HSBC: Quỹ ASEAN Ứng phó Đại dịch nên được kết nối với các mục tiêu bền vững

HSBC: Quỹ ASEAN Ứng phó Đại dịch nên được kết nối với các mục tiêu bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngân hàng HSBC cho rằng, việc kết nối các nguyên tắc lựa chọn dự án của Quỹ ASEAN Ứng phó Đại dịch (ASEAN Pandemic Recovery Fund) với những cam kết về khí hậu và bền vững của khu vực sẽ là những chủ đề quan trọng trong chương trình nghị sự của các nhà lãnh đạo ASEAN.

Dự kiến sẽ được ra mắt tại Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo ASEAN vào tháng 11 sắp tới, Quỹ ASEAN Ứng phó Đại dịch sẽ tập trung giải quyết những cách biệt về cơ sở hạ tầng trong khu vực ASEAN với giá trị 2.800 tỷ USD trong thời gian tới. Đồng thời, quỹ này sẽ cung cấp những biện pháp kích thích kịp thời cho các nền kinh tế đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, bên cạnh mức thâm hụt cơ sở hạ tầng hiện có, Ngân hàng Phát triển châu Á (Asian Development Bank) đã dự đoán rằng, GDP của các nước trong khu vực ASEAN có thể giảm 11% vào năm 2100 nếu các vấn đề biến đổi khí hậu không được giải quyết. Điều này bao gồm bảo vệ các nước trong khu vực chống lại các thảm họa thiên nhiên như mực nước biển dâng cao, đảm bảo an ninh lương thực mạnh mẽ hơn và hướng tới các nguồn năng lượng ít carbon hơn.

Với tốc độ gia tăng dân số cao tại khu vực Nam Á và ASEAN, Ngân hàng HSBC nhận thấy việc kiềm chế mức tăng phát thải bình quân trên đầu người sẽ là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định liệu thế giới có thể đáp ứng các mục tiêu của Thỏa thuận chung Paris, nhằm giới hạn nhiệt độ trái đất tăng thêm ở mức 2 độ C hay cố gắng chỉ xoay quanh mức 1,5 độ C.

Ông Tim Evans, Tổng giám đốc của Ngân hàng HSBC Việt Nam cho biết: “Các quốc gia thành viên ASEAN sẽ nỗ lực làm việc để xây dựng và sắp xếp quỹ và những loại hình dự án nào đủ tiêu chuẩn để có thể kết nối giữa việc lựa chọn dự án và khung đánh giá rủi ro với chương trình nghị sự về biến đổi khí hậu của khu vực và các cam kết về Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hiệp Quốc.

“Thực hiện được điều đó sẽ thúc đẩy dòng vốn đầu tư cần thiết để bù đắp những thiếu hụt chi tiêu của chính phủ, xây dựng khả năng phục hồi kinh tế trong tương lai chống lại các loại hình thiên tai (bao gồm cả nước biển dâng) và giúp khu vực thoát khỏi lộ trình phát triển phát thải cao”, ông Tim Evans nói.

Có một số bước để phát triển cơ sở hạ tầng theo cách thức có thể kết nối chặt chẽ với phát triển bền vững. Một số bước này có thể được điều chỉnh ngay hoặc cần phải có thời gian. Trong đó bao gồm ba bước, gồm:

Phát triển một ngôn ngữ chung về các dự án cơ sở hạ tầng bền vững

Theo HSBC, các quốc gia thành viên ASEAN cần nhất trí về các định nghĩa chung cho những hoạt động và đầu tư thực tiễn được đánh giá là ‘xanh’ hoặc ‘bền vững’.

Cố gắng địa phương hóa các tiêu chuẩn xanh hoặc những phân loại đã được các khu vực pháp lý khác như châu Âu thực hiện. Điều này có thể là một hình thức dễ tiến hành hơn so với việc xây dựng các tiêu chuẩn riêng.

