HSBC: Phép lạ đến từ người tiêu dùng cho các nền kinh tế ASEAN

HSBC: Phép lạ đến từ người tiêu dùng cho các nền kinh tế ASEAN

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) HSBC vừa công bố báo cáo “ASEAN Perspectives - Liệu tiêu dùng có trụ vững?” với nhận định, sau khi phục hồi vững chắc trong năm 2022, tăng trưởng tiêu dùng của ASEAN trong năm 2023 nhiều khả năng sẽ tiếp tục ổn định.

Sự phục hồi vững vàng trong doanh số bán lẻ

Theo Báo cáo của HSBC, trong trường hợp của Indonesia, mặc dù tăng trưởng tiêu dùng tương đối chậm hơn nhưng chi tiêu của người tiêu dùng vẫn mạnh mẽ vào năm 2022. Trên thực tế, tăng trưởng nội địa đã vượt qua tăng trưởng xuất khẩu. Tiêu dùng hộ gia đình có thể đã được thúc đẩy nhờ việc tiếp tục mở cửa trở lại và khả năng đi lại của người dân tăng lên, cũng như một số đợt giảm phát liên tiếp làm tăng sức mua thực tế.

HSBC cho biết, sự phục hồi vững chắc trong doanh số bán lẻ diễn ra (gần như) trên toàn khu vực, mặc dù Indonesia có tốc độ chậm hơn. Doanh số bán lẻ tại Malaysia và Việt Nam đạt mức cao hơn khoảng 20% so với trước đại dịch, tiếp theo là Thái Lan, Philippines và Singapore, nơi doanh số bán lẻ đã phục hồi như mức trước khi đại dịch xảy ra. Một chỉ số khác cần theo dõi là chi tiêu cho các mặt hàng giá trị cao.

“Đà tăng doanh số bán ô tô đã mạnh mẽ trở lại ở Malaysia và Indonesia, còn ở Singapore thì liên tục giảm. Điều đó không quá bất ngờ vì xét cho cùng, chi phí đổ vào Giấy phép sử dụng (Certificate of Entitlement - CoE) để sở hữu một chiếc xe ở Singapore tăng vọt đã cản trở phần nào doanh số bán hàng”, Báo cáo cho biết.

Còn Philippines và Indonesia, khoảng 40% chi tiêu đổ vào ăn uống, một phần là do lạm phát lương thực cao ở cả hai nền kinh tế.

Ngược lại, người tiêu dùng Singapore chi tiêu ít nhất cho thực phẩm so với toàn ASEAN nhưng thay vào đó chi tiêu cho “giải trí và văn hóa” lại chiếm tỷ trọng lớn. Là một trong những nền kinh tế châu Á đầu tiên phục hồi sau đại dịch, Singapore cũng là một trong những quốc gia đầu tiên chứng kiến sự chuyển dịch tiêu dùng từ hàng hóa sang dịch vụ.

Theo Báo cáo, không ngạc nhiên khi Thái Lan bị tụt lại phía sau khi mà nước này phụ thuộc nhiều vào du lịch nước ngoài và du khách Trung Quốc. Tuy nhiên, HSBC cho rằng tình hình này sẽ sớm thay đổi sau khi Trung Quốc mở cửa lại. Đặc biệt, Trung Quốc thông báo cho phép tổ chức lại tour khách đoàn đến khoảng 20 quốc gia, trong đó có ASEAN-6 (trừ Việt Nam), mang đến kỳ vọng du khách Trung Quốc quay trở lại nhanh hơn dự kiến.

Triển vọng 2023

Tiêu dùng sẽ đi đâu về đâu trong năm 2023, theo HSBC phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm lạm phát, chính sách tài khóa, tâm lý người tiêu dùng, sự phục hồi của thị trường lao động và tỷ lệ tiết kiệm.

