Báo cáo toàn diện về triển vọng kinh doanh và thương mại toàn cầu HSBC Navigator 2018 vừa công bố nhận định, các doanh nghiệp (DN) có khả năng bỏ lỡ các cơ hội quan trọng sẵn có tại các thị trường xa hơn ngoài các thị trường láng giềng khi họ chỉ tập trung vào các chính sách thương mại ở phạm vi khu vực và thiếu thông tin về môi trường chính sách thương mại toàn cầu.
Theo HSBC, phần lớn các DN dường như bỏ qua hoặc đánh giá thấp tác động của một số chính sách quan trọng có thể ảnh hưởng lên hoạt động của họ, đặc biệt khi các chính sách này thuộc các thị trường ở xa khu vực của mình.
Chẳng hạn, phần lớn DN tại châu Âu cho rằng, môi trường chính sách tại Mỹ hay sáng kiến Con đường Vành đai của Trung Quốc không ảnh hưởng đến hoạt động của họ.
Đối với các DN tại Việt Nam, chỉ 31% cho rằng, môi trường chính sách tại châu Âu có ảnh hưởng tích cực lên DN của họ trong khi 66% cho rằng không ảnh hưởng, 31% cho rằng môi trường chính sách tại Mỹ có ảnh hưởng tích cực và 60% cho rằng không liên quan, trong khi châu Âu và Mỹ là hai thị trường quan trọng đối với các nhà xuất khẩu tại Việt Nam.
Tương tự, 74% DN tại Việt Nam cho rằng, NAFTA không ảnh hưởng lên hoạt động kinh doanh của họ.
Việc các DN thiếu thông tin về các hiệp định và các chính sách thương mại đặt họ vào nhiều rủi ro bỏ lỡ các cơ hội phát triển đáng kể ở phạm vi quốc tế.
Mặc dù nhiều DN - đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ - xem việc mở rộng ra thị trường mới là cách quan trọng để tăng trưởng kinh doanh, nhiều trong số họ có thể cuối cùng đánh mất lợi thế cạnh tranh nếu họ không nhận ra các chính sách thương mại đang thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu như thế nào và cơ hội dành cho họ nằm ở đâu trong những năm tới.
Tuy nhiên, các DN hiểu rõ tác động tích cực của các chính sách ở các thị trường và khu vực gần hơn. Con đường và Vành đai của Trung Quốc, ASEAN 2025 là hai chính sách nhận được sự quan tâm nhiều nhất từ các nhà lãnh đạo DN với tỷ lệ 59% và 56% tương ứng tại khu vực châu Á Thái Bình Dương.
74% DN tại Việt Nam cho rằng, ASEAN 2025 có tác động tích cực lên DN của họ và chỉ 26% cho rằng không có ảnh hưởng. 50% DN tham gia khảo sát tại Việt Nam cho rằng, Hiện định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) liên quan đến DN của mình và 63% DN Việt Nam cho biết, CPTPP có ảnh hưởng tích cực đối với DN của họ trong khi 35% cho rằng không ảnh hưởng.
"Có điều ngạc nhiên là, các DN châu Âu không quan tâm về các rủi ro liên quan đến Brexit khi có 62% DN kỳ vọng không ảnh hưởng hoặc có ảnh hưởng tích cực lên DN của họ. Trên toàn cầu, 75% DN tham gia khảo sát có cùng quan điểm tích cực đối với kết quả của Brexit", chuyên gia HSBC nhấn mạnh.
Điều quan trọng là các DN cần có sự hiểu biết tốt hơn về toàn cảnh các chính sách thương mại trên toàn cầu và các chính sách, hiệp định khác nhau sẽ ảnh hưởng lên DN của họ như thế nào, từ đó họ có thể tận dụng được các cơ hội phát triển được khai thác từ tự do hóa thương mại, kiểm soát tốt hơn các chi phí chuỗi cung ứng và duy trì được lợi thế cạnh tranh.
Và tại thời điểm mà chính sách bảo hộ đang tiếp tục diễn ra, các DN cần thiết tham gia vào các cuộc tranh luận nhằm bảo vệ các thị trường mở và các chính sách ủng hộ nền thương mại toàn diện và bền vững.