HSBC Việt Nam vừa công bố nhận định liên quan đến triển vọng kinh tế với tiêu đề “Thời điểm vàng cho thương mại toàn cầu” với dự báo, thương mại toàn cầu sẽ tiếp tục có triển vọng tăng trưởng khá lạc quan trong thời gian tới.
Theo HSBC, thương mại hàng hóa phải chịu sức ép chưa từng có trong những năm gần đây và vào năm 2016, tốc độ tăng trưởng ở mức chậm nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, đà tăng trưởng đã trở lại trong năm 2017.
Cụ thể, tăng trưởng thương mại hàng hóa năm 2017 ở mức 9% về giá trị và 5% về sản lượng, bằng 1,4 lần tăng trưởng GDP toàn cầu.
Đây là năm đầu tiên kể từ năm 2013, thương mại hàng hóa toàn cầu tăng trưởng nhanh hơn GDP. Trước đó, trong năm 2016, mức tăng thương mại so với GDP sau cuộc khủng hoảng ở mức ngang bằng và ở mức thấp hơn trong năm 2016. Trước cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, mức tăng trưởng thương mại thường bằng 1,5 lần so với tăng trưởng GDP.
Theo HSBC, quan trọng nhất, khi giá cả hàng hóa hồi phục, đầu tư tại các nước sản xuất hàng hóa cũng tăng theo. Đặc biệt, gần đây, các nhà nhập khẩu hàng hóa ở châu Âu và châu Á cũng đẩy mạnh chi tiêu.
Trong khi đó, theo HSBC, xuất khẩu dịch vụ tăng trưởng tốt hơn so với thương mại hàng hóa trong những năm gần đây.
Sau khi tăng trưởng chậm lại trong năm 2015-2016 giống như hàng hóa, thương mại dịch vụ đã lấy lại đà tăng trưởng mạnh vào năm 2017 với mức tăng trưởng 6%.
Mức tăng trưởng thương mại hàng hóa và dịch vụ chung trong năm 2017 là 8%.
Triển vọng khả quan
HSBC cho rằng, triển vọng cho tăng trưởng tiếp tục khởi sắc. Theo đó, đà tăng trưởng thương mại hàng hóa năm 2018 được dự báo sẽ tiếp tục với 7% về giá trị và 4,5% về sản lượng, tương đương gấp 1,2 lần tăng trưởng GDP. Trong khi đó, tổng giá trị thương mại dịch vụ tiếp tục tăng thêm 9% trong năm 2018.
"Các chính phủ nên tận dụng thời điểm vàng này của kinh tế toàn cầu để theo đuổi các chính sách đẩy mạnh thương mại", các chuyên gia kinh tế của HSBC khuyến nghị.
HSBC dự báo, tăng trưởng thương mại thế giới sẽ nhanh hơn tốc độ tăng GDP toàn cầu trong thập kỷ tới. Nhưng sự tăng trưởng nhanh của thương mại so với tăng trưởng GDP dường như vẫn chưa sánh kịp với tốc độ tăng trưởng trong thập kỷ trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính, thời điểm các chuỗi cung ứng toàn cầu phát triển mạnh mẽ.
Theo khảo sát của HSBC, 77% số doanh nghiệp được khảo sát dự báo tăng trưởng về sản lượng thương mại. Trong đó, các doanh nghiệp tại châu Á Thái Bình Dương thể hiện mức độ lạc quan cao nhất, với 82% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng họ kỳ vọng sản lượng thương mại sẽ tăng (Bangladesh và Ấn Độ có sự lạc quan cao nhất). Riêng tại Việt Nam, 90% các doanh nghiệp có cùng kỳ vọng này.
Lý do của sự tự tin này là nhu cầu tăng tại khu vực đồng tiền chung châu Âu và kích thích tài chính tại Mỹ sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng.
Ngoài ra, đồng USD suy yếu cũng góp phần hỗ trợ cho đà tăng trưởng của thương mại toàn cầu, ít nhất đến cuối năm nay, khi Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ tăng lãi suất nhanh hơn các ngân hàng trung ương khác (thường gắn liền với việc tăng giá USD).
Bên cạnh đó, ba yếu tố thúc đẩy tăng trưởng như dự báo là môi trường kinh tế thuận lợi, việc tận dụng công nghệ và nhu cầu từ khách hàng.
Trong đó, 40% doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, nhu cầu sản phẩm tăng là yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng trong khi 42% thiên về điều kiện kinh tế thuận lợi.
Trong khi đó, các doanh nghiệp Singapore lại cho rằng việc tận dụng công nghệ tốt hơn sẽ là yếu tố quan trọng nhất.
Cùng với dự báo về tăng trưởng, 62% doanh nghiệp trên thế giới kỳ vọng nhu cầu về tài trợ thương mại sẽ tăng và con số này cho doanh nghiệp tại Việt Nam là 88%.
86% doanh nghiệp tại Việt Nam kỳ vọng khả năng tiếp cận nguồn vốn tài trợ thương mại sẽ tăng. 52% doanh nghiệp tại Việt Nam cho rằng, chi phí giao dịch cao là thách thức chính trong việc đáp ứng nhu cầu tài trợ thương mại.
Một tỷ lệ ít hơn doanh nghiệp (44%) cho rằng, bất ổn tỷ giá là thách thức thứ hai. Nhờ ổn định chính trị, Việt Nam không nằm trong tốp 10 thị trường cho rằng môi trường chính trị là thử thách thứ ba trong việc đáp ứng nhu cầu tài trợ thương mại.