Đầu tiên và quan trọng nhất, lạm phát vẫn là một mối quan tâm chính của người tiêu dùng. Theo Báo cáo, hầu hết các nền kinh tế ASEAN đã vượt qua giai đoạn đỉnh lạm phát, mặc dù Philippines và Việt Nam vẫn tiếp tục chứng kiến áp lực tăng giá ngày càng gia tăng, nhưng lạm phát nhiều khả năng sẽ giảm dần, nghĩa là áp lực giá tăng kéo tới ít nhất là nửa đầu năm 2023.

Báo cáo nhận định: “Ngay cả trong trường hợp của Singapore, một quốc gia sớm có động thái và cung cấp các khoản trợ cấp tài khóa hào phóng để trực tiếp “giải cứu” việc làm, thị trường lao động của nước này vẫn trong tình trạng thắt chặt với mức tăng lương có xu hướng vượt các mốc trước đây”.

Tại Indonesia đang đặt mục tiêu lấy lại mức thâm hụt tài khóa 3% trước đại dịch, còn triển vọng tài chính của Thái Lan có thể không chắc chắn, xét bối cảnh bầu cử sắp diễn ra vào tháng 5. Trong trường hợp của Singapore, ngân sách năm tài khóa 2023 đã bao gồm các biện pháp tài khóa bổ sung để bù đắp chi phí sinh hoạt gia tăng, mặc dù về bản chất đối tượng của các biện pháp này không phải là tất cả người dân.

"Ngay cả khi hầu hết các nền kinh tế ASEAN nhiều khả năng sẽ rút dần các cứu trợ tài chính thì tâm lý người tiêu dùng tại đây vẫn ở mức cao. Tâm lý người tiêu dùng Indonesia đã trở lại mức trước đại dịch, Malaysia cũng có xu hướng tương tự. Trong khi đó, tâm lý người tiêu dùng ở Thái Lan vẫn còn ảm đạm khi sự phục hồi của nước này tụt lại phía sau so với các quốc gia trong khu vực", HBSC cho biết.

Tiết kiệm hay không tiết kiệm?

Theo HBSC, tiêu dùng cũng là một vấn đề trong câu hỏi bao nhiêu thu nhập được dành để tiết kiệm, và câu trả lời thường phụ thuộc vào mức lãi suất mà người tiêu dùng được hưởng. Lãi suất hoạt động theo cả hai cách. Lãi suất cao sẽ hạn chế người tiêu dùng đi vay (nghĩa là tiêu dùng nhiều hơn), đồng thời thúc đẩy tiết kiệm do thu nhập từ tiền lãi tiết kiệm tăng lên.

Philippines và Thái Lan có thể sẽ chứng kiến những thay đổi lớn nhất trong tiết kiệm toàn nền kinh tế, trong khi Malaysia sẽ chứng kiến ít thay đổi nhất. Biểu đồ trên cho thấy chênh lệch lãi suất điều hành vào cuối năm 2023 (dự báo của HSBC) và lãi suất điều hành trước đại dịch trên toàn ASEAN.

"Chúng tôi cho rằng, Ngân hàng Trung ương Malaysia (Bank Negara Malaysia - BNM) có thể sẽ bình thường hóa lãi suất về mức trước đại dịch, trong khi các ngân hàng trung ương còn lại có thể tăng lãi suất đủ cao để thực hiện chính sách tiền tệ tương đối hạn chế nhằm kiềm chế nhu cầu.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Philippines (Bangko Sentral ng Pilipinas - BSP) sẽ tăng lãi suất lên mức cao thêm 250 điểm cơ bản so với mức trước đại dịch, điều đó sẽ ảnh hưởng tới hoạt động vay và tiêu dùng nói chung”, HSBC nhận định.

HSBC cho rằng, các nền kinh tế ASEAN có khả năng áp dụng chính sách tiền tệ theo hướng hạn chế là những nền kinh tế đã chứng kiến tỷ lệ tiết kiệm trên toàn nền kinh tế của họ giảm trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2022, ngoại trừ Singapore. Việc giữ lãi suất cao sẽ là cần thiết để đưa tỷ lệ tiết kiệm trở lại mức trước đại dịch, nhằm thu hẹp thâm hụt tài khoản vãng lai và thúc đẩy ổn định kinh tế vĩ mô - nhưng phải trả giá bằng hấp thu trong nước thấp đi, do khả năng chi tiêu tiêu dùng giảm, khi thanh khoản bị vắt kiệt trong nền kinh tế.

