Kinh tế Việt Nam được nhận định là ngôi sao đang lên trong khu vực

Kinh tế Việt Nam được nhận định là ngôi sao đang lên trong khu vực

HSBC: Triển vọng kinh tế dài hạn phụ thuộc vào tiến độ cải cách

(ĐTCK) Việt Nam, theo nhận định của các nhà đầu tư nước ngoài, là một trong những điểm đến an toàn, ổn định, bền vững và đặc biệt là một tương lai có thể đoán định. Vấn đề là tối đa hóa những cơ hội này để hướng tới tăng trưởng bền vững.

Chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán tại buổi Hội thảo Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2017 do Ngân hàng HSBC tổ chức, một lãnh đạo cao cấp Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định, kinh tế thế giới sẽ đối mặt với nhiều yếu tố bất định trong năm 2017. Cụ thể là bất ổn chính trị (trong đó có sự kiện nước Anh rời khỏi EU - Brexit, những thay đổi chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump) và các nền kinh tế phát triển rơi vào bẫy lạm phát thấp.

Bên cạnh đó, thế giới còn phải chú ý tới Trung Quốc, bởi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang tăng trưởng chậm lại, cùng khối nợ, nợ xấu tăng cao và rủi ro từ hệ thống ngân hàng thương mại châu Âu (nợ xấu gia tăng, cho vay nhiều tại khu vực rủi ro cao), theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB).

Bổ sung thêm thông tin, tại buổi Hội thảo, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam nhận định, châu Á đang mất dần thế mạnh, thương mại thế giới suy giảm. Bên cạnh đó, đầu tư Trung Quốc chậm lại cũng làm ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới và đặc biệt là các thị trường mới nổi châu Á. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam được HSBC nhận định là “ngôi sao đang lên trong khu vực” với dự báo tăng trưởng kinh tế (GDP) sẽ đạt khoảng 6,4% năm nay, dù thấp hơn mục tiêu 6,7% mà cơ quan quản lý đặt ra.

Giải thích thêm về dự đoán con số GDP có thể thấp hơn mục tiêu, ông Hải cho biết, Chính phủ muốn thúc đẩy sự ổn định và đây là ưu tiên hàng đầu trong tương lai bởi nếu không có sự ổn định, khó hướng tới phát triển vững chắc. Bên cạnh đó là vấn đề lạm phát đã xuất hiện trở lại, con số này tăng hơn 5% đến hết tháng 2/2017 và dự báo sẽ ở mức 4% vào cuối năm. Tuy nhiên, lạm phát chưa phải vấn đề đáng ngại bởi nguyên nhân do giá dầu và các chi phí dịch vụ chăm sóc sức khỏe/y tế, giáo dục tăng.

Theo ông Hải, những điểm tích cực của kinh tế Việt Nam có thể kể đến như: khu vực sản xuất phát triển vững chắc; Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mặc dù bị trì hoãn nhưng vẫn chưa ảnh hưởng đến tâm lý các nhà đầu tư khi FDI thực hiện tăng 9% năm 2016 và duy trì tốt trong 2 tháng đầu năm 2017; Việt Nam sẽ hưởng lợi nhiều từ Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với nguồn lực sản xuất tăng đến từ Nhật, Hàn Quốc và Trung Quốc…

Cùng quan điểm này, ông Fiachra MacCana, Giám đốc nghiên cứu Khối khách hàng tổ chức kiêm Giám đốc điều hành Công ty Chứng khoán TP. HCM (HSC) nhận định, lợi nhuận gộp sau thuế của các ngành hàng gia dụng, tiêu dùng, hậu cần và dệt may có nhiều hứa hẹn. Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới các lĩnh vực đang tăng trưởng bao gồm dịch vụ tài chính và công nghệ. Đặc biệt, lĩnh vực bất động sản có thể là nhân tố đột biến đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế.

“Chúng ta tự tin cho giai đoạn ngắn hạn và lạc quan một cách thận trọng đối với trung hạn. Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong giai đoạn 3 - 5 năm tới. Tuy nhiên, triển vọng trung và dài hạn sẽ phụ thuộc vào tiến độ thực hiện cải cách. Việt Nam không còn nhiều thời gian và cải cách là lựa chọn duy nhất”, ông Hải nhấn mạnh.

Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2017 của Ban Kinh tế Trung ương nhận định, cơ sở cho tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của Việt Nam là tăng trưởng xuất khẩu, mà bản thân điều này có liên quan đến khả năng đa dạng hóa các ngành công nghiệp mới của quốc gia. Sự đa dạng hóa của Việt Nam, theo một số cách tính toán, hiện là quá trình diễn ra nhanh nhất trên thế giới.

Sự tăng trưởng của Việt Nam cũng được củng cố bởi vị trí quốc gia trong chuỗi sản phẩm. Việt Nam đã có đủ bí quyết để có thể giàu hơn hiện nay và đang có vị trí rất tốt để phát triển mạnh mẽ hơn vì có nhiều ngành công nghiệp có triển vọng phát triển. Chưa kể, chúng ta có dư địa lớn để tăng tốc độ tăng trưởng bằng cách di chuyển lực lượng lao động từ ngành nông nghiệp có năng suất thấp vào nhiều hoạt động đô thị hiện đại. Tuy nhiên, không phải mọi nơi tại Việt Nam đều cùng có cơ hội như nhau.              

Tin bài liên quan