Mặc dù nhận định có một những tin tốt liên quan đến hoạt động cải cách, tuy nhiên trong bản Báo cáo về kinh tế vĩ mô - triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam số tháng 11/2015 của Khối Nghiên cứu Kinh tế của Ngân hàng HSBC (HSBC Global Research) vừa công bố cho thấy, áp lực lạm phát cơ bản đang tăng, có khả năng sẽ kéo lãi suất tăng…
Theo báo cáo, trong khi nền kinh tế tiếp tục hoạt động mạnh, mối quan tâm hiện nay đang chuyển sang các hoạt động cải cách và thách thức dài hạn của Việt Nam chủ yếu đến từ hoạt động trong nước với 2 thách thức lớn nhất là: 1) thâm hụt tài chính ngày càng nới rộng mà Bộ Tài chính đã phải nỗ lực để cấp vốn do nhu cầu đối với trái phiếu chính phủ thấp; 2) sự lấn át của các doanh nghiệp nhà nước so với các doanh nghiệp tư nhân hoạt động có hiệu quả sẽ làm giảm năng suất chung.
Chính phủ đang chịu nhiều áp lực để đẩy mạnh quá trình cải cách các doanh nghiệp nhà nước để hoàn tất Hiệp định TPP. Trong năm 2015, Chính phủ đã lên kế hoạch cổ phần hóa 289 doanh nghiệp nhà nước, nhưng đến này chỉ mới 94 doanh nghiệp được thực hiện.
Trong khi quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp đang được thực hiện chậm chạp, HSBC cho rằng, thật sai lầm khi tập trung vào số lượng. Thay vào đó, thử nghiệm thực tế là Chính phủ sẵn sàng tư nhân hóa ở mức độ như thế nào và cho phép sở hữu nước ngoài đến đâu. Ví dụ, đợt IPO Vietnam Airlines năm ngoái, hãng này chỉ đề xuất cổ phần hóa 3,48% chủ sở hữu.
“Tuy nhiên, mọi thứ đều có thể thay đổi. Theo Thông tư ngày 14/10/2015 Chính phủ đã thông báo rằng, Chính phủ đã chỉ đạo Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thực hiện việc tháo vốn nhà nước tại 10 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp mục tiêu bao gồm các doanh nghiệp đã được niêm yết trên thì trường chứng khoán như Vinamilk và FPT. Mặc dù thời hạn cho việc thoái vốn vẫn chưa rõ ràng, nhưng chúng tôi nghĩ rằng, việc tập trung nỗ lực cải tổ doanh nghiệp nhà nước chú trọng chất lượng hơn số lượng là một bước đi đúng hướng”, Báo cáo cho biết.
"Chính phủ đang chịu nhiều áp lực để đẩy mạnh quá trình cải cách các doanh nghiệp nhà nước để hoàn tất Hiệp định TPP"
Sau khi giảm mạnh các hoạt động sản xuất trong tháng 9, lĩnh vực này đã ổn định trong tháng 10. Cả chỉ số PMI toàn phần và chỉ số phụ sản lượng đều nhích về ngưỡng không thay đổi 50 điểm.b Mặc dù vậy, tình hình ngành sản xuất vẫn còn nhiều khó khăn. Đơn đặt hàng xuất khẩu mới có cải thiện trong tháng 10, nhưng chỉ số này vẫn đang ở mức thấp của 4 tháng qua. Điều này cho thấy tăng trưởng xuất khẩu chậm lại từ mức 9,6% trong tháng 9 chỉ còn đạt 8,5% từ đầu năm đến nay so với cùng kỳ năm ngoái. Và chỉ số này sẽ còn có khuynh hướng chậm thêm từ nay đến cuối năm.
Áp lực giá cả vẫn duy trì mức độ dịu nhẹ. Lạm phát toàn phần trong tháng 10 không thay đổi vẫn ở mức 0% so với cùng kỳ, trong khi lạm phát cơ bản tăng chậm hơn từ mức 1,6% trong tháng 9 xuống còn 1,4% trong tháng 10 so với cùng kỳ. Tuy nhiên, những lo ngại về giảm phát đang bị thổi phòng, bởi nguyên nhân chính của lạm phát chậm lại là do giá năng lượng giảm.
“Hiện tại, lạm phát giảm và triển vọng ổn định của giá cả năng lượng toàn cầu sẽ tạo cơ hội cho NHNN giữ lãi suất ổn định. Nhưng khi áp lực giá cả tăng trong năm sau, chúng tôi kỳ vọng NHNN sẽ tăng lãi suất thêm 0,5% trong quý III/2016, đưa mức lãi suất thị trường mở từ 5% như hiện nay lên 5,5%”, Báo cáo nhấn mạnh.