Một quan sát thú vị tại Indonesia là mặc dù nhu cầu tiêu dùng bị dồn nén đã được giải phóng, tiết kiệm tài chính của các hộ gia đình vẫn tăng vào năm 2022, nhưng với một sự khác biệt, đó là chuyển từ tiền gửi sang đầu tư vào trái phiếu dài hạn. Đây là chính là mấu chốt vấn đề. HSBC tin rằng, các nhà hoạch định chính sách đã có những động thái phù hợp để giữ cho tỷ lệ tiết kiệm không giảm quá mạnh, điều nếu xảy ra sẽ góp phần khiến vị thế bên ngoài yếu đi. Họ bắt đầu sau nhiều thị trường mới nổi khác nhưng cuối cùng đã tăng lãi suất điều hành thêm 225 điểm cơ bản, đẩy lãi suất thực vào vùng trung lập.

“Đổi lại, lãi suất cao đã giúp khuyến khích tiết kiệm hộ gia đình (tiết kiệm không giảm mặc dù nhu cầu tiêu dùng bị dồn nén được giải phóng tăng mạnh). Và, tỷ lệ cho vay trên tiền gửi vẫn còn thấp đã hạn chế lãi suất tiền gửi, chuyển tiền tiết kiệm sang trái phiếu chính phủ, qua đó hỗ trợ thị trường trái phiếu”, Báo cáo nhận định.

Những điều kiện cơ bản “cứu vãn” tình thế

Báo cáo của HSBC cho biết, Philippines và Thái Lan có thể sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi các ngân hàng trung ương của họ tương đối nghiêng về xu hướng kiềm chế lạm phát thấp để đưa tỷ lệ tiết kiệm trên toàn nền kinh tế tăng trở lại, tạo ra sự cân bằng giữa tiêu dùng và ổn định kinh tế vĩ mô. Xu hướng thể hiện rõ hơn ở Philippines so với Thái Lan vì triển vọng của Thái Lan về cả tiêu dùng và sự ổn định nhiều khả năng sẽ được củng cố nhờ sự phục hồi của ngành du lịch.

Trong khi đó, Indonesia cũng có thể sẽ chứng kiến tiêu dùng giảm bớt khi các cơ quan tài chính giảm trợ cấp dầu mỏ, trong khi các cơ quan tiền tệ giữ lãi suất cao. Tuy nhiên, sự gia tăng của tiền lương thực tế, được hỗ trợ bởi sự bùng nổ của ngành tài nguyên, khoáng sản trong năm 2022, sẽ mang lại sự hỗ trợ vốn rất cần thiết.

Với những dữ liệu trên cho thấy Philippines chậm lại nhiều nhất - một tin không mấy thuận lợi cho một nền kinh tế được thúc đẩy bởi tiêu dùng cá nhân (khoảng 70% GDP). Tuy nhiên, các điều kiện cơ bản của Philippines cũng sẽ giúp tiêu dùng hộ gia đình ổn định hoặc ít nhất là đặt ra ngưỡng sàn thấp nhất mà tiêu dùng có thể chậm lại.

Theo HSBC, kiều hối từ những người lao động ở nước ngoài, thường chiếm hơn 8% GDP, cũng có thể giúp cân bằng thu nhập và tiêu dùng ở một mức độ nào đó. Kiều hối thường tăng lên ở Philippines trong những giai đoạn khó khăn. Chẳng hạn, kiều hối tính bằng PHP đã tăng trưởng đáng kể so với xu hướng năm 2022 trong bối cảnh lạm phát hiện tại đang ở mức cao nhất trong vòng 14 năm qua.

"Với việc mở cửa biên giới trong năm nay, số lượng người lao động Philippines ở nước ngoài có thể sẽ tiếp tục tăng, đảm bảo dòng kiều hối ổn định, giúp các gia đình ở quê nhà đối phó với những thách thức của năm 2023", HSBC nhận định.

Tin bài liên quan