Đây là bước tiến quan trọng trong lộ trình IPO và tiến tới niêm yết của ông lớn ngành bất động sản. Đặt trong bối cảnh thị trường bất động sản đang sàng lọc mạnh mẽ, IPO Hưng Thịnh Land dự kiến là thương vụ “bom tấn” ngành bất động sản với quy mô có thể lên hàng tỷ USD, khẳng định sự ủng hộ của nhà đầu tư đối với những doanh nghiệp có nền tảng hoạt động vững chắc và chiến lược phù hợp.
Tại thời điểm 27/6, vốn điều lệ công ty là 9.853 tỷ đồng, khi niêm yết, Hưng Thịnh Land được dự báo sẽ thuộc top doanh nghiệp lớn về cả quy mô vốn điều lệ cũng như vốn hóa trong lĩnh vực bất động sản.
Thông tin mới nhất từ Hưng Thịnh Land, công ty đang chuẩn bị tích cực kế hoạch IPO và dự kiến sẽ niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HOSE) vào năm 2023.
Nằm trong chiến lược phát triển và lộ trình đề ra trước đó, IPO và niêm yết là bước Hưng Thịnh Land hiện thực hóa cam kết minh bạch thông tin với các bên liên quan, qua đó mở ra cơ hội hợp tác, thu hút thêm nguồn vốn đa dạng, dài hạn để phục vụ hiệu quả hơn chiến lược phát triển quỹ đất, phát triển dự án của công ty, mang lại lợi ích cho cổ đông, nhà đầu tư và người lao động.
Ngay trước thềm IPO, Hưng Thịnh Land đón nhận thông tin tích cực khi vừa được 2 quỹ ngoại rót 103 triệu USD từ Dragon Capital và VinaCapital. Trong đó, VinaCapital rót 25 triệu USD với lượng cổ phần nắm giữ khoảng 1,23%. Nhóm quỹ liên quan Dragon Capital rót 78 triệu USD và nắm 3,82% vốn.
Thành công của giao dịch này giúp Hưng Thịnh Land tiếp cận thành công thị trường vốn quốc tế, tạo nền tảng thuận lợi hỗ trợ cho quá trình thực thi chiến lược và kế hoạch hướng đến các mục tiêu tăng trưởng bền vững.
Hưng Thịnh Land là nhà phát triển bất động sản hàng đầu với hàng loạt dự án phân khúc đa dạng, đưa ra thị trường hơn 30.000 sản phẩm, phục vụ hơn 100.000 khách hàng.
Hiện công ty sở hữu và phát triển 59 dự án đa dạng về loại hình và nhiều phân khúc, trong đó 23 dự án đã được bàn giao. Các dự án đã hoàn thiện và bàn giao, tạo lập tổ ấm an cư cho cư dân, tiêu biểu phải kể đến khu căn hộ Lavita Charm (TP.Thủ Đức, TP.HCM), khu căn hộ Q7 Boulevard (quận 7, TP.HCM), Saigon Mia (huyện Bình Chánh, TP. HCM), Moonlight Residences (TP.Thủ Đức, TP.HCM)…
Ở phân khúc nghỉ dưỡng nổi bật hiện nay của Hưng Thịnh Land khu biệt thự ven biển Cam Ranh Mystery Villas (Khánh Hòa) đã đi vào vận hành, đại dự án MerryLand Quy Nhơn (TP.Quy Nhơn, Bình Định) đang phát triển, góp phần đưa thành phố biển trở thành điểm đến hàng đầu châu Á.
Dự án Richmond Quy Nhơn tại đường Chế Lan Viên, phường Ghềnh Ráng, TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. |
Chỉ tính trong năm 2021, dù ngành bất động sản chịu ảnh hưởng mạnh bởi đại dịch Covid 19, Hưng Thịnh land vẫn thành công đưa ra thị trường 5.100 sản phẩm, tổng giá trị gần 16.000 tỷ đồng.
Nhờ vậy, kết quả kinh doanh Hưng Thịnh Land ghi nhận tăng trưởng tốt. Năm 2021, doanh thu 4.995 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2020. Trong cơ cấu doanh thu có 40% đến từ ghi nhận bàn giao hơn 1.000 sản phẩm trong năm 2021, bất chấp điều kiện bất lợi từ dịch bệnh.
Lợi nhuận sau thuế 1.697 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần năm 2020. Đáng lưu ý, biên lợi nhuận gộp gần 54%, biên lợi nhuận ròng hơn 34% - khẳng định nền tảng vững chắc và vị thế nhà phát triển bất động sản hàng đầu, có lợi thế cạnh tranh.
Tại thời điểm 31/12/2021, tổng tài sản 51.393 tỷ đồng, tăng 2,5 lần so với đầu năm. Trong cơ cấu tài sản, hàng tồn kho là 16.593 tỷ đồng – là giá trị các quỹ đất của Hưng Thịnh Land, có thể kể đến như Lavita Thuận An (Bình Dương), Grand Center, Ghềnh Ráng, MerryLand Quy Nhơn (Bình Định), Trường Thọ (TP. Hồ Chí Minh)…
Dự án Vung Tau Pearl tại đường Thi Sách, phường Thắng Tam, TP.Vũng Tàu, Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. |
Chiếm tỷ trọng lớn trong tài sản là các khoản phải thu đạt 16.771 tỷ đồng - tăng gần 16%, chủ yếu là các khoản hợp tác kinh doanh (BCC) - đây là các khoản đặt cọc để hợp tác đầu tư, mua cổ phần, góp vốn hoặc nhận chuyển nhượng dự án của công ty.
Các hoạt động hợp tác kinh doanh và mua bán sáp nhập làm gia tăng hàng tồn kho và khoản phải thu trong năm 2021, khiến dòng tiền hoạt động của công ty có giá trị âm hơn 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, tiền mặt cuối kỳ vẫn đạt hơn 1.800 tỷ đồng.
Về cơ cấu nguồn vốn, nợ vay ở mức 23.622 tỷ đồng. Cơ cấu nợ vay được duy trì lành mạnh, trong đó 78% là nợ dài hạn và 22% nợ ngắn hạn. Trong năm, công ty đã thanh toán tổng giá trị nợ gốc, lãi và các phí huy động với số tiền gần 2.800 tỷ đồng từ nguồn tiền mặt có sẵn và tiền thu được từ việc bán hàng, cung cấp dịch vụ.
Chỉ số nợ vay ròng trên tổng tài sản và nợ vay ròng trên vốn chủ sở hữu luôn được kiểm soát (lần lượt thấp hơn 0,5 và 1,5 lần), đảm bảo các cam kết của công ty với các đối tác tín dụng. Việc duy trì hệ số đòn bẩy cao phù hợp với tình hình phát triển trong giai đoạn hiện nay của doanh nghiệp này, hỗ trợ tốt cho mục tiêu tích lũy quỹ đất phục vụ chiến lược phát triển dài hạn, đồng thời triển khai các dự án quy mô lớn từ quỹ đất sẵn có.
Tổng vốn chủ sở hữu tại thời điểm cuối năm 2021 của Hưng Thịnh Land đã tăng 2,3 lần, đạt 15.313 tỷ đồng. Trong đó, vốn điều lệ tăng 74% so với cùng kỳ năm 2020 lên 9.379 tỷ đồng.