp tục được triển khai tích cực, hiệu quả, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như lúa chất lượng cao, rau an toàn, trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ...

Giá trị sản phẩm trên đơn vị canh tác đạt trên 230 triệu đồng/ha, tăng trên 20 triệu đồng/ha so với năm 2020, đảm bảo an ninh lương thực, ổn định cuộc sống cho người dân nông thôn. Chăn nuôi cũng trên đà phát triển mạnh, sản lượng thịt hơi các loại tăng cao.

Đặc biệt, công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề, việc xây dựng và ứng dụng các phần mềm công nghệ thông tin trong quản lý cơ sở dữ liệu ngành, quản lý thủy sản, quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y… được thực hiện tốt, mang lại hiệu quả.

Tạo chuyển biến tích cực

Tính đến tháng 8/2023, toàn tỉnh Hưng Yên có 98 xã được công nhận xã NTM nâng cao; 24 xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 199 sản phẩm OCOP đạt 3 sao và 4 sao.

Bên cạnh đó, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn được tập trung đầu tư, cải tạo, nâng cấp đồng bộ theo quy hoạch. Nông thôn phát triển theo hướng hiện đại, xanh - sạch - đẹp, điều kiện sống và làm việc của người dân tốt hơn.

Ông Đỗ Minh Tuân chia sẻ, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn và an toàn, ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng, có khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững; đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số và khoa học công nghệ trong phát triển nông nghiệp và nông thôn.

Chương trình Xây dựng NTM tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 - 2025 tiếp tục được triển khai thực hiện, trong đó chú trọng đầu tư trực tiếp cho các chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng hạ tầng; tập trung xây dựng NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu theo kế hoạch. Phấn đấu đến năm 2025, 100% số xã trong tỉnh đạt chuẩn NTM nâng cao; 50% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 195 khu dân cư kiểu mẫu và ít nhất 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM nâng cao.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hưng Yên cho biết thêm, tỉnh sẽ chuyển đổi, xây dựng ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn và an toàn, ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng, có khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững.

Cùng với đó, phát triển nhanh các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, đưa nhanh cơ giới hóa vào sản xuất. Áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, hiện đại gắn với chế biến, bảo quản nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong phát triển nông nghiệp, tăng cường nghiên cứu khảo nghiệm, tuyển chọn các loại giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao để đưa vào sản xuất; ứng dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ nhằm nâng giá trị gia tăng của sản phẩm.

Tin bài liên quan