HVG đang quay trở lại với hoạt động chính là nuôi trồng và chế biến cá tra

HVG đang quay trở lại với hoạt động chính là nuôi trồng và chế biến cá tra

Hùng Vương (HVG) lại thêm một lần "đính chính" mức lợi nhuận

(ĐTCK) Năm ngoái, Công ty cổ phần Hùng Vương (HVG) lỗ lớn do thiếu hụt nguyên liệu cá tra và gánh nặng lãi vay, và khác với kế hoạch dự kiến công bố trước đó. Thì năm nay, Công ty có cơ hội "thoát cạn", nhưng cũng chỉ đề ra kế hoạch lãi 100 tỷ đồng, còn số này cũng khác nhiều so với mức 800 tỷ đồng trong một công bố trước đó.

Giảm nợ vay, quay lại hoạt động chính

Hoạt động cốt lõi của HVG là nuôi trồng và chế biến cá tra. Trong năm 2017, kết quả kinh doanh của HVG lỗ 224,4 tỷ đồng, lỗ hợp nhất 712,9 tỷ đồng, chủ yếu do thiếu hụt nguyên liệu cá tra, khiến hoạt động ở các nhà máy giảm 50% công suất, cộng thêm chi phí cố định lớn và chi phí trợ cấp cho người lao động trong thời gian tạm ngừng sản xuất.

Giá xuất khẩu tăng không bù nổi cho chi phí sản xuất. Trong khi đó, chi phí lãi vay và áp lực tài chính từ các dự án đầu tư dở dang của HVG ở mức cao.

Theo ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị HVG, từ nay tới tháng 10/2018, Công ty vẫn phải trả lãi ngân hàng, mỗi tháng phải “gánh” khoảng 100 tỷ đồng đầu tư dở dang.

Cuối năm 2017, báo cáo tài chính hợp nhất của HVG cho thấy, khoản nợ vay ngắn hạn là 5.287,4 tỷ đồng, giảm hơn 1.782 tỷ đồng, tương đương giảm 25% so với thời điểm đầu quý IV/2017.

Đối với công ty mẹ, nợ vay ngắn hạn là 2.099 tỷ đồng, giảm gần 740 tỷ đồng so với con số 2.837 tỷ đồng đầu quý IV/2017. Ông Minh cho biết, hiện nay (20/4/2018 - PV), nợ vay tại Công ty mẹ HVG còn khoảng 1.700 tỷ đồng, nợ hợp nhất khoảng 3.500 tỷ đồng.

Thông tin tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 của HVG cho thấy, nhiệm vụ trọng tâm của Công ty là tập trung thoái vốn, tái cơ cấu tài sản để giảm tối đa nợ vay ngân hàng, quay lại hoạt động chính đã làm nên tên tuổi “vua cá tra” một thời là nuôi trồng và chế biến cá tra.

Kỳ vọng nguồn tiền từ thoái Vốn

Theo báo cáo tài chính hợp nhất 2017, thời điểm cuối năm, HVG có 10 công ty con trực tiếp và 1 công ty con sở hữu gián tiếp, trong đó sở hữu 79,58% vốn tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (AGF), 90,38% vốn tại Công ty cổ phần Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng (VTF), 76% vốn tại Công ty cổ phần Địa ốc An Lạc (ALR).

Cũng tại thời điểm cuối năm 2017, HVG có khoản chi phí xây dựng cơ bản dở dang 900 tỷ đồng, trong đó công trình nhà máy thức ăn (VTF) và VTF Long An hơn 390 tỷ đồng, đầu tư bất động sản (ALR) 203,57 tỷ đồng, công trình kho lạnh (ASI) 113 tỷ đồng, kho lạnh Hiệp Phước 66 tỷ đồng, công trình trang trại lợn giống hơn 80 tỷ đồng...

Ông Minh chia sẻ, HVG sẽ lui về hoạt động chính trong mảng nuôi trồng và chế biến cá tra, các mảng còn lại sẽ bán hoặc chuyển giao cho đối tác. Hiện HVG đã bán lô đất tại 765 Hồng Bàng, thu về 370 tỷ đồng, hoàn tất trong tháng 2/2018; bán lô đất tại 94 Phạm Đình Hổ, thu về 190 tỷ đồng, hoàn tất trong tháng 3/2018. Hai miếng đất trên tại TP.HCM có giá vốn 283 tỷ đồng, trong đó HVG sở hữu 65%; phân chia nguồn thu theo tỷ lệ vốn góp, Công ty nhận về 364 tỷ đồng.

Đối với việc thoái vốn tại VTF, HVG đã thoái 47% vốn với giá gấp đôi giá vốn (giá vốn khoảng 7.000 đồng/cổ phiếu) cho công ty con của Vingroup. VTF có vốn điều lệ 418,13 tỷ đồng, trong đó HVG nắm 37,792 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 90,38%. Với việc bán 47% vốn tại VTF, ước tính HVG thu về 275 tỷ đồng.

Với mảng kho lạnh, HVG tiếp tục làm kho lạnh mới, sau khi làm xong sẽ bán 2 kho lạnh cũ với giá 250 tỷ đồng.

