HSC dự báo độ lớn thị trường chứng khoán tăng khoảng 20%

HSC dự báo độ lớn thị trường chứng khoán tăng khoảng 20%

(ĐTCK) Ông Trịnh Hòai Giang, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho rằng, so với cách đây 10 năm, TTCK hiện khác rất nhiều, quy mô thị trường lớn hơn, nhiều hàng hóa để nhà đầu tư lựa chọn hơn và có nhiều cổ phiếu có P/E tương đối cao nhưng là cổ phiếu chất lượng vì lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng cao.

Theo ông Giang, chỉ số P/E của TTCK Việt Nam hiện khoảng 19 lần, so sánh với các thị trường trong khu vực và thế giới thì không rẻ. Nhưng cổ phiếu đắt hay rẻ không chỉ sử dụng một chỉ số P/E, mà cần sử dụng nhiều tiêu chí khác, đặc biệt là chất lượng lợi nhuận doanh nghiệp có bền vững và tăng trưởng ổn định hay không.

Nếu triển vọng lợi nhuận tốt thì P/E 19 - 20 lần vẫn chưa cao, chẳng hạn P/E của cổ phiếu VNM hiện khoảng 20 lần. Các cổ phiếu vốn hóa trung bình và nhỏ cũng không thể đánh giá đắt hay rẻ thông qua P/E.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp nhóm này hoạt động hiệu quả, nhưng chỉ số P/E chỉ khoảng 6 - 7 lần, thấp hơn nhiều so với P/E trung bình toàn thị trường.

Năm 2018, với giả định độ lớn TTCK tăng khoảng 20%, tương ứng giá trị giao dịch bình quân 6.000 tỷ đồng/phiên (theo thống kê, từ đầu tháng 1 đến nay, giá trị giao dịch bình quân trên HOSE khoảng 7.500 tỷ đồng/phiên), giá trị giao dịch của khối ngoại vẫn chiếm khoảng 13% như trong năm 2017 và sản phẩm mới như chứng quyền, quyền chọn được đưa vào giao dịch, Ban lãnh đạo HSC dự kiến trình ĐHĐCĐ kế hoạch năm 2018 với chỉ tiêu hơn 1.530 tỷ đồng doanh thu, 727 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 34% và 31% so với năm 2017. Ông Giang cho biết, đây là chỉ tiêu không quá cao so với dự báo về quy mô giao dịch trong năm 2018.

Đáng chú ý, thống kê từ đầu năm đến nay, dòng vốn ngoại vào TTCK Việt Nam đạt khoảng 150 triệu USD, lớn hơn so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó ETF nội được mua ròng 60 triệu USD. Theo ông Giang, các nhà đầu tư toàn cầu phân bổ tài sản vào các thị trường dựa trên 4 yếu tố: độ rộng, độ sâu, thông tin thị trường và pháp lý. Các nhà đầu tư này đánh giá cao chất lượng tái cơ cấu nền kinh tế đang diễn ra.

Trong đó, việc thoái vốn nhà nước tại VNM, thực hiện bán số lượng lớn cổ phần đang nắm giữ tại VCB, SAB… là sự chuyển dịch rất đáng kể trong mắt nhà đầu tư nước ngoài và họ cho rằng, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong những năm tới khả quan hơn, bền chắc hơn.

Từ quý IV/2017 đến nay, thông tin về thị trường Việt Nam tại các thị trường, nhất là thị trường Hàn Quốc rất nóng bỏng, dòng vốn từ Hàn Quốc chảy vào Việt Nam rất mạnh.

Tin bài liên quan