Chiếc hũ cổ chứa hàng trăm đồng vàng được đào lên từ lòng đất. Ảnh: Ancient Origins.
Các công nhân phát hiện một chiếc hũ bằng kim loại đậy kín chôn sâu khoảng 2,4 m khi đang dọn dẹp một bãi đất hoang để làm vườn trong khu đền Jambukeswarar, bang Tamil Nadu, Ancient Origins hôm 5/3 đưa tin.
Họ thông báo với những người quản lý đền thờ, cảnh sát và chính quyền địa phương.
Khi mở chiếc hũ, các nhà chức trách tìm thấy tổng cộng 505 đồng vàng, nặng 1.716 gram, phần lớn là các đồng xu nhỏ, ngoại trừ một đồng lớn. Nhận thấy chúng rất lâu đời, cảnh sát liên hệ với các nhà khảo cổ.
Nghiên cứu ban đầu cho thấy những đồng tiền này khắc chữ Arab và có thể sản xuất từ năm 1000-1200.
Lịch sử của ngôi đền có thể cung cấp vài manh mối về nguồn gốc của hũ tiền vàng. Theo các chuyên gia, đền Jambukeswarar được xây dựng cách đây 1.800 năm, trong vương triều Chola.
Vương triều Chola giỏi buôn bán và quan hệ rộng với các thương gia, không chỉ trong Đông Nam Á mà còn ở khu vực Ấn Độ Dương.
Nhiều khả năng 505 đồng vàng bắt nguồn từ những thương gia Arab từng đến đây. Sau đó, hoàng tộc hoặc các thương gia giàu có đã tặng lại cho đền Jambukeswarar.
Người ta cho rằng ngôi đền nhận được nhiều khoản đóng góp gồm tượng bạc, đồ trang trí bằng vàng và bất động sản.
Do lưu giữ nhiều vật giá trị, đền Jambukeswarar cũng bị nhiều kẻ trộm dòm ngó. Vào thế kỷ 14, tướng Ulugh Khan từng cướp phá ngôi đền.
Có thể người xưa chôn hũ tiền vàng để bảo vệ nó khỏi những kẻ tấn công. Sau đó, họ không thể lấy lại chiếc hũ vì quên mất nơi chôn hoặc đã thiệt mạng.
Chiếc hũ cổ và các đồng vàng đang được bảo quản trong kho để nghiên cứu thêm.
Các chuyên gia sẽ tìm hiểu xem chính xác chúng thuộc giai đoạn lịch sử và nền văn hóa nào. Hiện chưa rõ chúng sẽ được đem trưng bày hay trả lại cho ngôi đền.