Huawei được cho là sẽ công bố hai mẫu điện thoại cao nhất nửa cuối 2019 của hãng là Mate 30 và Mate 30 Pro vào ngày 18/9. Tuy nhiên, Google khẳng định với Reuters các điện thoại phát hành thời gian tới của Huawei không nằm trong diện được phép sử dụng các dịch vụ, sản phẩm của hãng.
Từ ngày 16/5, Mỹ đã yêu cầu các doanh nghiệp trong nước ngừng hợp tác kinh doanh với Huawei. Sau đó, Bộ Thương mại Mỹ cho phép Google tiếp tục "cung cấp dịch vụ và hỗ trợ, như cập nhật phần mềm, bản vá tới các thiết bị đang hoạt động của Huawei" đến ngày 19/11. Việc nới lỏng lệnh cấm chỉ áp dụng với các điện thoại đã được phân phối trên thị trường, không dành cho thiết bị sắp ra mắt.
Huawei vẫn có thể sử dụng phiên bản mã nguồn mở của Android, nhưng hệ sinh thái ứng dụng của Google lại chỉ có thể hoạt động ở châu Âu nếu hai bên ký hợp đồng mua bán quyền sử dụng.
"Không có ứng dụng Google, không ai mua thiết bị cả", nhà phân tích độc lập Richard Windsor nhận định với Reuters. Châu Âu là thị trường quan trọng của Huawei. Sau lệnh cấm, thị phần smartphone của Huawei ở đây giảm từ 24,9% xuống còn 19,3% trong quý II/2019 theo Counterpoint Research.
Các ứng dụng và dịch vụ Google, nhất là kho Play Store, được đánh giá là thành phần chủ chốt của hệ điều hành Android. Nó cần thiết tới mức Google từng bị Liên minh châu Âu đưa ra mức phạt kỷ lục 5 tỷ USD vì dùng quyền truy cập Play Store để ép các nhà sản xuất Android cài mặc định công cụ Google Search trên thiết bị.
Các hãng điện thoại Trung Quốc đã nỗ lực nhiều năm nhằm hoạt động không cần Play Store (do các dịch vụ của Google bị cấm ở nước này), dẫn đến sự hỗn loạn với hàng trăm kho ứng dụng mọc ra để cạnh tranh nhau. Huawei cũng xây dựng một kho ứng dụng thay thế Play Store từ 2018 vì đã dự đoán trước được lệnh cấm của Mỹ. Tuy nhiên, thị trường quan trọng của Huawei không chỉ có Trung Quốc mà còn ở châu Âu và châu Á.
Reuters cho biết, Bộ Thương mại Mỹ đã nhận được hơn 130 đơn từ các doanh nghiệp trong nước với mục đích xin cấp phép bán hàng cho Huawei, nhưng chưa đơn nào được phê duyệt.