Đồng thời, Công ty có kế hoạch bán bớt vùng nuôi. Hiện diện tích nuôi trồng của HVG khoảng hơn 1.200 ha, thời gian tới sẽ bán khoảng 300 ha. Theo ông Minh, giá trị sổ sách vùng nuôi khoảng 240 tỷ đồng, tương đương khoảng 200 triệu đồng/ha, trong khi giá trị thị trường vàokhoảng 2 tỷ đồng/ha. Như vậy, HVG có khả năng thu về khoảng 600 tỷ đồng từ việc bán vùng nuôi.

Tổng các khoản trên, dự kiến HVG sẽ thu về hơn 1.000 tỷ đồng (trước đó, Công ty bán 54,28% vốn tại Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta với giá 23.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng thu về 487 tỷ đồng).

Dĩ nhiên, đó chỉ là con số ước tính và so sánh giữa các con số tuyệt đối, số nợ vay của HVG sẽ giảm bao nhiêu thì phải chờ báo cáo tài chính, bởi cách hạch toán đối với từng khoản mục thoái vốn công ty con, công ty liên kết và thanh lý bất động sản sẽ theo các nguyên tắc kế toán tương ứng.

Giả định các khoản thoái vốn đều không lỗ và như lời ông Minh chia sẻ, giá trị tài sản trên sổ sách thấp hơn giá thị trường khoảng 1,5 lần thì việc bán các tài sản, công ty con của HVG sẽ giúp Công ty có thêm nguồn tiền đáng kể. Nếu sử dụng hết để trả nợ, bức tranh tài chính của HVG sẽ sáng hơn.

Trong quý I/2018, HVG có khoản lãi thanh lý khoản đầu tư vào công ty con hơn 213 tỷ đồng. Nhờ vậy, doanh thu tài chính trong kỳ tăng vọt lên 216,5 tỷ đồng so với con số hơn 15 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Đối với mảng chăn nuôi lợn, HVG vẫn duy trì, nhưng một số nông trại sẽ sang nhượng với giá cao, ước tính gấp 1,5 lần giá trị sổ sách. Ông Minh cho biết, đã có hai đối tác tìm hiểu trên tinh thần chung là sau khi HVG hoàn tất đầu tư vào các trang trại sẽ chuyển giao cho đối tác. Dự kiến, đến tháng 9/2018, HVG sẽ hoàn tất các hạng mục đang xây dựng dở dang (An Giang 1, An Giang 2, Bình Định).

Cơ hội "thoát cạn" và khoảng lệch trong mục tiêu lợi nhuận Năm 2018

Theo thống kê, năm 2017, Việt Nam có khoảng 200 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đến 138 thị trường, với kim ngạch đạt giá trị gần 1,8 tỷ USD, tăng hơn 4% so với năm 2016. Đây được xem là kết quả khả quan khi cá tra Việt Nam liên tục bị “mắc cạn” ở hai thị trường chính và truyền thống là Mỹ và EU do hàng rào kỹ thuật và thương mại từ Mỹ (áp thuế chống bán phá giá và triển khai chương trình thanh tra cá da trơn), trong khi tại EU bị cạnh tranh áp đảo từ các sản phẩm cá thịt trắng trong khu vực và có một số thông tin sai lệch về hình ảnh cá tra Việt Nam ở thị trường Tây Ban Nha. Bù lại, nhu cầu nhập khẩu cá tra của thị trường Trung Quốc tăng mạnh.

Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam, với tỷ trọng 23% năm 2017 (năm 2016 chiếm tỷ trọng 17,8%) và những tháng đầu năm 2018 chiếm tỷ trọng 50%. Trung Quốc có 1,4 tỷ dân nên nhu cầu nhập khẩu thực phẩm rất cao, dư địa để Việt Nam phát triển xuất khẩu cá tra sang thị trường này còn lớn. Ông Minh cho biết, 1 kg cá tra tại nhiều nhà hàng Trung Quốc có giá gần 70 USD, trong khi giá xuất khẩu từ Việt Nam sang chỉ có 3,5 USD/kg.

Năm 2018, tình hình khan hiếm nguồn cung tiếp tục đẩy giá cá tra tăng cao, đạt 32.700 đồng/kg, gấp 1,5 lần cùng kỳ năm trước, các nhà máy của HVG đều thiếu nguyên liệu để sản xuất. Định hướng của HVG là tiếp tục nuôi trồng 200.000 tấn cá cho giai đoạn 2018 - 2019.

Nhìn chung, HVG có cơ hội “thoát cạn”, nên trong báo cáo thường niên năm 2017, Công ty đề ra kế hoạch lãi 800 tỷ đồng năm 2018. Tuy nhiên, sau vài năm “dự báo” lệch nhiều so với thực tế, cũng như thị trường còn nhiều khó khăn, thách thức, chẳng hạn giá cá tra nguyên liệu cao gấp 3 so với một năm trước, đạt 60.000 - 70.000 đồng/kg, nên tại Đại hội đồng cổ đông vừa qua, HVG thận trọng trình Đại hội kế hoạch lãi 100 tỷ đồng.

Tin bài liên quan