HUD1: “Đôi cánh” xây lắp - bất động sản đều khó

HUD1: “Đôi cánh” xây lắp - bất động sản đều khó

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lĩnh vực xây lắp ngày càng gặp nhiều khó khăn, trong khi kinh doanh bất động sản được dự đoán cũng không dễ dàng khiến nhiều cổ đông và nhà đầu tư lo lắng về tương lai của HUD1.

Tín hiệu xấu trong cơ cấu tài chính

Tương tự như nhiều doanh nghiệp hoạt động kinh doanh khác cùng ngành, nửa đầu năm 2020 được xem là giai đoạn vô cùng khó khăn của Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng HUD1 (HU1 - HOSE) với “cú đánh” từ Covid-19.

Tuy nhiên, ghi nhận từ báo cáo tài chính quý I/2020 của HUD1 cho thấy, quý đầu tiên vẫn ghi nhận kết quả không quá bi quan với gần 31 tỷ đồng doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ, chỉ giảm nhẹ khoảng gần 6 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.

Cùng với việc giá vốn hàng bán cũng sụt giảm ở mức tương ứng, HUD1 vẫn ghi nhận lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt gần 2,1 tỷ đồng, chỉ giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

Đồng thời, nhờ cắt giảm các chí phi về tài chính, quản lý doanh nghiệp, kết thúc quý I/2020, HUD1 vẫn ghi nhận lợi nhuận đạt 111,5 triệu đồng, tăng so với con số chỉ vỏn vẹn 15,8 triệu đồng của cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, một trong những yếu tố đáng được nhìn nhận nhất trên bản báo cáo tài chính quý I/2020 của công ty này là sự gia tăng ấn tượng trong khoản mục “Người mua trả tiền trước ngắn hạn”, khi riêng khoản mục này tăng hơn 198 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm 2020. Cùng với đó, các khoản phải thu khách hàng mua nhà trong khoản mục “Phải thu khách hàng” cũng tăng hơn 10 tỷ đồng trong quý I/2020.

Nhìn vào số liệu công bố như vậy, nhiều người sẽ cho rằng HUD1 đang có bước tăng trưởng khá ổn định, và cũng đang dần trở lại sau giai đoạn khó khăn trước đây. Tuy nhiên, lưu ý rằng, thực chất diễn biến tương đối khả quan này chủ yếu được đóng góp bởi dự án Sky Central 176 Định Công (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Từ năm 2018, xác định mảng xây lắp sẽ gặp khó khăn, HUD1 chuyển hướng tập trung các nguồn lực cho mảng kinh doanh bất động sản, giảm dần mảng xây lắp.

Việc này cũng là dễ hiểu trong bối cảnh tình hình hoạt động xây lắp của HUD1 từ trước tới nay dựa nhiều vào công ty mẹ (HUD). Tuy nhiên, các dự án của công ty mẹ hiện không còn là miếng bánh hấp dẫn để HUD1 có thể dựa vào.

Trong khi đó, do công tác đấu thầu xây lắp các công trình bên ngoài chưa thực sự hiệu quả, do thị trường xây lắp cạnh tranh khốc liệt về giá, đồng thời do năng lực nội tại của Công ty và các đội thi công trong Công ty tập trung chủ yếu cho công tác xây lắp tự làm tại dự án do HUD1 làm chủ đầu tư.

Điều này được thể hiện rõ trong Báo cáo thường niên các năm gần đây. Từ năm 2017, Ban Tổng giám đốc HUD1 đã cho biết, do một số hạn chế trong công tác đấu thầu, năm 2018, Công ty chỉ triển khai một số ít công trình chuyển tiếp của năm 2017 và một số gói thầu có giá trị không lớn nên không đủ để hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất - kinh doanh năm 2018, dẫn đến các chỉ tiêu kinh tế cũng không đạt yêu cầu.

Do vậy, việc chuyển tiếp sang triển khai dự án bất động sản là bước đệm cho chu kỳ tăng trưởng mới của HUD1. Trong đó, dự án tổ hợp thương mại, văn phòng và nhà ở cao tầng Sky Central là một trong những dự án được HUD1 kỳ vọng nhiều nhất với mong muốn mang lại lợi nhuận kinh doanh đột biến cho Công ty trong giai đoạn phát triển tiếp theo.