Trên thực tế, trong kế hoạch ngân sách phục hồi được được công bố vào cuối tháng 5 vừa qua, các nước Liên minh châu Âu (EU) nói rằng "xanh" sẽ là yếu tố chỉ đạo trọng tâm và hệ thống phân loại của EU sẽ đóng một vai trò quan trọng. Một lần nữa, các quốc gia ASEAN có thể đồng ý áp dụng các đơn vị phân loại này ngay từ bây giờ và phát triển chúng theo thời gian.

Tích hợp môi trường, xã hội và quản trị (Environmental, Social and Governance-ESG) như một phần của định giá và đánh giá rủi ro

Các nhà đầu tư tổ chức quan tâm đầu tư vào cơ sở hạ tầng bền vững có thể mang lại lợi nhuận ổn định và lâu dài; tuy nhiên, các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn ở ASEAN thường liên quan nhiều đến rủi ro về môi trường, xã hội và quản trị (ESG), ngăn cản hoạt động đầu tư của lĩnh vực kinh tế tư nhân.

Tương tự, được kết nối với việc xây dựng các định nghĩa xanh và bền vững là hình thức mà các hoạt động này được đánh giá rủi ro. Chúng bao gồm các rủi ro liên quan đến giai đoạn thiết kế và xây dựng của một dự án, thanh toán sau xây dựng và môi trường chính sách. Những bên tham gia dự án - bao gồm các ngân hàng, những nhà phát triển dự án, nhà đầu tư và chính phủ - cần phải có một mức độ hiểu biết chung và quy trình đánh giá rủi ro ESG như thế nào.

Theo HSBC, cả Tiêu chuẩn Hoạt động Môi trường và Xã hội của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Tuyên bố về Chính sách Bảo trợ xã hội của ADB đều là những tiêu chuẩn quốc tế được các tổ chức tài chính tham khảo phổ biến nhất hiện nay và là điểm khởi đầu tốt. Những tiêu chuẩn này có thể được các chính phủ ASEAN sử dụng.

Xây dựng các giải pháp tài chính để phát triển cơ sở hạ tầng bền vững

Mặc dù các bên tham gia dự án có thể mang lại những rủi ro ESG trong phạm vi mong muốn của nhà đầu tư, nhưng điều đó có thể không đủ để khiến họ vượt qua giới hạn để hoạt động đầu tư diễn ra.

Một cách để vượt qua thách thức này là áp dụng cách tiếp cận tài chính hỗn hợp - cách thức mà ở Quỹ ASEAN Ứng phó Đại dịch đó những rủi ro này được khối kinh tế tư nhân và nhà nước chia sẻ.

Bằng cách giảm hồ sơ rủi ro của các dự án cơ sở hạ tầng bền vững, tài chính hỗn hợp có thể cho phép các nhà đầu tư tham gia vào các dự án tài trợ. Mặc dù một số dự án cơ sở hạ tầng ở ASEAN đã được hưởng lợi từ việc sử dụng các công cụ này, nhưng các quốc gia vẫn cần phải nghiên cứu thêm để chuẩn hóa cách tiếp cận.

Ông Tim Evans cho biết thêm: "Việc áp dụng các mục tiêu phát triển bền vững cho Quỹ Ứng phó Đại dịch ASEAN hoàn toàn có ý nghĩa đối với khu vực. Quỹ này sẽ giúp thu hẹp khoảng cách giữa nhu cầu đầu tư và ngân sách của chính phủ bằng cách thu hút đầu tư tư nhân giữa các ngân hàng và các nhà đầu tư tổ chức.

Quỹ cũng sẽ giúp các thị trường ASEAN vốn dễ bị tổn thương do các loại hình thiên tai có liên quan đến vấn đề khí hậu như lũ lụt có thể xây dựng cơ sở hạ tầng phòng bị và từ đó, đạt được sự tin cậy về mặt kinh tế. Cuối cùng, quỹ này sẽ giúp các quốc gia đạt được Hiệp định Paris và các mục tiêu Phát triển bền vững khác của Liên Hiệp Quốc".

Tin bài liên quan