Việc chuyển hướng sang bất động sản với dự án Sky Central mang lại kết quả tăng trưởng về doanh thu khá rõ nét trong giai đoạn 2017 - 2019, kéo theo lợi nhuận gộp của HUD1 có thiên hướng đi lên khá rõ, tăng dần từ 23,6 tỷ đồng của năm 2016 lên 37,5 tỷ đồng năm 2017, 50,4 tỷ đồng năm 2018 và 45,96 tỷ đồng của năm 2019.

Tuy nhiên, với chi phí quản lý, chi phí bán hàng và chi phí tài chính quá lớn, dẫn đến mặc dù doanh thu tăng trưởng tới vài trăm tỷ đồng mỗi năm, nhưng lợi nhuận sau thuế lại tăng không đáng kể. Tính từ 2016 trở lại đây, lợi nhuận sau thuế cao nhất mà HUD1 đạt được chỉ ở mức hơn 8,4 tỷ đồng vào năm 2018, 2019.

Hết dự án gối đầu, HUD1 còn lại gì?

Tính tới cuối tháng 1/2020, vay và nợ thuê tài chính của HUD1 dù đã giảm khá nhiều so với giai đoạn 2017 - 2018, nhưng vẫn còn ở mức khá lớn so với quy mô của doanh nghiệp, ở mức hơn 270 tỷ đồng. Điều này sẽ đặt HUD1 dưới áp lực khá lớn trong việc phải duy trì các công việc gối đầu liên tục để đảm bảo có dòng tiền chi trả cho các khoản lãi vay ngân hàng nêu trên.

Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2020 vừa diễn ra, Ban lãnh đạo HUD1 nhận định, những hợp đồng mới được ký kết cùng định hướng tiếp tục bổ sung doanh thu từ ngành bất động sản sẽ là hướng bù đắp cho hoạt động xây lắp. Muốn vậy, doanh nghiệp cần phải mở rộng quy mô tài sản. Tuy nhiên, việc mở rộng doanh thu từ ngành bất động sản với HUD1 cũng chưa có tín hiệu sáng.

Trong kế hoạch năm 2020 được nêu trong Báo cáo thường niên năm 2019, HUD1 cho biết, sẽ đẩy mạnh kinh doanh, tiếp tục tiêu thụ các căn hộ tại dự án chung cư Sky Central 176 Định Công, bên cạnh đó là việc nhận thầu thi công dự án biệt thự nghỉ dưỡng giai đoạn 1, thuộc dự án Khu đô thị sinh thái AE Resort - Cửa Tùng, Quảng Trị.

Dẫu vậy, những kế hoạch này của HUD1 sẽ không dễ, nhất là trong bối cảnh sau dịch Covid-19, sức cầu của thị trường đang có xu hướng giảm khá rõ nét. Chưa kể, người mua nhà lại càng thận trọng hơn với những dự án đang có nhiều "tai tiếng" về tranh chấp quyền lợi với cư dân như Sky Central.

Cho tới bây giờ, dù đã bàn giao nhà cho khách hàng, nhưng trên thực tế, nhiều cư dân cho biết, họ không hài lòng với cách ứng xử khi ép khách hàng phải nhận nhà khi chưa đủ điều kiện bàn giao và chưa có lời giải thích rõ ràng liên quan đến việc dự án bị chậm tiến độ triển khai. Điều này khiến khả năng bán các sản phẩm còn lại ở dự án Sky Central bị đặt dấu hỏi.

Từ năm 2018, HUD1 cũng công bố triển khai thêm một số dự án mới, chẳng hạn như Khu đô thị mới Liên Bão - Bắc Ninh, hay dự án văn phòng tại Bắc Ninh. Tuy vậy, sau 2 năm, đến nay Công ty vẫn không có thông tin gì thêm về các dự án này. Trong Báo cáo thường niên 2019 cũng chỉ nêu vỏn vẹn vài dòng về việc có kế hoạch nhưng chưa biết đến thời gian nào mới thực hiện được các dự án nêu trên.

Ghi nhận từ báo cáo tài chính kiểm toán từ năm 2015 trở lại đây, một trong những khoản bất thường đáng chú ý nhất là các khoản tạm ứng theo thời gian rất lớn trong mục “Khoản phải thu khách hàng”, tuy nhiên, không hề được HUD1 giải thích hay được kiểm toán chú ý tới. Tới cuối tháng 1/2020, riêng khoản tạm ứng này lên tới 238,6 tỷ đồng.

Tin bài liên quan